Chuyện ở "cánh đồng vàng"
* Kỳ 1: Bác đề nghị gia hạn khai thác vàng ở Bồng Miêu
(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Thế Vinh-Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh ( H. Phú Ninh, Quảng Nam) vốn hay chuyện, ví von giới thiệu về vùng đất quê hương: Cả xã diện tích 6.930 ha, 7.718 nhân khẩu. Người dân Tam Lãnh tự hào rằng, bất kể mỗi mét vuông ở vùng đất này đều có vàng. Chẳng thế, mà theo hơn 1000 năm trước, người Chăm đã phát hiện và đặt tên nơi đây là "Bồng Miêu", có nghĩa là "Cánh đồng vàng"...
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hàng nghìn tấn vàng đã được bóc tách từ "Cánh đồng vàng" này đi làm giàu khắp 5 châu. Song bây giờ, "Cánh đồng vàng" đang đứng trước nguy cơ, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, an ninh trật tự (ANTT) có nguy cơ bùng phát thành điểm nóng...
Cánh cổng Cty vàng Bồng Miêu khóa cứng, vì đã ngừng hoạt động 3 năm. |
Theo Báo cáo mới nhất vào tháng 3-2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về "Một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu của Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu" : Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu là Cty liên doanh, được thành lập theo giấy phép đầu tư do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cấp tháng 3-1991, để thực hiện Dự án khai thác mỏ vàng Bồng Miêu với thời hạn 25 năm. Thực hiện Luật đầu tư 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6-2008 cho Cty, thời hạn hoạt động 25 năm, đến hết ngày 4-3-2016. Cty đã dược Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu trên diện tích 358 ha (230 ha khai thác lộ thiên, 100 ha khai thác hầm lò, 28 ha bãi thải). Đầu năm 2016, sau khi giấy phép khai thác, giấy phép đầu tư hết hạn, Cty Bồng Miêu đã nộp đơn xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại Bồng Miêu và một số văn bản tài liệu liên quan đến Tổng Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Ngày 14-6-2016, Tổng Cục này có Công văn phúc đáp, đề nghị gia hạn giấy phép của Cty với một số nội dung: "Thời gian hoạt động của dự án đã hết hạn kể từ ngày 5-3-2016, nên không có cơ sở xem xét... Mỏ vàng Bồng Miêu chưa có tài liệu thăm dò, đánh giá trữ lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt... Theo quy định tại Nghị định số 15/2012/ NĐ-CP, để xem xét, cho phép gia hạn, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định, đặc biệt là các nghĩa vụ về tài chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận". Ngày 19-7-2016, Bộ TN-MT có Công văn nội dung: "Yêu cầu Cty vàng Bồng Miêu: Chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác trong diện tích 358 ha tại khu vực khai thác... trước ngày 6-9-2016, Cty phải di chuyển toàn bộ thiết bị, phương tiện khai thác, tài sản khác có liên quan ra khỏi khu vực khai thác, đồng thời giữ nguyên hiện trạng các thiết bị, công trình bảo vệ môi trường, an toàn mỏ, không được tháo bỏ hoặc phá hủy; nộp báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng đã thực hiện trong diện tích khu vực khai thác; nộp tiền và hoàn trả kinh phí điều tra, thăm dò của nhà nước đã được Bộ TN-MT phê duyệt; thực hiện nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc cấp phép khai thác ở mỏ vàng Bồng Miêu sẽ được xem xét khi Cty đã thực hiện các công việc nêu trên...".
Ngày 1-9-2016, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn phúc đáp nội dung đề nghị của Cty vàng Bồng Miêu (ngày 8-8-2016): "Trước những khó khăn của Cty, UBND tỉnh đã làm việc và ban hành nhiều văn bản hỗ trợ Cty tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để Cty tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, có nguồn thu để trả nợ thuế, phí cho nhà nước và thanh toán các khoản nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư, hàng hóa... Nhưng Cty không có thiện chí hợp tác... Bên cạch đó, việc buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng khai thác vàng trái phép trong khu vực mỏ, gây mất TTATXH trên địa bàn... Trước tình hình trên, UBND thống nhất chủ trương không tiếp tục xem xét đề nghị Bộ TN-MT cấp lại giấy phép Khai thác khoáng sản vàng cho Cty Bồng Miêu tại mỏ vàng Bồng Miêu; yêu cầu Cty dừng hoạt động khai thác vàng, khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ và bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý...". Ngày 21-9-2016, Bộ TN-MT tiếp tục có Công văn về việc giải quyết kiến nghị của Cty vàng Bồng Miêu: "...Trong khi chờ kết quả xử lý các vấn đề liên quan, nhằm duy trì sự ổn định, đảm bảo ANTT trong khu vực, Bộ TN-MT chấp thuận với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng phương tiện, tài sản của Cty... yêu cầu Cty thực hiện các nội dung của Bộ TN-MT như đã nêu trên...".
Hàng triệu mét vuông đất quặng thải của Cty vàng Bồng Miêu chưa hoàn thổ, phục hồi môi trường. |
Đến ngày 19-10-2016, Cty vàng Bồng Miêu vẫn chưa thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đất đai tại mỏ vàng Bồng Miêu của Cty vô cùng buông lỏng, tình trạng người dân khai thác vàng trái phép, xâm lấn, trồng rừng trên diện tích đất mỏ diễn ra khá phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của chính quyền địa phương. Ngày 19-10-2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn gửi Bộ TN-MT đề nghị cho phép UBND tỉnh quản lý với diện tích 230 ha khu mỏ Hố Gần và tổ chức cải tạo, phục hồi môi trường đối với diện tích 32,77 ha do Cty Bồng Miêu đã khai thác lộ thiên trong khu mỏ Hố Gần... Kinh phí thực hiện được sử dụng từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Cty Bồng Miêu. Tuy nhiên đến nay đề nghị của UBND tỉnh chưa được Bộ TN-MT giải quyết, tài nguyên khoáng sản, đất đai tại mỏ vàng Bồng Miêu vẫn như "vô chủ" ngày càng rắc rối, phức tạp về mọi mặt.
Nói về thăng trầm của "Cánh đồng vàng", ông Nguyễn Thế Vinh "than thở": "Không hiểu cái Cty vàng Bồng Miêu này làm ăn thế nào, sống trên đất vàng, đào vàng làm giàu mà cứ kêu thua lỗ, rồi thiếu nợ đủ mọi khoản từ thuế, phí, đến các doanh nghiệp khác. Trước năm 2013, mỗi năm Cty còn có mấy trăm triệu đóng góp phát triển cộng đồng tại địa phương, nhưng từ năm 2013 đến nay, Cty làm ăn có dấu hiệu thua lỗ, hoạt động sản xuất đình trệ. Từ đó xảy ra nhiều vấn đề nổi cộm, làm cho tình hình ANTTXH phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Chính quyền địa phương quá đau đầu về vấn này. Tam Lãnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng 2 tiêu chí về ANTT và môi trường đang có nguy cơ đẩy Tam Lãnh "rớt hạng", trở về điểm xuất phát ban đầu..."
Hồng Thanh