Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện tình đẹp của nữ binh Tiểu đoàn Bà Thao

Thứ năm, 15/07/2021 13:30

Bà Lê Thị Cúc - nguyên nữ binh Tiểu đoàn Bà Thao, nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Thượng tá cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đôi đã trải qua 53 năm thuộc về nhau. Và chuyện tình của họ như “bước ra” từ tiểu thuyết…

Bà Lê Thị Cúc (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội ở Tiểu đoàn Bà Thao thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (2009). Ảnh: H.V

“Tiểu thư” vào bộ đội

Quê xã Quế Xuân, H. Quế Sơn (Quảng Nam), Cúc được người cha nông dân ăn học đến đệ tứ (hết cấp 2), khi mẹ cô mất sớm. Từ nhỏ đến lớn, Cúc chỉ biết học. Cha cô gửi gạo, thuê nhà trọ cho con gái học trường huyện. Cuối tuần về nhà, cô còn né giã gạo vì sợ hư móng tay. Vậy mà năm 1965, sau khi Đồng khởi, bộ đội về làng, cô “tiểu thư” tuổi 16 đầy lãng mạn ấy mê đắm màu lá ngụy trang nhấp nhô trên vai các chú. Cô nằng nặc xin cha đi thanh niên xung phong. Người cha biết sức vóc mảnh mai của con gái mình, ông chốt: “Con tính có trụ được ác liệt không? Nếu đã đi thì gian khổ mấy cũng không được bỏ về nhà, xấu hổ gia đình”.

Nơi cô đầu quân là đơn vị vận tải Công doanh với nhiệm vụ gùi hàng tải đạn ra chiến trường. Bàn chân chỉ biết quẩn quanh mái trường nay trèo đèo lội suối tươm máu. Nước da cô xanh bủng, tóc rụng vì sốt rét… Đôi lúc cô muốn bỏ hết để về với cha nhưng rồi lòng tự trọng không cho phép. Bao đồng đội trong đơn vị cũng chịu gian khổ như vậy nhưng chẳng ai sờn lòng, cớ gì cô thua kém họ? Chính nhờ tự vấn mình mà Lê Thị Cúc trưởng thành từng ngày. Năm 1968, khi Tiểu đoàn Vận tải 232 Quân khu 5 (còn được gọi là Tiều đoàn Bà Thao, sau này được tuyên dương Anh hùng LLVTND) được thành lập từ các đơn vị thanh niên xung phong và các đầu mối của Quân khu, Cúc trở thành Đại đội trưởng Đại đội 2. Cũng chính từ đây, một tình yêu đôi lứa lãng mạn đã tỏa hương trong lòng cô.

Thượng tá Nguyễn Hữu Đôi, trìu mến nhìn người vợ tào khang, hóm hỉnh: “Tôi chỉ nhờ một mẩu giấy mà lấy được vợ đấy. Sau này suốt 6 năm từ lúc quen cho đến cưới, tôi và bà ấy cũng chỉ yêu nhau qua những mảnh giấy trao vội. Hôn nhau cũng gửi gắm trong dòng chữ mà thôi”.

Cùng là đại đội trưởng của hai đơn vị đóng trên núi rừng Trà My nên thi thoảng họ gặp nhau qua những lần họp. Ấn tượng đầu tiên của anh là cô gái viết chữ rất đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ, dễ nghe, gương mặt tuy không thật xinh nhưng luôn tươi sáng, tinh nghịch. Có lần anh chứng kiến cô tập quân sự, lăn lê bò toài, bắn súng, nhanh nhẹn chuẩn xác như một sĩ quan thật sự. Lòng anh tràn ngập niềm thương cảm: “Cô gái này tài hoa thế, vào chiến trường thật lãng phí, đáng lẽ phải tiếp tục học hành”. Trong một buổi họp, khi ở gần nhau, anh xé một mảnh giấy ghi vội 4 chữ: “Anh rất yêu em” lén lút trao cô rồi hồi hộp chờ đợi. Lần gặp sau, anh nhận được mảnh giấy trêu, “chế tác” từ một bài thơ nổi tiếng: “Nếu biết rằng em đã có chồng. Chàng trai miền Bắc có buồn không?”. “Cô ấy đã có chồng rồi ư? Vậy thì đeo đuổi làm gì cho uổng công?”. Im lặng một thời gian, tưởng chừng tuyệt vọng, thì một ngày đẹp trời, anh đọc được dòng chữ: “Anh yêu em vì điểm gì?”. Thì ra cô nàng vẫn có tình ý với đối phương. Chàng đại đội trưởng xứ Bắc tiếp tục tấn công.

