Chuyến thăm biểu trưng sức mạnh
(Cadn.com.vn) - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis của nước này hiện có mặt trên biển Đông cho thấy rõ quyết tâm thách thức những hoạt động mạnh mẽ và vô lý của Trung Quốc ở khu vực này.
Tàu chiến Mỹ tham gia tập trận cùng Philippines ở biển Đông. |
Đúng như tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 15-4 đã đến thăm tàu sân bay USS John C.Stennis - hiện có mặt tại biển Đông - đánh dấu gia tăng sự hiện diện của Lầu Năm Góc trong bối cảnh Bắc Kinh đang hứng chịu chỉ trích “quân sự hóa” khu vực đang tranh chấp này.
Theo AFP, chuyến thăm này của ông chủ Lầu Năm Góc khiến Trung Quốc tức giận bởi Bắc Kinh kiên quyết phản đối với cáo buộc Lầu Năm Góc đang nỗ lực xây dựng quân đội Mỹ trong khu vực – nơi có những tuyến đường biển quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Bất chấp chỉ trích của Bắc Kinh, trước khi đến thăm tàu chiến, ông chủ Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh, Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines và các đồng minh khác khi họ phải đối mặt với “cưỡng bức và đe dọa”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì an toàn và tự do cho những bạn bè và đồng minh của chúng tôi, theo các giá trị, nguyên tắc và dựa trên luật lệ quốc tế”, ông Carter nói tại buổi lễ bế mạc cuộc tập trận “Vai kề vai” thường niên giữa Mỹ và Philippines.
Trong động thái biểu trưng sức mạnh và sự đoàn kết với Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines. Vị thủ lĩnh quân sự của Mỹ đồng thời thông báo, 2 nước đã khởi động chiến dịch tuần tra chung ở vùng biển Đông sau khi nói về mối quan ngại ngày càng tăng đối với các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trong khu vực này. Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Carter hy vọng, các cuộc điều tra chung “sẽ đóng góp cho sự an toàn và an ninh của các vùng biển trong khu vực” và giúp “ngăn chặn hành động quyết đoán của Trung Quốc”.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng triển khai tạm thời 275 binh sĩ và 5 chiến đấu cơ A-10 đến Philippines – đánh dấu lần triển khai quân sự quy mô lớn đầu tiên theo hiệp ước quốc phòng song phương mà cả hai ký kết hồi tháng 1. Hiệp ước này cho phép quân đội Mỹ triển khai quân và vũ khí quân sự đến Philippines, một phần quan trọng trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Nhà Trắng. Lực lượng Mỹ ban đầu sẽ có quyền triển khai quân đến 5 căn cứ quân sự Philippines, bao gồm cả hai căn cứ gần các khu vực điểm nóng của biển Đông.
Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước những kế hoạch làm sâu sắc các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines như thế này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thậm chí ra tuyên bố cho rằng, chiến dịch tuần tra chung ở biển Đông đã phản ánh “tâm lý Chiến tranh Lạnh” trong khi động thái triển khai quân sự sẽ “gây mất ổn định trong khu vực”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Carter bác bỏ những chỉ trích này đồng thời khẳng định, Washington chỉ nhằm tăng cường vai trò quân sự của mình trong khu vực chứ không mang tính “kích động” mà chỉ muốn giảm căng thẳng trong khu vực. Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ chỉ muốn trấn an các nước trong khu vực về “các hành động cơ bắp” của Trung Quốc ở biển Đông. “Các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang bày tỏ mối quan ngại về hành động cải tạo đất và các động thái quân sự nguy hiểm gần đây của Trung Quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Rõ ràng, việc Mỹ bất chấp cảnh báo của Trung Quốc tăng cường sự quan tâm đến vấn đề biển Đông là minh chứng cho thấy Washington đang nỗ lực thực hiện cam kết duy trì an ninh tại khu vực đang rất nóng này.
Khả Anh