Chuyện tình yêu đôi lứa của người Giẻ – Triêng
Từ chuyện những gùi củi hứa hôn…
(Cadn.com.vn) - Củi hứa hôn là một phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng ở vùng Bắc Tây Nguyên. Đây là loại củi mà bắt buộc các cô gái người Giẻ - Triêng phải dâng về cho nhà chồng trước khi làm lễ đính hôn, có nơi gọi là “Củi bắt chồng”. Chúng tôi đến thăm nhà anh Xiêng Vas Trung (1993) ở làng Chả Nội 2, xã Đăk Nông, H. Ngọc Hồi, Kon Tum gặp lúc vợ chồng anh đang xếp những bó củi hứa hôn để chuẩn bị mang đến anh em, họ tộc chia cho những người thân bên họ nhà trai. Xiêng Xuân Huyền, vợ sắp cưới của Trung cho biết, để chuẩn bị cho đám cưới, bên gia đình nhà gái phải huy động 30 người vào rừng kiếm củi gần 1 tuần lễ để có được 110 bó củi hứa hôn mang nộp cho nhà chồng trước khi đám cưới diễn ra. Huyền bẽn lẽn: “Mình thích nó, muốn bắt nó về làm chồng thì phải kiếm củi về cưới nó thôi”.
Bà Y Bui, mẹ của Xiêng Vas Trung cho biết: “Hôm nhà trai làm lễ đón củi, 30 người gùi củi từ nhà gái sang nhà trai, mẹ dắt con gái theo sau. Nhà trai phải lo tiệc cho lễ đón củi, theo truyền thuyết của người Giẻ - Triêng thì phải có món chuột đồng và cá sông do nhà trai tự đi bắt về. Nhưng ngày nay tiệc đón củi cũng được cải biên và đơn giản hơn xưa rất nhiều, những món ăn uống có thể là thịt heo, gà, rượu cần, xôi nếp... Theo già làng Chả Nội 2, Blong Hoay thì củi hứa hôn trước hết là biểu hiện sức khỏe và tính siêng năng của người con gái. Đây là biểu hiện của chế độ mẫu hệ theo phong tục của người Giẻ - Triêng. Người con gái có quyền lựa chọn và quyết định người chồng tương lai của mình và dấu hiệu đầu tiên của quá trình hôn nhân là những bó củi được gửi đi sang phía nhà trai.
Những cô gái Giẻ-Triêng làm củi hứa hôn. |
Củi hứa hôn được làm rất cẩn thận, công phu, nhìn thật đẹp mắt. Phải chọn loại cây dễ chẻ, cây dẻ là loại cây thường được chọn nhất vì gỗ chắc, cháy tốt và đượm than. Số lượng bó củi mà nhà gái nộp cho nhà trai cũng tùy thuộc vào điều kiện giàu, nghèo của bên nhà gái. Nhiều nhất là 150 bó, ít nhất cũng phải 50 bó. Ngày chuyển củi như ngày hội, cả làng mà trước hết là hai gia đình tổ chức vài đốc rượu cần, vài ba con gà, để dân trong làng uống rượu vui vẻ. Củi được xếp vào gùi, cô gái được bạn bè, bà con hết lòng giúp đỡ trong khâu vận chuyển. Chỉ những cô gái đã có chồng con mới được xếp củi từ gùi lên đống củi tại nhà trai. Chuyển củi là một bước vượt qua giai đoạn đính hôn, tương tự như lễ dạm hỏi của người Kinh hiện nay. Chàng trai đã nhận củi nghĩa là đã có nơi, có chốn, được cả làng chăm sóc cho tình yêu của họ đi tới hôn nhân (lễ cưới được tổ chức sau ngày gửi củi không lâu).
... Đến “giấc mơ tình yêu”
“Đêm lạnh, biết rồi đêm lạnh. Ở rừng còn nói làm chi. Nhà Rông chẳng thiếu thứ gì. Cả em nữa, hãy ngủ đi, cùng em”. Đó là lời tỏ tình mộc mạc, chân thành của cô gái người dân tộc Giẻ - Triêng ở vùng cao bắc Tây Nguyên thuộc Đăk Glei, Kon Tum nhắn gửi cho chàng trai mà cô yêu thương. Chế độ mẫu hệ là tư tưởng vẫn còn bám sâu vào phong tục, tập quán của người Giẻ - Triêng. Chuyện yêu đương và hôn nhân thường do người con gái chủ động. Trước khi chính thức “mời” bạn tình tới ngủ với mình tại nhà rông, người con gái sẽ nhờ một người bạn gái thân tặng cho người con trai mà mình yêu thương và muốn lấy làm chồng những trái chín đầu mùa như dưa, bắp, đậu... Nếu đồng ý, chàng trai sẽ tặng lại cô gái thịt heo, dê, bò... để cô gái sử dụng khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tại nhà rông. Đó là bước đầu tiên trong quan hệ đôi lứa nam nữ của người Giẻ - Triêng.
Khi được người con gái chủ động tỏ tình, người con trai (cũng thông qua người một bạn của mình) nhận lời để ngủ chung với cô gái trong một đêm tại nhà rông. Mặc dù là ngủ chung nhưng phong tục không cho họ đi quá giới hạn bởi nếu phạm luật lệ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc như đền trâu, chiêng, ché, rượu, thịt... Họ ngủ qua đêm trong sự cho phép của bà con trong buôn làng và chờ đợi những giấc mơ xuất hiện. Và việc hôn nhân có thành hay không tùy thuộc vào nội dung giấc mơ tốt hay xấu. Trong đêm đầy huyền bí của “Giấc mơ phong tục”, giấc mơ của người con trai sẽ có ý nghĩa quyết định. Nếu chàng trai mơ thấy cây chuối, cây mía, máng nước, tảng đá, cây đa... đó là giấc mơ tốt. Còn nếu thấy cây đổ, cắt tiết con gà, heo, trâu bò, người cõng bó cỏ tranh... là những điềm xấu ảnh hưởng tới hôn nhân của đôi trẻ. Nếu trong đêm đầu tiên mà chưa thấy xuất hiện giấc mơ nào, đôi bạn trẻ lại phải ngủ chung một đêm nữa để chờ đợi sự xuất hiện của những “giấc mơ phong tục”. Sau đêm ngủ chung và mơ thấy giấc mơ tốt, khoảng 10 ngày sau, chàng trai sẽ thông báo cho cô gái về những giấc mơ của mình, nếu mơ điều tốt thì cả hai sẽ tiến tới hôn nhân, còn nếu “lỡ” thấy “điềm gở” thì dù đau khổ đến thế nào, họ cũng phải chia tay. Người Giẻ Triêng quan niệm những điều trong giấc mơ là “ý Giàng” (ý trời) đã định và đó là số phận của họ là không thể có được nhau. Kết quả này sẽ được thông báo công khai cho cả dân làng biết.
Chao ôi, những “giấc mơ phong tục” của người Giẻ - Triêng sao mà lại nghiệt ngã đến thế. Nó sắc như dao chém, chắc như dây cột thú rừng, như một niềm tin mãnh liệt vào sự ràng buộc định mệnh vào chuyện tình yêu đôi lứa của con người...
Cao Anh