Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện ở thôn… ngày giãn cách

Thứ tư, 15/09/2021 17:07

Trong những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, người dân ở nhiều nơi đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa góp phần lan tỏa trong cộng đồng. Những mẩu chuyện nhỏ về tình người ấm áp giữa mùa đại dịch ở ngôi làng nhỏ Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và lạc quan...

Tổ COVID cộng đồng thôn Phú Hòa 1 “đi chợ” giúp dân.

Theo Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Hòa 1 Trần Thị Kim Nụ, thông thường người dân nông thôn hay đi ngủ sớm sau một ngày lao động vất vả thì nay việc này lại diễn ra sớm hơn. Còn chúng tôi thì sau một ngày “đi chợ” mua các mặt hàng thiết yếu giúp dân, tối về còn thay nhau trực chốt kiểm soát dịch bệnh theo phương châm “thôn cách ly với thôn”; phân công người xuống gặp dân để theo dõi, xem họ cần gì, thiếu gì thì tổ COVID cộng đồng thôn đáp ứng, cần thiết vận động hỗ trợ, đảm bảo cho bà con ai cũng có cuộc sống ổn định “ai ở đâu, ở yên đó”… 

Chị Bốn Anh- thành viên tổ COVID cộng đồng chia sẻ: “Nói “đi chợ hộ” mà chẳng phải đi chợ vì có nơi nào họp chợ đâu, mà phải nói là đi tìm chỗ có chợ mới đúng- đó là những nơi mà mình biết rõ người dân trong thôn đang trồng gì hoặc phải tìm đến các cửa hàng thiết yếu mua giúp lọ thuốc nhỏ mắt, thuốc đau bụng giúp bà con. Rồi loanh quanh giao hàng, có nhà thì sát triền sông Túy Loan, nhà thì ở trên đồi cao Dụ Dị; đến lúc giao hàng cho các hộ dân gần nhà thì bị chê lên, chê xuống nào “rau héo, quả hư”, nào “chờ đợi lâu quá”… Lúc đó chỉ biết cười gượng. Chị em tui chẳng khác nào “làm dâu trăm họ”, trong khi công việc đồng áng ở nhà thì bỏ mặc hết cho chồng con, nhưng được cái người dân “hờn đó, vui đó” nên cũng không để bụng”.

Trong thời gian giãn cách xã hội, khoảng 19 giờ đêm, Phú Hòa 1 đã “nhà ai nấy ở”, cửa ngõ kín bưng, chỉ còn vài bóng đèn đường le lói. Cảnh quê vốn yên ả, nay dịch bùng phát lại càng vắng lặng hơn. Lão nông Ba Tịnh trải lòng: “Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tui chưa bao giờ thấy quê hương hiu quạnh như thế này. Khi chưa có dịch, ban ngày thì nhộn nhịp công việc đồng áng, đêm đến thì trẻ nhỏ nghịch ngợm, nô đùa trên các tuyến đường quê, nhà nhà gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nay dịch bệnh bất ngờ ập đến, ai nấy đều ý thức được việc phải cùng thôn, xã chống dịch nên tạm thời không qua lại hỏi thăm với nhau. Bà con nơi đây giờ ý thức cao lắm, không ai ra đường nếu không thật sự cần thiết và nhanh chóng trở về; đồng thời tuân thủ khuyến cáo “5K”, bởi phòng chống dịch không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn bảo vệ cho cộng đồng, xã hội”.

Trời càng về khuya, màn đêm càng dày đặc hơn, hệ thống ánh sáng kiệt hẻm không đủ xua tan bóng tối đang bao trùm vùng đất trung du này. Song, điều chúng tôi cảm nhận được đó là tinh thần tự giác và sự chung tay của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh lần này. Đây cũng là nền tảng để người dân ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với quê hương… “Phú Hòa 1 là thôn có số lượng dân cư đông nhất của xã với hơn 1.400 nhân khẩu, đa số hộ gia đình chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Trải qua 4 đợt dịch, thôn chưa có trường hợp F0 nào. Ban điều hành thôn luôn chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục đối với bà con, hiểu và nắm rõ các chủ trương, kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại địa bàn mình sinh sống để chủ động ứng phó, phối hợp tốt với chính quyền địa phương, chung tay giữ vững “vùng xanh” quê mình”, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Hòa 1 Đinh Thị Tiền cho biết. 

Trên đường về, chúng tôi cứ nghĩ mãi về sự vất vả khi các chị Tiền, Nụ, Anh… “một nắng hai sương” với công việc đồng áng, vừa lo việc nhà, vừa đảm nhận việc xã hội mà không phải lúc nào cũng có sự sẻ chia, sự đồng cảm nhất định. Vậy nhưng, dường như ai cũng gắn bó với những công việc của mình. Những công việc tưởng chừng như nhỏ bé đó lại góp phần thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh và cố kết cộng đồng bền vững “tối lửa, tắt đèn có nhau”. 

VY HẬU