Chuyện về người đẹp tỷ phú dính kỳ án (2)
* KỲ CUỐI: Chủ tọa rơi vào thế buộc “phản” lại mình
(Cadn.com.vn) - Như kỳ trước đã đề cập, tháng 1-2013, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Kết thúc phiên xét xử, Tòa yêu cầu VKSND H. Hải Lăng công khai xin lỗi bà Hồng và bồi thường hơn 680 triệu đồng cho bà. Thế nhưng, đùng một cái, đến tháng 4-2014, người tình năm xưa khởi kiện ra tòa đòi số tiền 300 triệu đồng từ nhóm hộ ông Xuân mà bà là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Kết thúc phiên tòa là đồng loạt bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và VKSND tỉnh Quảng Trị kháng cáo, kháng nghị. Ngay cả nguyên đơn dù thắng kiện vẫn... kiện lên TAND Tối cao. Ngày 17-4-2014, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng mua bán cây rừng trồng” mà ông Hoàng Trọng Độ là nguyên đơn. Bị đơn là nhóm hộ ông Xuân (3 hộ). Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Hồng.
Bà Hồng chưa bao giờ buông xuôi trên hành trình tìm lại công bằng cho mình. |
Phía nguyên đơn trình nhiều văn bản, giấy tờ liên quan, đặc biệt là các tài liệu như giấy nhận tiền ngày 25-12-2007, giấy mua rừng ngày 22-8-2009 và giấy xác nhận thỏa thuận cam kết ngày 2-11-2012 giữa ông Độ và nhóm hộ ông Xuân. Tuy nhiên, phía bị đơn bác bỏ. Bà Hồng cũng một lần nữa chứng minh số tiền 300 triệu đồng là do mình bỏ ra, kèm theo tài liệu liên quan.
Qua xét hỏi và thẩm vấn, căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, Chủ tọa cho rằng không có cơ sở chấp nhận khởi kiện của ông Độ, tuy nhiên, hai Hội thẩm nhân dân có ý kiến ngược lại, chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở. Hẳn nhiên khi HĐXX (3 thành viên) biểu quyết thì tỷ lệ 2/3, theo kết quả này thì buộc các bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 300 triệu đồng. Chủ tọa Nguyễn Thị Oanh rơi vào thế “hy hữu” nhận định bản án một đường mà phần quyết định của bản án lại theo một ngả khác, chấp nhận khởi kiện của ông Độ. Bản án kỳ quặc đã khiến bị đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, bác bỏ một số tài liệu mà nguyên đơn hợp thức hóa cho rằng bị đơn chỉ bán rừng cho riêng ông Độ.
Bị đơn cũng đề nghị xem xét hành vi vi phạm pháp luật của Hội thẩm nhân dân không công tâm, khách quan. Cụ thể, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đưa cho Hội thẩm nhân dân Hồ Văn Nhạc một xấp hồ sơ, khi đến phần xét hỏi thì vị hội thẩm này rút xấp giấy trong cặp của mình đưa ra HĐXX hỏi đồng bị đơn gồm các tài liệu photo giấy nhận tiền, giấy mua bán rừng, giấy xác nhận thỏa thuận cam kết. Bị đơn cho rằng phía nguyên đơn đã được Hội thẩm nhân dân ưu ái, vi phạm về tố tụng dân sự. Nội dung kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đề cập về “hành động bất thường” của vị hội thẩm trên, đồng thời cho rằng tuyên án kiểu lấy biểu quyết 2/3 theo đa số là không đúng sự thật khách quan.
Còn đối với ông Độ, có điều khá kỳ cục là tuy thắng kiện nhưng vẫn kháng cáo phần nhận định của chủ tọa.
Đối với kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Trị, cho rằng sau khi bà Hồng được tuyên không phạm tội “Trộm cắp tài sản”, phía bị đơn đã nhiều lần yêu cầu ông Độ và bà Hồng tiến hành thủ tục khai thác rừng nhưng chỉ có bà Hồng trực tiếp giải quyết bằng việc trả hết số tiền nợ 40 triệu đồng và bồi thường các khoản thiệt hại phát sinh trong 3 năm do chậm khai thác là 123 triệu đồng. VKSND tỉnh cũng xét thấy nội dung giấy nhận tiền nguyên đơn cung cấp (ngày 25-12-2007) không phản ánh đúng việc giao dịch giữa các bên. Giấy xác nhận, thỏa thuận và cam kết ngày 2-11-2012 là văn bản do ông Độ soạn sẵn đưa cho bị đơn ký không đủ cơ sở pháp lý để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn.
Đối với tài liệu là giấy bán rừng trồng đề ngày 22-8-2009 được xác lập giữa nguyên đơn và đồng bị đơn ghi đợt 1 trả 300 triệu đồng. Còn giấy xác nhận ngày 5-9-2009, xác lập giữa bà Hồng và nhóm hộ ông Xuân thì ghi ngày 25-7-2007 nhận đặt cọc 50 triệu đồng, ngày 31-12-2007 nhận 250 triệu đồng. VKSND tỉnh nhận thấy về phương diện pháp lý thì cả 2 tài liệu này có giá trị như nhau, vì thế tài liệu ông Độ xuất trình và chứng minh nhóm hộ chỉ bán cho một mình ông là không có cơ sở. VKSND tỉnh cũng chỉ ra sự bất hợp lý về mâu thuẫn giữa phần nhận định và phần quyết định của bản án. Từ các lý do trên, VKSND tỉnh kháng nghị Tòa Tối cao hủy án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Độ.
Ngày 17-7-2014, tại Quảng Trị, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm xét xử theo các kháng cáo, kháng nghị. Trước khi HĐXX nghị án, VKSND Tối cao phát biểu quan điểm cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của ông Độ. Khi tất cả đang đợi phán quyết thì HĐXX bất ngờ thông báo chưa tuyên bản án và sẽ triệu tập các bên tuyên án sau. Vậy nhưng, đến ngày 6-8-2014, bà Hồng cho hay chưa nhận được thông báo triệu tập. “Tôi tin vào công lý và hy vọng không còn bất kỳ sự trớ trêu nào nữa” - bà Hồng cho biết.
Bảo Hà