Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện ở “xóm chạy thận”

Thứ hai, 11/05/2020 18:00

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khu lưu trú miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được lấy lại làm khu cách ly, những bệnh nhân chạy thận hơn 3 tháng nay rơi vào cảnh “mất nhà”, đành ra ngoài tìm chỗ ở. Công cuộc chiến đấu với bệnh tật đã khó, nay còn khó hơn khi thêm nỗi lo tiền trọ.

Trần Thị Hoa (18 tuổi) với dáng người nhỏ thóp được nhận hỗ trợ từ Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP.

Những mảnh đời khốn khổ

Từ hôm được giới thiệu ra dãy nhà trọ nằm trong kiệt trên đường Hải Phòng, cách bệnh viện chỉ khoảng 300m, bà Thiều Thị Mai (75 tuổi, TX Điện Bàn, Quảng Nam) đã có chốn nghỉ ngơi sau những lần chạy thận mệt nhọc. Một thân một mình điều trị bệnh hơn 4 năm nay, tuổi cao sức yếu nên cứ đến ngày chạy thận bà lại được người ở “xóm chạy thận” đưa vào viện. Bà bảo, bà có 4 người con, nhưng con của bà sau khi lập gia đình đều ở xa, làm ăn cũng khó khăn trăm bề, lúc bà ốm mới có người ra chăm, còn không bà cứ đi về một mình thôi. Những hôm ở khu nhà của bệnh viện, có nhiều đoàn từ thiện phát cơm, phát cháo, đến bữa bà cùng với mọi người xuống nhận. Nhiều lúc có cái bánh mỳ của ai đó hảo tâm đem tặng cũng đủ để giải quyết một bữa no rồi. Hôm ra trọ đến giờ, bà ở cùng phòng có 5 người, để tiết kiệm chi phí, mỗi người hùn lại nấu ăn cùng cũng đủ qua ngày. “Già rồi đâu có làm gì có tiền đâu cháu, được người này người kia cho bà cất đấy để trả tiền phòng, tiền ăn hằng ngày, có khi mua thêm thuốc men để chữa trị”, bà Mai trải lòng.

Ngồi kế bên bà Mai là cô bé dáng người nhỏ thóp như học sinh cấp 1, nước da ngăm đen, cơ thể gầy còm với đôi mắt buồn sâu thẳm. Hỏi ra được biết em năm nay đã 18 tuổi nhưng mang căn bệnh theo mình suốt 9 năm nay. Có lẽ vì phải thường xuyên chạy thận, uống thuốc liên tục mà cơ thể em không thể lớn nỗi. Em tên Trần Thị Hoa (H. Đông Giang, Quảng Nam), sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em và mẹ là người dân tộc Cơ Tu. Gia đình em quanh năm làm nương rẫy, được mùa gì thì ăn mùa nấy, có khi hái rau trong vườn, trong rừng về nấu qua bữa.

Chị A Lăng Thị Mê (46 tuổi, mẹ Hoa) nghẹn ngào kể về khoảng thời gian 9 năm đằng đẵng cùng con chữa bệnh. Chị kể, ngày phát bệnh là khi Hoa đến trường thi môn cuối cùng để kết thúc năm học lớp 4, dù cơ thể em đang sốt và mệt. Đó cũng là ngày Hoa tạm gác lại việc học cho đến hôm nay. Lúc trở về nhà, Hoa trở sốt nặng, gia đình đưa đi bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị suy thận. Hoa được đưa ra Huế điều trị rồi chuyển về Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, hết tuổi nhi lại được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận. Những ngày ở viện, 2 mẹ con khi thì ngủ ghế đá, khi thì hành lang thậm chí ngủ ngồi.

Khoảng thời gian con nằm viện là chừng ấy thời gian người mẹ nghèo chưa một lần được nằm ngủ yên giấc trên chiếc giường đúng nghĩa. "Mình thì sao cũng được, chứ con bé mỗi lần chạy thận xong cơ thể mệt rã rời, choáng váng, chỉ mong con có chỗ để nằm nghỉ cho khỏe thôi. Từ khi chạy thận, vì cơ thể ốm yếu, con bé trải qua 3 lần ngưng tim được bệnh viện trả về. May sao phật phù hộ cháu còn gắng gượng đến ngày hôm nay. Từ sau Tết, bé khỏe hơn được ít, bụng cũng không còn trương to như trước nữa. Mỗi tuần đều đặn 2 lần Hoa phải chạy thận ở bệnh viện, nhà thì ở xa đi lại nhiều làm con bé mệt mỏi nên hai mẹ con xem bệnh viện như là nhà của mình”, chị A Lăng Thị Mê rưng rưng nói…

Căn phòng chỉ 15m2 là nơi ở của 4 đến 5 bệnh nhân chạy thận.

“Ai cho đồng nào đều để dành còn đóng trọ”

Khu nhà trọ này là nơi trú ngụ của 23 bệnh nhân chủ yếu từ Quảng Nam ra chạy thận. Người trẻ thì từ 20 – 30 tuổi, già thì từ 60 – 70 tuổi, họ cùng chung một số phận. Khu trọ rộng khoảng 15m2, mỗi phòng từ 4, 5 người ở cùng nhau để tiết kiệm tiền phòng. Trước khi dịch, dãy nhà trọ có giá 4 triệu đồng một tháng. Từ khi các bệnh nhân chạy thận vào ở lại thêm dịch bùng phát, chủ trọ giảm tiền phòng thu mỗi tháng 2,5 triệu đồng.

Những ngày này khu trọ của các bệnh nhân chạy thận lại vui vẻ hơn khi có một số đoàn từ thiện đến chia sẻ khó khăn trong mùa dịch. Từ những món quà, mỗi bệnh nhân tiết kiệm dần để mua thuốc men, hùn lại nấu ăn và trả tiền trọ.

Bà Phan Thị Huệ (74 tuổi, xã Bình Giang, H. Thăng Bình, Quảng Nam) gầy còm, chỉ còn da bọc xương nhận gạo và quà từ nhà hảo tâm mà vui mừng. “Từ hôm dịch mọi người ở đây được cho gạo, cho mì tôm ăn dần đó cháu. Quý lắm, ai cho được đồng nào đều cất để dành còn đóng tiền trọ. Bệnh viện đang cách ly giờ có chỗ này ở là quý lắm rồi, chứ bệnh này ra vào viện thường xuyên, nhiều người họ cũng sợ mang theo virus ra lắm”.

Ông Dương Quang Sanh (57 tuổi, xã Duy Phước, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) từ giường kế bên nói cùng: “Ở chật một chút cũng không sao, vì những người bị thận sức khỏe đều yếu có làm được gì đâu cháu, ngoài ngày chạy thận trên viện thì ngày khác chỉ cần có chỗ nằm nghỉ ngơi là đủ rồi. Ai phải chạy thận thì sự sống nhờ vào sự trợ giúp của máy móc. Việc chạy thận sẽ chỉ dừng lại khi người ta nhắm mắt xuôi tay cháu ạ”.

Bà Lê Thị Tám – Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng trong lần đến thăm, tặng quà cho các bệnh nhân chạy thận chia sẻ: “Những bệnh nhân ở đây mang bệnh tật trong người đã đau khổ rồi, Hội cũng chỉ góp một phần nhỏ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở đây. Hội mong muốn sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân quan tâm đến các bệnh nhân, giúp họ giảm gánh nặng chi phí ăn ở sinh hoạt hằng ngày để yên tâm chữa trị”.

Diệu Huyền