Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện trốn khỏi "địa ngục trần gian"

Thứ ba, 17/03/2020 17:02

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa 45 năm song những hồi ức về "thời hoa lửa" vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu tù yêu nước Trần Văn Thu (70 tuổi, trú P. Ia Kring, TP Pleiku, tỉnh Gai Lai). Kể về những tháng năm hào hùng ấy, ông Thu lại nhớ đồng đội, nhớ những thời khắc sinh tử ở trại giam Phú Quốc...

Ông Trần Văn Thu thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku.

Người chiến sĩ kiên trung

Ông Thu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hoài Thanh, H. Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Lớn lên trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, non sông bị quân thù giày xéo, lúc nào trong tâm khảm của ông cũng luôn mong muốn cống hiến tuổi trẻ để chống lại kẻ thù, giành độc lập cho quê hương. Để rồi, tinh thần yêu nước ấy được phát huy khi đến năm 16 tuổi, ông quyết định thoát ly, xung phong nhập ngũ vào đơn vị D21 Đặc công tỉnh Bình Định.

Kể về giai đoạn này, ông Thu cho hay, từ năm 1966 đến 1969 chính là thời điểm ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại Bình Định, tháng 4-1965, 2.000 quân Mỹ chính thức đổ bộ lên bãi biển Quy Nhơn, theo sau là lực lượng quân Đồng minh (Nam Hàn). Ngay sau khi đặt chân vào Bình Định, quân thù đã trực tiếp mở nhiều cuộc "tìm diệt" lớn, gây ra bao đau thương mất mát cho nhân dân. Trước những diễn biến ác liệt của tình hình chiến sự, ông Thu đã trực tiếp cùng đơn vị Đặc công Bình Định tham gia những trận đánh ác liệt chống lại quân thù. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đêm 30 Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã cùng đơn vị D10 Đặc công Bình Định anh dũng đánh vào Dinh tỉnh trưởng, Đài Phát thanh tỉnh, khiến cho địch gần như bị tê liệt hoàn toàn, mất khả năng chi viện, ứng cứu cho nhau.

Theo lời ông Thu, đơn vị Đặc công của ông sau khi giành được thắng lợi trong đêm 30 Tết đã được cấp trên phân công chốt giữ Đài Phát thanh tỉnh nhằm chống lại các đợt phản kích của Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Hàn. "Tại đây, đơn vị chúng tôi cùng hô vang khẩu hiệu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết bám trụ càng lâu càng tốt để tiêu diệt sinh lực địch. Thời điểm ác liệt của cuộc chiến đấu, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, người trước ngã xuống, người sau vùng lên thay, qua đó chúng tôi nhiều lần đánh lui được các đợt phản kích của địch, giữ được Đài Phát thanh trong khoảng thời gian 1 tuần". Thời gian sau, do lực lượng giữa quân ta và địch quá chênh lệch, cùng với vũ khí, đạn dược bên ngoài chuyển vào không được khiến cho cuộc chiến đấu ngày một thu hẹp. Vào thời điểm cuối của trận chiến, những loạt đạn quái ác của kẻ thù đã làm ông bị thương nặng ở vùng mặt, tay và chân, khiến ông ngất đi ngay sau đó. Sau khi tái chiếm được Đài Phát thanh, địch phát hiện ông còn sống nên đưa về chữa trị vết thương và giam ở nhà tù Phú Tài (Bình Định).

Một thời gian sau, kẻ thù tiếp tục đưa ông về nhà lao Biên Hòa (Đồng Nai) nhằm mục đích chiêu hồi, dụ dỗ ông đi lính. Tuy nhiên, dù cho quân thù hết lời chiêu dụ, ông Thu vẫn giữ khí tiết của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, quyết không theo địch. Biết không thể dụ dỗ, quân thù chuyển ông về nhà lao Phú Quốc và dùng những đòn tra tấn dã man để hành hạ ý chí, thể xác và tinh thần của ông.

 Ông Trần Văn Thu bên cạnh bài thơ tặng người đồng đội Trần Minh.

Trốn khỏi "địa ngục trần gian"

Nhớ về những năm tháng bị giam giữ tại nhà lao Phú Quốc, ông Thu cho rằng, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian đó chính là câu chuyện ông cùng với 2 người đồng đội là ông Trần Minh (hiện nay là Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và người đồng đội tên Khánh được Đảng ủy nhà lao Phú Quốc phân công lên kế hoạch vượt ngục .

"Đó là một đêm khuya vắng giữa tháng 5-1969, anh Trần Minh được phân công làm tổ trưởng trực tiếp nắm giữ sơ đồ và chỉ huy tôi cùng anh Khánh, lợi dụng lúc khuya vắng, địch lơ là canh gác, ba người đã khéo léo trốn ra khỏi nhà giam Khu C5. Tiếp sau đó, chúng tôi tiếp tục vượt qua những lớp hàng rào thép gai vây chi chít xung quanh nhà tù. Tuy nhiên, vì một phút sơ sẩy, anh Khánh đi sau cùng bị địch phát hiện và bị chúng bắn hy sinh. Kẻ thù cũng nhanh chóng phát giác và lập tức bắt sống anh Trần Minh ngay sau đó. Cũng thời điểm trên, biết không thể cứu được đồng đội, tôi đã cố gắng vượt qua lớp hàng rào cuối cùng và thoát được", ông Thu nhớ lại.

Sau khi để ông Thu trốn thoát, địch điên cuồng vây ráp, tuần tra nghiêm ngặt hòng bắt cho được người vừa vượt ngục. "Để trốn địch, hàng ngày tôi phải lẩn trốn trong các bụi cây rậm rạp hoặc dưới những ao nước. Ban đêm, tôi tiếp tục lẩn trốn vào gần đồn quân cảnh, lợi dụng khuya vắng để lẻn vào tìm thức ăn. Dù nhiều lúc đói, khát đến lả người nhưng tôi quyết tâm không ra hàng địch", ông Thu kể. Tuy vậy, do không có sơ đồ nên vào ngày thứ 6 của cuộc đào thoát, ông Thu bị lính bảo an phát hiện và bắt giữ. Tại phòng biệt giam, quân thù hết sử dụng những lời dụ dỗ đến dùng những màn tra tấn dã man hòng biết được người chỉ huy và tổ chức đã phân công ông vượt ngục. Đáp lại những màn tra tấn đó, ông Thu cùng ông Trần Minh vẫn dũng cảm cam chịu và không hé nửa lời.

Đến năm 1973, sau khi Mỹ đặt bút ký vào Hiệp định Paris, ông Thu cùng những chiến sĩ cách mạng anh hùng tại nhà lao Phú Quốc được chính quyền ngụy quân trao trả theo đúng nội dung của hiệp định. Về lại với vùng đất quê hương, ông tiếp tục tham gia vào Tiểu đoàn Pháo binh 73 Bình Định và trực tiếp chiến đấu chống lại kẻ thù đến khi đất nước thống nhất. Năm 1976, ông Thu đi học văn hóa và công tác tại Công ty dầu thực vật Nghĩa Bình, đến năm 1995 thì nghỉ hưu theo chế độ. Hiện nay, dù đã bước qua tuổi 70 và hiện là thương binh 3/4 nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác kết nối các cựu tù chính trị yêu nước tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Ngọc Quốc