Báo Công An Đà Nẵng

Chuyến thăm đầy thách thức

Thứ năm, 06/04/2023 08:37
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Sân bay Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 5-4.

Ngày 5-4, Tổng thống Macron đã tới sân bay thủ đô Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc từ ngày 5 đến 8-4. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Macron sau 3 năm và chỉ 5 tháng sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali của Indonesia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đi cùng ông Macron trong chuyến công du này.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh

Tháp tùng Tổng thống Macron tới Bắc Kinh lần này là phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Phát biểu khi công bố chính thức về chuyến thăm, ông Macron khẳng định sẽ cố gắng để thiết lập "mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp". Một bài toán khó vào thời điểm hiện nay là kim ngạch thương mại Pháp-Trung lên đến hơn 100 tỷ EUR, nhưng Pháp thâm hụt đến 50 tỷ EUR năm ngoái, tăng mạnh so với mức 30 tỷ EUR của năm 2017.

Về phía EU, thâm hụt thương mại và chính sách kiểm soát đầu tư của Trung Quốc từ lâu đã trở thành vấn đề lớn trong quan hệ song phương. Thâm hụt thương mại hàng hóa của EU đối với Trung Quốc đã lên đến gần 400 tỷ EUR, tăng liên tục trong gần 10 năm trở lại đây. Thực trạng này chắc chắn không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai, nhất là không thể chỉ qua một chuyến thăm. Những năm gần đây, EU đã đưa ra nhiều công cụ và chính sách mới nhằm kiểm soát đầu tư nước ngoài, tìm cách tái cân bằng cán cân thương mại, khuyến khích tái công nghiệp hóa.

Theo giới phân tích, chuyến thăm lần này của ông Macron và bà Von der Leyen tới Trung Quốc nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Năm 2022, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của EU và là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của khối. Đây là một chỉ số quan trọng cho thấy mối quan hệ giữa hai bên thực sự đang ở mức như thế nào. Nhận định về chuyến thăm, Alicja Bachulska, thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thuyết phục một số nhà lãnh đạo châu Âu quay trở lại mối quan hệ kinh doanh như bình thường.

Muốn Trung Quốc giúp chấm dứt chiến sự Ukraine

Không khó để nhận ra rằng mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Pháp và EC sẽ là thuyết phục Trung Quốc đóng vai trò trung gian để tìm ra giải pháp cho tình hình Ukraine, cuộc chiến đang làm rung chuyển châu Âu, đẩy kinh tế EU rơi vào khó khăn chồng chất khi mới vừa chớm hồi phục mong manh sau dịch COVID-19. Tại hội nghị G20 tháng 11-2022, Tổng thống Macron đã kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tờ Guardian dẫn lời một quan chức từ Văn phòng tổng thống Pháp gần đây cho biết: "Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động ngay lập tức và triệt để vào cuộc xung đột Ukraine, theo hướng này hay hướng khác". Theo Paris, Trung Quốc có thể là một "nhân tố thay đổi cuộc chơi" đối với chiến sự Ukraine: có thể xoay chuyển cán cân theo hướng tích cực thông qua thúc đẩy đối thoại về các điều kiện để chấm dứt xung đột, hoặc theo hướng tiêu cực nếu Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho Nga. Bà Von der Leyen cũng muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đối với Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Moscow.

Tuy nhiên, chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Pháp diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn rất nhiều. Cuộc xung đột Ukraine và những đám mây đen phủ bóng quan hệ Mỹ-Trung Quốc đòi hỏi ông Macron phải xử lý quan hệ với Bắc Kinh một cách tế nhị để bảo vệ được quyền lợi của Paris và châu Âu, đồng thời không để ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Washington. Mặc dù ông Macron muốn tận dụng chuyến thăm để tác động tới mối quan hệ Trung Quốc và Nga, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Pháp không có nhiều cơ hội do bản chất của mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow mang tính chiến lược cao.

AN BÌNH