Báo Công An Đà Nẵng

"Chuyện tình" Mỹ - Cuba: Đón bình minh sau nửa thế kỷ băng giá

Thứ sáu, 19/12/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Quyết định bất ngờ của Tổng thống Barack Obama - khôi phục lại quan hệ với Cuba - cho thấy rõ niềm đam mê chính trị lâu nay về số phận của quốc đảo này của ông chủ Nhà Trắng đồng thời gia cố thêm sự khác biệt giữa đảng Dân chủ - Cộng hòa trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng 2016.

Việt Nam hoan nghênh Cuba và Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 18-12 tại Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn.

Việt Nam tin tưởng rằng, các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn giữa hai nước, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Mỹ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình ổn định, tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới.

TTXVN

Chuông nhà thờ ngân vang ở La Havana chiều 17-12 (sáng 18-12, giờ Việt Nam), đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử - Cuba và Mỹ đang khôi phục quan hệ ngoại giao sau hơn 5 thập kỷ căng thẳng băng giá.

“CHÚNG TA LÀ NGƯỜI MỸ LATINH”

CNN dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định mở ra “chương mới” trong quan hệ với Cuba. “Từ những thay đổi này, chúng tôi có kế hoạch tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người Mỹ và Cuba, cũng như mở ra một chương mới… Tất cả chúng ta đều là người Mỹ Latinh”, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.

Cùng lúc đó, tại Cuba, Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố trong bài phát biểu trước quốc dân: “Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ. Quyết định của Tổng thống Obama xứng đáng được nhân dân ta tôn trọng và thừa nhận”. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại các lệnh cấm vận - mà ông gọi là “phong tỏa” – chưa được giải quyết. Tại Washington, bản thân ông chủ Nhà Trắng thừa nhận lệnh cấm thương mại đã thất bại đồng thời khẳng định sẽ hối thúc Quốc hội dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Cuba.

 Những tuyên bố này được đưa ra sau thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai nước - theo đó La Havana đồng ý trả tự do cho 53 tù nhân chính trị Mỹ, trong đó có tù nhân quan trọng là Alan Gross, vốn phải ngồi tù ở Cuba 5 năm qua vì tội hoạt động gián điệp và xâm nhập bất hợp pháp. Gross bị bắt vào năm 2009 khi đang phân phối các thiết bị thông tin liên lạc cho các thành viên cộng đồng Do Thái ở Cuba. Đáp lại, Washington cũng thả 3 cựu chiến sĩ tình báo Cuba trong nhóm 5 người bị kết án tù từ năm 2001.

Việc Cuba thả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross mở đường cho quyết định bình thường hóa quan hệ giữa La Havana với Washington. Trong ảnh: Ông Alan Gross về đến Mỹ trong vòng tay vui mừng của người thân, bạn bè. Ảnh: Reuters

KẾT QUẢ 18 THÁNG ĐÀM PHÁN BÍ MẬT

Những tràng pháo tay liên tiếp dội về Mỹ và Cuba sau động thái lịch sử này. Liên minh Châu Âu (EU), hiện cũng đang trên đường đi đến bình thường hóa quan hệ với Cuba, ca ngợi quyết định đột phá là “bước ngoặt lịch sử”.

Nhưng chắc ít ai biết rằng, để có được thành quả như hiện nay, giới chức cấp cao hai nước trải qua hơn 18 tháng đàm phán bí mật. Theo đó, ngay sau khi tái đắc cử năm 2012, Tổng thống Obama triệu tập các cố vấn yêu cầu cần có chiến lược mới cho nhiệm kỳ hai, trong đó có việc tìm kiếm khởi đầu mới trong quan hệ với Cuba. Mỹ bắt đầu hướng đến Cuba từ đầu năm 2013 với điều kiện tiên quyết là La Havana phải trả tự do cho công dân Alan Gross. Các cuộc đàm phán bí mật diễn ra từ đó dưới bàn tay trung gian của Tòa thánh Vatican và chính quyền Canada. Bản thân ông Obama và Castro cũng ca ngợi sự giúp đỡ của Đức Giáo Hoàng Francis, giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử, và chính phủ Canada.

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba - kẻ thù Chiến tranh Lạnh - vào năm 1960 và hai nước không có quan hệ ngoại giao đầy đủ từ năm 1961. Năm 1962, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn người Cuba lưu vong mở cuộc chiến xâm lược Cuba trong sự kiện Vịnh Con Lợn, song phải chịu thất bại nặng nề. Cả hai rơi vào thời kỳ “khủng hoảng tên lửa” nghiêm trọng khi tàu chiến Mỹ phong tỏa quốc đảo này để ngăn chặn Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo đến Cuba.

Sau hơn 50 năm lạnh giá và đối đầu, Mỹ và Cuba hẳn đã nhận thấy, tất cả chỉ đang khiến cả hai bị tổn thương. Bản thân Washington cũng rõ hơn ai hết La Havana là quốc gia hiền hòa và không gây nguy hiểm gì cho an ninh Mỹ. Và đây cũng là di sản mà ông Obama – vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ - muốn để lại sau khi chỉ còn 2 năm là rời Nhà Trắng.

Khả Anh