Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện về vị Đại tá bán nhà làm từ thiện

Thứ ba, 05/04/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Tin cựu chiến binh Đại tá Lâm Quang Minh, 95 tuổi, ở 47-Thanh Long (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) bán căn nhà đang ở lấy tiền giúp các quỹ khuyến học và từ thiện không làm nhiều người ngạc nhiên vì hàng chục năm nay, ông và vợ là bác sĩ Lê Thị Anh Nga đã hết lòng với các hoạt động xã hội.

Kỷ niệm tuổi thơ và "ông Bụt" khuyến học

Dòng họ Lâm ở làng Cẩm Toại nay thuộc xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng) là tộc họ có truyền thống yêu nước và hiếu học, nhiều người làm quan triều đình. Từ nhỏ ông được học hành đàng hoàng. Cuộc sống của ông sẽ trôi đi êm đềm như thế nếu mẹ ông không bị bệnh ra đi quá sớm, để lại 5 đứa con chưa trưởng thành. Đứa út còn đỏ hỏn trong nôi và ông lớn nhất mới 14 tuổi. Khi mẹ mất, ông đang học lớp 5 trường Con Trai Đà Nẵng (nay là trường Tiểu học Phù Đổng). Được sự động viên của người thân, ông tiếp tục học lấy bằng tốt nghiệp tiểu học loại giỏi rồi thi đỗ vào trường Quốc học Quy Nhơn. Tinh thần ham học giúp ông vượt mọi khó khăn học tiếp ở trường Tư thục Pellerin và trường Quốc học Huế.

Trong suốt 7 năm học ở 3 trường, ngoài suất trợ cấp 3 đồng của ông cậu viên chức thương cháu mồ côi, ông phải bươn chải vừa học vừa đi dạy kèm. Đang học tú tài toàn phần thì cha ông lâm bệnh rồi mất, ông đành bỏ học đi làm công chức đỡ đần gia đình. Ông tự học thi lại, lấy được bằng tú tài trong hành trình 5 năm thay vì 3 năm như mọi người... Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia thanh niên cứu quốc, có mặt trong đội hình thanh niên tiền tuyến bảo vệ buổi mít-tinh lịch sử ở Huế ngày 23-8-1945, rồi theo các chiến trường Liên khu 5 thời chống Pháp với 65 tuổi Đảng...

Đai tá Lâm Quang Minh (hàng trước, thứ tư từ trái qua) cùng chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis thăm Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2011).

Tuổi thơ khốn khó và ý chí ham học mãnh liệt là kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông. Chính vì vậy hơn 30 năm sau khi về hưu, ông tham gia nhiều tổ chức khuyến học với mong muốn giúp con em đồng đội và gia đình khó khăn có điều kiện theo tiếp con đường học hành. Ông giữ gần 20 chức danh thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị khác nhau. 20 năm liền, ông làm công tác Mặt trận, ủy viên BCH Mặt trận TQVN thành phố, Ủy viên BCH Hội Từ thiện thành phố Đà Nẵng. 6 chức danh ở Hội khuyến học các cấp, từ nơi cư trú là P. Thanh Bình (Q. Hải Châu) đến quê hương là xã Hòa Phong; tham gia sáng lập và sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Pháp thành phố... khiến ông đi như con thoi trên đường dù đã tuổi cao sức yếu.

Từ sự vận động của ông ở trong nước và cả kiều bào nước ngoài, nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn đã không bỏ học. Góp phần vào đó, gia đình ông thường xuyên trợ cấp 2 suất học bổng ở quê. Ông làm trưởng ban liên lạc học sinh cả 4 trường là Tiểu học An Phước, trường Con Trai Đà Nẵng (Phù Đổng),  Quốc học Quy Nhơn và Quốc học Huế. Mới năm ngoái, nhân ngày 20-11, ông đến trường tiểu học Phù Đổng thăm, tặng hoa các thầy cô. Mọi người không thể tưởng tượng rằng, ông đã từng học ở đây từ... 86 năm trước.

Ông đồng hành với chiến sĩ quốc tế người Hy Lạp Kostas Sarantidis tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập (hoạt động ở Liên khu 5 thời chống Pháp) trên mọi nẻo đường khi bạn trở lại Việt Nam. Ông cùng Đại tá Võ Văn Minh làm hồ sơ để ông Kostas Sarantidis được tuyên dương Anh hùng LLVTND (2013) và có các chế độ đãi ngộ xứng đáng từ Nhà nước, quân đội ta. Ông kiên trì vận động các tổ chức, xoay xở tiền nong để gặp mặt, thăm hỏi đồng đội lúc ốm đau, từ trần, giúp đỡ những gia đình khó khăn. Là cựu cán bộ thanh niên cứu quốc, ông dành tình yêu và tâm huyết với phong trào thanh niên địa phương. Ông được nhận nhiều huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết, giáo dục và đào tạo, khuyến học, dân vận, thế hệ trẻ...

