Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện về anh hùng Nguyễn Quang Vinh ở Gò Nổi

Thứ hai, 18/12/2017 09:53

Xã Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) có 3 anh hùng LLVTND đều là những người nổi tiếng, khí phách kiên cường. Đặc biệt trong đó có liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh được chính các Mẹ VNAH trực tiếp đề nghị với xã làm hồ sơ truy tặng anh hùng và sau đó đã được Chủ tịch nước ra quyết định năm 2007.

Xã đội phó Nguyễn Quang Vinh trước ngày hy sinh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Quyết tử dưới chân cầu Chiêm Sơn

Ông Phạm Trường Châu, nguyên Xã đội trưởng xã Điện Trung trước giải phóng không quên bất cứ chi tiết nào về người đồng chí cật ruột của mình: “Xã đội phó Nguyễn Quang Vinh đã cùng tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Vũ khí thiếu thốn, chúng tôi chế tạo mìn bằng pháo 105 mm bị lép của địch và tiêu diệt xe tăng của chúng. Trước khi là anh hùng LLVTND, Nguyễn Quang Vinh được tặng thưởng rất nhiều huân chương, huy chương”. Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Vinh từng học rất giỏi. Làm thầy giáo giữa thời loạn lạc, anh vừa đi dạy vừa tham gia du kích và bị bắt trong một trận càn. Đánh đập dã man không khai thác được gì, chúng đưa chàng trai ra giam lỏng ở đồn Mang Cá (Huế) nhằm dần dần cải tạo anh cầm súng bắn lại cách mạng.

Tại đây anh tìm cách trốn thoát về lại quê hương tiếp tục hoạt động. Anh viết trong thư gửỉ cho anh ruột tập kết ra Bắc và lá thư còn được lưu giữ: “Anh ạ. Đến nay anh em mình đều khôn lớn cả. Đó là nhờ tài nuôi dưỡng từ dòng sữa tươi đầy ắp của mẹ. Điều đó càng thúc giục em theo tiếng gọi uất hận của quê hương giải phóng cuộc đời lầm than...”. Đồng đội vẫn còn nhớ một Nguyễn Quang Vinh tài hoa và yêu đời. Anh thuộc rất nhiều thơ cách mạng và luôn đọc cho anh em nghe như liều thuốc tinh thần quý báu. Nhiều người không quên tình yêu thời chiến giản dị mà cũng không kém phần lãng mạn giữa anh và chị Hiền, chủ tịch phụ nữ, trưởng ban đấu tranh chính trị của xã. Ngay cả khi chị hy sinh thì những bài thơ anh khóc chị vẫn tràn đầy niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.

Tháng 10-1971, khi cán bộ, du kích xã đang trú ẩn trong căn hầm ở dưới chân cầu Chiêm Sơn thì Mỹ phát hiện. Trong hầm lúc này có đồng chí Châu - Tuyên huấn Huyện ủy, Mai- cán bộ huyện; Hoát- bí thư chi bộ xã, hai xã đội phó Vinh, Bán cùng các y tá nữ là Phương và Ba. Địch sử dụng 2 máy bay HU1A, HU1B và 2 máy bay 0H-6A (cán gáo) bắn phá ác liệt, ném lựu đạn tới tấp vào căn hầm nhỏ. Bà Phan Thị Phương, cựu nữ du kích sống sót dưới chân cầu Chiêm Sơn như sống lại một thời khốc liệt, nghẹn ngào kể: “Mặc cho địch rải đạn như mưa, anh Vinh và anh Bán cùng nhoài ra cửa hầm, bắn cháy một chiếc cán gáo và làm hỏng chiếc khác. Bị thương, máu chảy lênh láng, anh Vinh bảo tôi mở chiếc thắt lưng của anh ra cho dễ vận động, rồi nói với cả hầm: “Mình phải đánh nó đến viên đạn cuối cùng nghe anh em. Dù giá nào cũng đừng để địch bắt”. Rồi anh trườn ra cửa hầm lần thứ hai, dùng AK nã đạn liên tục vào trung đội Mỹ đang cố tiến vào. Thêm hàng chục tên bị tiêu diệt và thương vong. Anh ngã xuống khi vẫn còn ôm khẩu súng nóng hổi. Lợi dụng địch chùn bước, chúng tôi vọt ra khỏi hầm. Tiếc là anh Lê Hữu Hoát, bí thư xã và chị Ba y tá hy sinh khi bị địch phát hiện.

