Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện về những nữ quản giáo

Thứ bảy, 05/03/2016 08:23

(Cadn.com.vn) - Do đặc thù công việc, hầu hết các đơn vị CA, tỷ lệ cán bộ chiến sĩ (CBCS) nam chiếm phần lớn, phụ nữ chỉ chiếm một phần nhỏ. Ở Trại Tạm giam Hòa Sơn (CATP Đà Nẵng) cũng như thế... Những nữ CBCS CA đang công tác tại đây được ví như  “phần mềm” của một đơn vị đặc thù.

Với các đơn vị nghiệp vụ khác của  ngành CA, dấu ấn công việc được thể hiện ngay bằng những kết quả công tác ngay sau khi nhiệm vụ hoàn thành, nhưng Trại tạm giam là một môi trường đặc biệt, đặc thù, là một “xã hội thu nhỏ”, với nam giới còn rất vất vả, thì công việc thầm lặng của các nữ CBCS đang làm những nhiệm vụ như quản giáo, y tế, hậu cần... là sự nỗ lực rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trong khi các chị vẫn làm tốt thiên chức là người vợ, người mẹ như bất kỳ một phụ nữ nào.

Hội phụ nữ Trại Tạm giam Hòa Sơn thăm và tặng quà cho bà Hứa Thị Quyền có hoàn cảnh neo đơn ở thôn An Ngãi Đông, Hòa Sơn (Hòa Vang).

Trung tá Đoàn Thị Bình - Hội trưởng Hội Phụ nữ Trại Tạm giam Hòa Sơn cho biết, toàn trại có 11 CBCS là nữ, đang công tác tại các bộ phận hồ sơ, quản giáo, hậu cần, trong đó công tác quản giáo có lẽ là vất vả nhất. Các chị như đại úy Huỳnh Thị Lệ, trung tá Nguyễn Thị Chung đã nhiều năm đảm nhiệm công tác này. Công tác quản lý, giáo dục cải tạo can phạm nhân có nhiều khó khăn, phức tạp do môi trường công tác, tính chất công việc và đối tượng phải quản lý. Nhưng công việc của người quản giáo đâu phải chỉ giam giữ, không để các can phạm nhân trốn trại, mà điều quan trọng là  quản lý, giáo dục để họ nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo. Đây là cả quá trình đòi hỏi mỗi quản giáo phải thường xuyên  tác động về tâm lý, tư tưởng trong giao tiếp hằng ngày để các phạm nhân nhận thức đúng sự nghiêm minh của luật pháp, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Yêu cầu công việc là vậy, nhưng mỗi quản giáo không thể máy móc, làm việc theo kiểu mệnh lệnh hành chính khi muốn cảm hóa  phạm nhân. Bởi vậy “phần mềm” ở Trại tạm giam đóng vị trí không nhỏ, nếu không muốn nói là  rất “đắc dụng”.

Mỗi nữ quản giáo ở Trại tạm giam  phải quản lý số can phạm nhân nữ tùy từng thời điểm khác nhau, với tính chất tội phạm, thành phần lứa tuổi, đặc điểm tâm lý, mức độ phạm tội  khác nhau. Có một đặc thù, diễn biến tâm lý của phạm nhân nữ thường phức tạp, thiếu thốn tình cảm là điểm chung của họ. Họ luôn lo lắng, sợ hãi, nhiều người không ăn, không ngủ, suy nhược cơ thể. Những lúc như vậy, những nữ quản giáo như chị Chung, chị Lệ luôn gần gũi động viên, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, khơi lên tình cảm vợ chồng, con cái đang mong ngóng, động viên họ vươn lên chấp hành tốt nội quy cải tạo, hằng năm được bình xét giảm hình phạt.

Có những can phạm nhân nữ phạm tội về ma túy, trộm cắp, tổ chức môi giới chứa mại dâm, có trường hợp tái phạm tội nguy hiểm. Có người tỏ ý coi thường quản giáo nữ, công khai chống đối, có lúc còn lăng mạ, làm ầm ĩ... Các nữ quản giáo thường phải  tìm hiểu kỹ quá khứ phạm tội, theo dõi diễn biến tâm lý để tìm ra biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Có trường hợp như phạm nhân Kiều Kim Oanh sinh con trong trại không có gia đình thăm nuôi. Thời điểm đó, chính các nữ quản giáo đã hiện thân là những người chị, người mẹ, cùng Hội phụ nữ Trại chăm sóc mẹ con phạm nhân Oanh, cùng gom góp tiền bạc để mua sắm đồ dùng cá nhân, đường sữa cho mẹ con cháu bé mới sinh. Trường hợp phạm nhân Lê Thị Tuyết Trang phải đưa con nhỏ mới 14 tháng tuổi đi thi hành án, cũng được Hội phụ nữ Trại chăm lo, mua quà tặng nhân ngày Quốc tế thiếu nhi... Chính những việc làm thiết thực, gần gũi như vậy đã góp phần cảm hóa các phạm nhân, thấy được lỗi lầm, quyết tâm học tập cải tạo tiến bộ.

Hội Phụ nữ Trại Tạm giam Hòa Sơn tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học Âu Cơ (Liên Chiểu) trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân – 2016.

Theo quy định chung, ngoài công việc hàng ngày, CBCS nào cũng thế, không phân biệt nam nữ, cứ cách một đêm phải trực một đêm. Các nữ CBCS hầu hết đều có con nhỏ, nhiều chị nhà lại ở rất xa đơn vị... Ngày nắng thì đỡ, chứ ngày mưa bão vượt hàng chục ki-lô-mét đến Trại rất vất vả. Có chị chồng cũng là CA thường xuyên phải đi công tác xa, có chị chồng làm ngành khác, mỗi người một việc. Nhưng được cái  “ông xã bọn em chia sẻ và thông cảm lắm”, khi hỏi đến gia đình, các chị đều cười và trả lời như thế.

Trung tá Đoàn Thị Bình cho biết, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, trong những năm qua, Hội Phụ nữ Trại Tạm giam luôn triển khai và thực hiện tốt các phong trào thi đua “phụ nữ CAND học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ cương sáng tạo, vì ANTQ; xây dựng gia đình hạnh phúc”. Ngay trong những tháng đầu năm 2016, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, Hội đã tổ chức thăm và tặng quà cho các hộ nghèo ở Hòa Sơn (Hòa Vang), tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Âu Cơ (Liên Chiểu), thăm và tặng quà cho phạm nhân Nguyễn Văn Hùng mắc bệnh bại não nhưng không có gia đình thăm nuôi, tổ chức cho can phạm nhân Trại sinh hoạt văn nghệ, phát bánh chưng cho can phạm nhân. Trong dịp Quốc tế phụ nữ 8-3 sắp tới, Hội Phụ nữ Trại phối hợp cùng Hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã chuẩn bị một chương trình văn nghệ, tặng quà cho các em nhỏ thôn Tùng Sơn (Hòa Sơn). 

Các nữ CA ở Trại tạm giam Hòa Sơn như một “phần mềm” không thể thiếu trong “một xã hội thu nhỏ” nơi đây.

Hồng Thanh