Đại tá Lâm Quang Minh trao đổi với Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng
về số tiền tặng cho Hội.

Tâm nguyện chờ "bấm nút"

 Đại tá Lâm Quang Minh nói: "Bác đã quyết định bán căn nhà này. Trị giá 2 tỷ đồng. Một nửa sẽ để cho con, cháu. Một nửa làm từ thiện, chủ yếu là khuyến học. Tiền đã nhận một ít để thực hiện các ý định. Chờ cuối năm, bà nó mãn tang, đưa về thờ nhà con trai thì sẽ tính toán nốt. Phần bác sẽ về ở với các con. Tâm nguyện này của bác cũng là của bà nhà khi còn sống. Trước đây bác được đi học trường này trường nọ như vậy, ngoài cố gắng của bản thân còn có sự giúp đỡ của bao người. Nay bác muốn giúp lại cho đời"- giọng ông chậm rãi, từ tốn như bản tính của ông lâu nay vẫn thế.

Không cần sổ sách, ông đọc vanh vách số tiền sẽ làm sau khi bán nhà. Quỹ khuyến học của tộc Lâm; xã Hòa Phong; H. Hòa Vang; quỹ khuyến học P. Thanh Bình (trong đó có tổ dân số nơi ông đang ở); Q. Hải Châu; thành phố Đà Nẵng. 6 địa chỉ này mỗi nơi sẽ nhận từ 50-100 triệu đồng. Quỹ đồng đội của Hội Cựu chiến binh thành phố, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ từ thiện, giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng thành phố Đà Nẵng, mỗi nơi cũng từ 50 triệu đồng trở lên. Như vậy trong "gói" tỷ đồng, ông dành cho các quỹ hết 800 triệu đồng. Hiện nay các số tài khoản từ thiện này ông đã ghi chép, dự định trong nay mai sẽ nạp vào, gửi đi và chỉ thông báo cho chủ các tài khoản đó biết, không phô trương rình rang.

Ít ai nghĩ rằng, vị Đại tá trận mạc như ông lại chưa được hưởng chế độ  ưu tiên nào. Ông kể rằng, sau ngày giải phóng, tạm biệt căn hộ tập thể ở miền Bắc, ông vào Đà Nẵng quê hương, dùng tiền tiết kiệm cùng sự giúp đỡ của bà con mua miếng đất lúc đó còn bỏ hoang ở đường Hải Hồ. Nhà ở vùng trũng nên mùa mưa nước cứ tràn vào. Thấy bất tiện, ông mua miếng đất 150m2 ở 47-Thanh Long này do vị cán bộ nhượng lại giá rẻ. Ông xây căn nhà cấp 4 đơn sơ (ở đến bây giờ) trên diện tích một nửa, một nửa định để dành nhưng mấy năm sau không trả hết nợ, ông đành bán cho hàng xóm. Lúc đó đất đã cao lên gấp 4 lần, ông vẫn lấy giá ban đầu như đã mua. Đồng đội khuyên ông làm đơn xin đất, nhưng ông bảo đã có nhà rồi, không lấy nữa, để cho người khó hơn. Không lấy đất ở Đà Nẵng đã đành, căn hộ tập thể ở miền Bắc, sau khi vào Nam, ông cũng đã trả lại. Hỏi ông sao chịu nhiều thiệt thòi quá vậy, ông hóm hỉnh: "Bây giờ mình có nhà mặt tiền 2 tỷ, được gọi là tỷ phú, ai hơn mình nữa?".

Nhờ tấm gương học tập bền chí của Đại tá Lâm Quang Minh và lối sống thanh bạch, nghĩa tình với đời mà 4 người con của ông đều là đảng viên và thành đạt trong sự nghiệp. Khi hỏi, các anh chị có ý kiến gì khi ông làm từ thiện nhiều như thế, ông nói: "Đều nhất trí hết. Riêng cô cả hơi lăn tăn là sao ba để phần mình ít vậy. Nó còn dành 100 triệu đồng để cho bác dưỡng già". Vị đại tá già tuổi 95 cười viên mãn: "Bác bán nhà cho con gái đầu của bác mà cháu. Nó sẽ bán ngôi nhà đang ở đường Ba Đình và đến đây xây lại cái mới. Vừa giữ kỷ niệm cha mẹ vừa cùng với bác giúp ích cho đời. Như vậy không sướng sao?".

Hồng Vân