Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện tử tế

Thứ năm, 06/02/2020 23:11

 

Mồ hôi đẫm áo, chiếc quần lấm lem đất đồi càng bật lên nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sạm đen nắng gió của Pả Phương (trú H. Đakrông, Quảng Trị) bên đống sắn chất cao ngất dọc QL9. “Có hẹn bán cho vợ chồng chú Hữu - Hương dưới Khe Van rồi, mai xe lên cân là tiền đã “căng” túi nì, bao tiêu lại không lo mất giá, Tết nhất cả nhà rôm rả nhờ đây hết”, Pả Phương hướng mắt vào thành quả vụ sắn cuối năm, lòng đầy phấn khởi.

Chia sẻ vui vẻ của người đàn ông đồng bào Vân Kiều gợi lên trong chúng tôi ấn tượng, cảm xúc về những tên gọi được ông nhắc đến một cách trìu mến. Người mua, kẻ bán, cần tử tế và sòng phẳng là hẳn nhiên song vẫn bật lên điều gì lạ đến vậy?

Bản Khe Van thuộc xã Hướng Hiệp, H. Đakrông thúc giục bước chân chúng tôi tìm đến. Cũng như nhiều thôn, bản khác của xã, Khe Van đa phần là người đồng bào Vân Kiều, sống giản dị, khiêm tốn dù giữa bộn bề lo toan. Nhưng khi được hỏi đến vợ chồng anh Hữu, nhiều người không ngần ngại “phi lộ”. “Anh Hữu người dưới xuôi, làm rể ở bản Khe Van ni cũng ngót 20 năm rồi. Vợ chồng họ đặc biệt lắm. Nhiều nhà lên đời cũng nhờ họ đó”, chị Pỉ Liên nói đầy sự tin tưởng, vừa chỉ tay về phía những quả đồi Khe Van, Khe Hiên rừng trồng ngút ngàn và mướt màu xanh của rẫy sắn. Góp phần vẽ nên bức tranh sinh động đầy sức sống ấy chính là đôi vợ chồng chúng tôi đang tìm đến. Chị là Hồ Thị Hương (1978), còn anh là Đặng Quang Hữu (1974), nông dân ưu tú từng được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc, nhân ái nhất và cũng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Anh Hữu nâng niu Bằng khen do Thủ tướng tặng vào năm 2016.

Anh Hữu hiền lành, ít nói thì chị Hương tính tình cởi mở, người này bù người kia nhưng ở họ đều toát lên sự chân thành, mộc mạc. Gặp anh chị trong ngôi nhà mới xây chưa lâu, chỉ có thể nói là vững chắc chứ chưa phải bề thế song đây là ngôi nhà được cất lên sau bao năm quần quật lao động, chắt chiu bắt đầu từ buổi gian nan, nghèo khó. Anh Hữu vốn là người quê biển Triệu Phong nhưng dành thanh xuân ở nơi vùng cao khó khăn Hướng Hiệp. Tại đây, anh đã phải lòng chị Hương, người con gái Vân Kiều nhiều khát khao cuộc sống. Nhận ra ẩn sau sự điềm đạm, hiền lành của chàng trai miền xuôi là tình cảm chân thành, nghị lực lớn, chị Hương thấy đã gặp chân ái đời mình. Nên duyên, đồng sức đồng lòng nên từ đôi bàn tay trắng lập nghiệp, anh chị đã dấn thân vào lối đi ít ai chọn lúc bấy giờ, đó là phát triển trồng rừng. Thời điểm của gần 20 năm trước, người dân Khe Van còn nhớ những cái nhìn ngại ngần khi anh Hữu cật lực khai hoang. Sau bao vất vả, vay mượn tiền đầu tư giống, chăm sóc cả thời gian dài trên mảnh đất khô cằn, vợ chồng anh Hữu đã vào vụ khai thác đầu tiên trong niềm vỡ òa hạnh phúc. Niềm tin trong dân nghèo về gương lao động vượt khó bắt đầu lấp lánh lên trong họ. Lần lượt sinh 3 người con, chị Hương bận bịu việc gia đình nhiều nhưng vẫn đồng hành, giúp sức để chồng phát triển trồng rừng tràm, mở rộng thêm trồng sắn. Hàng chục héc-ta rừng tràm và sắn đã vươn lên trong cằn cỗi, hoang vu của xã Hướng Hiệp.

Mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh chị còn tiếp cận thêm các nguồn vay đầu tư phương tiện, tăng vốn để thu mua nông lâm sản nhập cho các nhà máy. Cũng chính từ đây, vợ chồng anh Hữu đã mở thêm lối cho người nghèo, không chỉ tại Khe Van, nhiều thôn bản xã Hướng Hiệp mà cả những địa bàn khác. Khi có ai đến nhờ giúp đỡ trong trồng rừng, trồng sắn, chính anh Hữu tận tâm tới nơi hướng dẫn kỹ thuật. Chứng kiến thực tế, anh Hữu hiểu khao khát vươn lên của họ nhưng đang ở thế khó, thiếu vốn do ít tiếp cận được các kênh vay, trong hoàn cảnh này, anh Hữu lại cùng vợ sẵn sàng giúp đỡ, cho mượn từ nguồn tiền đi vay dự án, từ tích cóp làm ăn để cho bà con đầu tư trồng trọt, sản xuất.

Không có bất kỳ cam kết nào nhưng ai nấy ý thức lao động chăm chỉ, tạo thành quả để có thể hồi vốn lại sớm cho vợ chồng anh. Và cũng không cần bất kỳ lời hứa gì, cứ đến mùa thu hoạch sắn, khai thác rừng trồng thì người dân ưu tiên để nguyên rẫy chờ anh chị đến thu mua, qua đó sẽ trừ đi số nợ. Đầu ra ổn định nên càng khiến người dân an tâm sản xuất, nhiều hộ đã dần thoát nghèo, thậm chí khấm khá lên trong 10 năm qua như thế. Không dừng lại, anh Hữu còn thiết lập cầu nối thoát nghèo cho nhiều hộ dân ở các xã khác. Có việc làm, ổn định cuộc sống, nhiều thanh niên trở nên chí thú làm ăn, không còn lêu lổng, đàn đúm rượu bia gây nên tình hình mất trật tự địa bàn như trước mà lại tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Anh Hữu và vợ tâm niệm giúp được ai là thành tâm, và cũng bởi chuyện làm ăn giữ uy tín cho nhau, cùng nhau vượt khó là điều tốt đẹp nhất.

“Anh Hữu được các cấp khen thưởng nhiều lắm, điều đó càng khiến bà con lấy đó làm tấm gương, vững tin vươn lên sản xuất”, già làng Hồ Văn cho hay. Trong nhiều danh hiệu được trao tặng, anh Hữu vẫn còn nguyên xúc động khi vào năm 2016 được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc, nhân ái nhất”. Tiếp niềm vui này, anh còn đón nhận Bằng khen của Thủ tướng. Để xứng danh với sự ghi nhận ấy, những năm qua, anh Hữu và vợ hiền vẫn không ngừng lao động chăm chỉ, tạo thêm nhiều việc làm. Hiện vợ chồng anh chị có hơn 40 ha cả rừng trồng và sắn. Và số người dân gọi anh là “ân nhân” cũng nối dài thêm trên hành trình giảm nghèo, thoát khó, đời lên từ đây...

BẢO HÀ