Báo Công An Đà Nẵng

Góp ý Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi):

Chuyển phạt tiền thành hình phạt tù là làm xấu đi tình trạng của người bị kết án

Thứ hai, 17/08/2015 08:25

(Cadn.com.vn) - Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Báo Công an TP Đà Nẵng xin trích đăng ý kiến góp ý của Luật sư Trương Văn Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Bình Minh:

Luật sư Trương Văn Bình.

Điều 28, Bộ luật Hình sự quy định về hình phạt chính, gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; chung thân; tử hình và hình phạt bổ sung, gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Áp dụng điều luật này, tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo các cấp Tòa án đã tuyên phạt bị cáo hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Mặc dù được xem là hình phạt chính song để thi hành hình phạt tiền trên thực tế quả là "câu chuyện dài nhiều tập". Nhiều bị án đã tìm mọi cách tẩu tán tài sản hoặc tìm cách đi khỏi địa phương nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Để đảm bảo việc thi hành bản án, khoản 4, điều 35 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 quy định: Trường hợp người bị kết án phạt tiền, không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt này được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn được quy định trong điều khoản tương ứng. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên luôn nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành.

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là việc chuyển từ hình phạt nhẹ sang hình phạt nặng hơn, làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, là trái với nguyên tắc nhân đạo được quy định trong Luật Hình sự Việt Nam. Vì, khi quyết định một loại hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, HĐXX phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các đặc điểm về nhân thân, hoàn cảnh phạm tội để đảm bảo loại hình phạt đó vừa mang tính giáo dục, răn đe nhằm mục đích giúp người phạm tội nhận thức được sai lầm của mình để cải tạo trở thành người tốt. Với quy định như vậy chỉ có lợi cho những người có điều kiện về kinh tế. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện thực hiện hình phạt tiền thì đương nhiên họ phải chấp nhận một hình phạt nặng hơn là phạt tù. Với quy định này vô tình làm cho pháp luật Việt Nam vi phạm vào nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Quy định trên cũng không phù hợp với những quy định tại Nghị quyết số 49, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp có nội dung: giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Bên cạnh đó, trong quá trình thụ lý hồ sơ, đưa vụ án ra xét xử Tòa án cần tìm hiểu kỹ điều kiện của đối tượng, trong trường hợp người phạm tội không có điều kiện thực hiện hình phạt tiền thì HĐXX chọn loại hình phạt nào đó cho phù hợp, không cần thiết phải tuyên hình phạt tiền nhưng vì lý do nào đó người bị kết án không thi hành án mới chuyển sang hình phạt tù. Và, điều đó làm xấu đi tình trạng của người bị kết án.

M.T
(thực hiện)