Người vợ cũng cười giòn, nhớ lại: “Lúc đó yêu đương bị cấm đoán lắm, bởi đơn vị đang “3 khoan” (khoan yêu, khoan cưới, khoan có con). Tối về chỉ dám bật đèn pin, tìm chỗ vắng đọc và viết thư trả lời, rồi dấm dúi gặp đâu đó thì đưa”. Vậy mà, cũng có lần bại lộ, đỉnh điểm là năm 1972. Lúc này anh đang đang đóng quân bên Lào, gặp người của Tiểu đoàn 232 tải hàng qua bên đó thì viết thư dài đến 16 trang nhờ gửi về cho người yêu. Ngày bạn qua sông và trao thư cho Đại đội trưởng Cúc cũng là ngày mưa tầm tã. Bỏ lá thư dưới mũ cối, ép chặt trên đầu, Cúc chạy vào lán, nhét đại trong ba lô của mình, định tối về sẽ đọc mà không biết rằng hành động ấy lọt vào mắt của trợ lý bảo vệ Tiểu đoàn. Nữ cán bộ này đã lấy thư rồi tối đó, trong cuộc họp toàn đơn vị đã phê bình gay gắt Đại đội trưởng Đại đội 2 vi phạm “3 khoan”. Cúc chối: “Anh ấy yêu đơn phương chứ đâu phải tại tôi?”.

Đám cưới nhà binh

Đến năm 1972, Tiểu đoàn 232 giải thể. Nhờ có chữ nghĩa, Lê Thị Cúc được điều qua làm tuyên giáo Khu ủy 5. Hai năm sau, lãnh đạo của cô dâu, chú rể hết sức ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho họ cưới nhau. Anh đổi chiếc radio mua được con lợn 60 kg; hai bên cho thêm nếp, gạo, đường, cử người trang hoàng tiệc cuới. Khi không còn chiến tranh, tưởng sẽ được ở gần nhau thì cô gái Quế Sơn nhận quyết định ra Hà Nội học tiếp văn hóa rồi ôn thi đại học phục vụ ngành Tuyên giáo. Lúc này cô đang mang thai đứa con đầu lòng. Nửa tháng sau, anh xin nghỉ phép, đưa vợ lần đầu ra mắt “nhà trai”. Người anh chồng bật ra hai câu thơ xúc động: “Đất Quảng Nam nặng tình khi anh đến. Quê Hà Tây nặng nghĩa đón em về”. Đây cũng là ý tưởng để cô đặt trai đầu lòng là Nguyễn Hà Nam. 6 năm ở Hà Nội, cô vừa hoàn thành đại học vừa mang thai, chăm sóc hai con (1976, 1978) trong khi chồng biền biệt theo trận mạc. Đặc biệt khi ông làm nhiệm vụ bên chiến trường K, do điều kiện ác liệt, cả năm không thư từ về, cô bị áp lực, rồi giận dỗi đốt tất cả các quyển nhật ký ghi từ chiến tranh đến sau này. Bây giờ nhắc lại, cả hai đều tiếc nuối mãi.

Sau năm 1981, ông Đôi về nước làm ở Trường Hậu cần Quân khu 5, bà Cúc trở lại Đà Nẵng. Cả hai vừa lo việc cơ quan vừa dồn sức nuôi dạy hai con trai ăn học thành đạt, chuyên ngành kỹ sư, kiến trúc sư. Người con cả hiện là Chủ tịch UBND H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Cậu con thứ là Phó giáo sư - tiến sĩ giảng dạy kiến trúc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Cựu thanh niên xung phong Lê Thị Cúc chia sẻ: “Cô và chú có dịp cũng kể cho chúng nghe về tình yêu bền bỉ, thủy chung của mình. Có lẽ đó cũng là yếu tố để lũ trẻ nhà này luôn ra sức học hành, xứng đáng với công sức bố mẹ chăm bẳm và kỳ vọng”.

HỒNG VÂN