Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện tình ở núi Hòn Tàu

Thứ tư, 21/02/2018 10:56

Chuyện tình vợ chồng ông Đặng Hữu Tại-nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và bà Lê Thị Tám-Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo trợ quyền trẻ em TP Đà Nẵng thật giản dị mà cũng vô cùng cảm động.

Ảnh: Vợ chồng ông Đặng Hữu Tại 40 năm sau ngày cưới (2013)

12 tuổi, người con gái thôn Viêm Tây (Điện Thắng Bắc, H. Điện Bàn) đã làm liên lạc cho các chú. Lớn lên một chút, cô bé làm du kích mật. Nhà có hai cái hầm trong nhà và bụi tre, Tám còn nhỏ nhưng đã biết cùng gia đình che chở, bảo vệ cán bộ đi về. Bị bắt rồi được thả, cô gái lại như cá về với nước. Lê Thị Tám được kết nạp Đảng lúc 18 tuổi, làm Bí thư chi bộ thôn Viêm Tây. Bị bắt trở lại, đòn thù tàn khốc không khuất phục nổi người con gái can trường. Năm 1973, năm 22 tuổi, chị được đưa lên núi Hòn Tàu làm ở Hội Phụ nữ Quảng Đà. Chính tại đây chị kết duyên với người đồng chí lớn hơn mình 16 tuổi, tên là Đặng Hữu Tại, cán bộ tổ chức của Đặc khu ủy. Thật ra chị đã biết anh 2 năm trước khi đang hoạt động ở xã Điện Thắng và được cử đi học trường Đảng tỉnh. Biết cả hai cùng đồng hương, đều vào tù ra khám, cấp trên có ý kết đôi chị cho anh, bởi lúc này anh tuổi đã lớn. Anh quê Điện Nam Trung, mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, lớn lên vô Sài Gòn làm ăn rồi hoạt động cách mạng.

Bị địch bắt, rồi thả, anh về lại Điện Bàn hoạt động trong đội công tác xã Điện Minh sau đó lên cứ. Tình yêu thời chiến không hẹn hò lãng mạn mà chủ yếu quý trọng, thương mến nhau. Ngày cưới cũng chỉ có vài gói kẹo Nôga và đôi bao thuốc Basto cùng mấy anh chị em ngồi lại quây quần. Cưới xong chẳng có phòng tân hôn, vẫn ai ở nhà nấy. Cũng chẳng riêng chị, ngày đó mấy cặp đôi cưới ở chiến khu đều như thế. Thi thoảng anh qua chỗ phụ nữ nơi chị công tác, thăm nhau vội vã rồi về, bẽn lẽn như đàn ông về nhà vợ. Có lần, mấy anh thương quá, bố trí vợ chồng son một vài đêm ở cơ quan sản xuất. Như thế đã là ngọt ngào. Chị mấy khi ở căn cứ  để hưởng hạnh phúc riêng. Công tác vận động phụ nữ  đòi hỏi chị phải liên tục đi. Anh ở nhà thắc thỏm theo từng bước chân của chị. Ngày 8-3-1975, chị Dung, cán bộ Hội hy sinh ở Điện An. Tưởng chị cũng đi cùng đợt đó, anh vô cùng hốt hoảng. May mắn là chị đã về vùng cát. Cưới nhau 3 năm nhưng gần nhau chẳng bao nhiêu nên mãi đến năm 1976 chị mới có con đầu lòng, sau đó đứa thứ hai, bắt đầu hành trình nuôi con vất vả. Sau giải phóng, anh về Điện Bàn làm Thường vụ rồi Phó bí thư, Bí thư Huyện ủy, cuối tuần mới về được một ngày. Chị ở Đà Nẵng làm Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vô cùng bận rộn. Cuộc sống một nách hai con thơ gắn liền với khu tập thể của Hội. Thậm chí thành phố cho nhà riêng, chị cũng trả lại, vì ở tập thể còn có các cô cơ quan đón đưa con khi chị đi công tác xa. Thương chị, hàng tuần anh về, chở trên xe Honda 50 vài bao bột cưa, củi vụn. Làm đến bí thư Huyện ủy nhưng anh vẫn giản dị, không bao giờ cho phép con cái ỷ lại cha mẹ mình...

Đến năm 1992, gia đình gần gũi hơn khi ông ra Đà Nẵng làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Khi ông về hưu năm 1997 cũng là lúc bà làm Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng. Ông lúc này trở thành hậu phương vững chắc để bà dấn thân trong công tác Hội. Đây là quãng thời gian bà hoạt động mạnh mẽ vì quyền lợi phụ nữ, đưa phong trào trở thành điểm sáng của cả nước. Lớp cán bộ kế cận hiện nay đang tiếp tục hoạt động hiệu quả. Điều bà tự hào nhất là với cương vị Thành ủy viên, bà có tiếng nói quan trọng giới thiệu nhiều cán bộ nữ giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền.

Về hưu, với kinh nghiệm 35 năm làm phụ nữ và bản lĩnh trong chiến tranh giúp bà có nhiều thuận lợi trong vai trò Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền lợi trẻ em thành phố Đà Nẵng. Bà cùng Ban Chấp hành Hội vận động nhiều nguồn lực, tiến hành hoạt động nhân đạo, từ thiện, tiêu biểu như các chương trình "Mái ấm tình người", "Viết tiếp ước mơ", "Vòng tay nhân ái"... Làm việc với  8 tổ chức phi chính phủ để nhận các nguồn tài trợ cùng các doanh nghiệp trong nước, bà gắng hết sức để đem lại hạnh phúc cho trẻ em và gia đình hoàn cảnh khó khăn. Dù công việc đầy ắp, bà vẫn sắp xếp khoa học để cơm nước tươm tất cho mái ấm của mình và chăm chồng bệnh tật. Vốn là người khỏe mạnh và năng động, từ 2010, ông mổ tim và từ đó sức khỏe kém dần. Vợ chồng con trai ở cùng cha mẹ. Con gái có chồng ở chung cư bên Sơn Trà. Mới đây, kỷ niệm 50 năm Đặc Khu ủy Quảng Đà, do ông không đi được, chỉ mình bà và đồng đội trở lại Hòn Tàu (Duy Xuyên). Không còn nhiều dấu vết của ngày xưa, nhưng bà vẫn như thấy hiển hiện những kỷ niệm kháng chiến. Nơi đây bắt đầu một tình yêu đằm thắm và thủy chung mà ông bà luôn gìn giữ.

HỒNG VÂN