Báo Công An Đà Nẵng

Chuyến thị sát nhiều áp lực

Thứ sáu, 03/11/2017 07:42

Ngày 2-11, Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này - lần đầu tiên thăm bang miền Bắc Rakhine đang bị xung đột tàn phá. Đây là nơi phần lớn người Hồi giáo Rohingya đã bị buộc phải đi lánh nạn do một chiến dịch trấn áp quân sự bùng nổ sau khi nhóm phiến quân người Rohingya tấn công nhiều trạm gác cảnh sát.

 “Cố vấn nhà nước hiện đang ở Sittwe và cũng sẽ đến Muangdaw và Buthiduang (2 tâm điểm của tình trạng bạo lực tại bang Rakhine). Chuyến thăm kéo dài 1 ngày”, người phát ngôn chính phủ Zaw Htay xác nhận. Chuyến thăm được chờ đợi lần này diễn ra khi bà Suu Kyi đang đứng trước áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế về cách phản ứng trước cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya.

Trên thực tế, bà Suu Kyi, người nhận giải Nobel Hòa bình và lãnh đạo một đảng ủng hộ dân chủ ở Myanmar, hiện đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì không sử dụng ảnh hưởng của mình để lên tiếng bảo vệ người Rohinyga. Hơn 600.000 người thiểu số Rohingya tháo chạy khỏi bang Rakhine trong tình trạng đói khát và chấn thương tâm lý.

Tuy nhiên, không phải bà Suu Kyi chỉ lặng im đứng nhìn. Hồi tháng 9, nhà lãnh đạo Suu Kyi từng hủy bỏ tham dự các vòng họp Đại hội đồng LHQ để ở nhà tập trung đối phó với các vấn đề an ninh trong nước. Bà Suu Kyi gần đây cũng đã đưa ra kế hoạch mới để chấm dứt xung đột và mang lại nhiều tiến bộ hơn cho vấn đề ở Rakhine. Bà khẳng định, chính phủ dân sự sẽ nỗ lực thực hiện điều này với sự hợp tác của các nhóm doanh nghiệp địa phương và các nhà tài trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm là hiện nay các cơ quan viện trợ quốc tế vẫn không được phép tiếp cận với các khu vực bị ảnh hưởng. Và Myanmar vẫn chưa có thỏa thuận với chính phủ Bangladesh về việc làm thế nào để hồi hương những người tị nạn Rohingya.

Lâu nay, Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng. Trong khi đó, Dhaka cũng từ chối tiếp nhận vĩnh viễn người Rohingya.

THANH VĂN