Tấm gương Xã đội phó Nguyễn Quang Vinh bị thương vẫn chiến đấu oanh liệt trên miệng hầm rồi anh dũng hy sinh không chỉ được đồng đội vô cùng kính phục mà nhân dân khi nghe câu chuyện đều ngưỡng mộ. Năm 2007, hai Mẹ VNAH là Võ Thị Kiệt (đã mất) và Trần Thị Tấn, từng nghe kể lại những phút giây ngoan cường của liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh dưới chân cầu Chiêm Sơn đã đề nghị UBND xã làm hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho anh. Các nhân chứng là đồng đội  cũng đã xác nhận để anh được truy tặng danh hiệu cao quý vào tháng 12-2007. 

Ông Nguyễn Thanh Bình (giữa) tặng quà của gia đình cho Hội khuyến học xã Điện Trung.

Một gia đình giàu truyền thống cách mạng

Đến làng Hòa Giang, thôn Trừng Giang hỏi mẹ VNAH Lương Thị Thế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh, dẫu bà đã mất gần 20 năm, nhưng mọi người đều nhớ. Nuôi cơ sở cách mạng từ thời chống Pháp, gia đình bà trở thành nơi đi về thường xuyên của đồng chí Phạm Hữu Bằng, Phạm Hữu Thiện, Huyện ủy Điện Bàn. Người con trai đầu tập kết ra Bắc, hai người con trai là Nguyễn Hạnh và Nguyễn Quang Vinh sau này đều hy sinh, vợ chồng bà trở thành tiêu điểm, danh sách đen của Mỹ- ngụy. Nhưng ít có hoạt động đấu tranh nào thiếu bóng dáng bà. Nơi nào cũng thấy bà xông xáo, dũng cảm. Bà dẫn đoàn phụ nữ chặn đầu trước mũi xe tăng Mỹ không cho chúng chà lúa mà thực ra là bảo vệ bộ đội đang ẩn nấp. Thời điểm xã mới nổi dậy giải phóng (1965), bà nhận 14 thương binh đem về nhà nuôi dưỡng và vận động chị em trong xã tiếp tế đường sữa cho đến khi bộ đội bình phục. Bà đã được Mặt trận dân tộc giải phóng MNVN tặng Huân chương Giải phóng. Trạm phẫu là nơi bà Thế, bà Nhu cùng các mẹ chị của Trừng Giang thường xuyên lui tới chăm sóc thương binh như con em của mình. Giữa năm 1967, địch càn quét, xúc dân vào các khu dồn, làng quê trở thành vùng trắng. Chiếc giếng duy nhất còn lại chúng cũng ném lựu đạn xuống để bà con không uống nước được. Vậy là từ giữa năm 1968, những cơ sở cuối cùng như bà Thế buộc phải sơ tán. Khi người con trai thứ Nguyễn Quang Vinh hy sinh, cuối năm 1971, dẫu vô cùng hiểm nguy, bà lặn lội về lại quê, tìm đưa hài cốt của con đem đi chôn cất. Chứng kiến hình ảnh ấy, nhiều người không cầm được nước mắt.

Tiếp nối truyền thống gia đình, những người con của bà Thế có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ông Nguyễn Thanh Bình (Chín Cạn), em trai anh Vinh hoạt động trong phong trào đô thị Sài Gòn K41 từ năm 1972 sau đó tham gia lực lượng công an. Khi còn đương chức hay về hưu (ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), ông đều dành tình yêu cho Gò Nổi. Ông vận động nhiều nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp đóng góp xây dựng quê hương trong đó có cả 2 xã Điện Phong, Điện Quang. Ông Nguyễn Tam Bai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Điện Trung đánh giá: “Hội đồng hương Điện Trung ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò đầu tàu của anh Nguyễn Thanh Bình đã làm nhiều việc lớn. Làm nhà tình thương, sửa chữa nghĩa trang, nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ nguồn sinh kế cho các hộ nghèo, lập quỹ khuyến học đều có dấu ấn của anh ấy. Đặc biệt anh rất tâm huyết trong đền ơn đáp nghĩa. Khu văn hóa làng Trừng Giang, đền thờ Vua Hùng mà anh Bình cùng nhiều doanh nghiệp dành nhiều công sức xây dựng từ năm 1982 đã trở thành biểu tượng tâm linh đầy ý nghĩa giáo dục của nhân dân 3 xã Gò Nổi”.

Nhà lưu niệm liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh ở làng Hòa Giang đã trở thành địa chỉ đỏ của gia đình. Tiếp nối truyền thống những thế hệ đi trước, các cháu của người anh hùng đã chiếm lĩnh tri thức, trở thành lớp trẻ năng động và thành đạt. Có 10 cháu là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2. Có 2 cháu được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. 46 năm đã trôi qua, nhưng ký ức tự hào về người anh hùng Nguyễn Quang Vinh vẫn còn mãi trong trái tim đồng đội và người thân.

HỒNG VÂN