Báo Công An Đà Nẵng

Cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung

Thứ hai, 10/07/2017 08:58

(Cadn.com.vn) - 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại. Kết quả này đã góp phần tích cực giúp người dân bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phục hồi môi trường biển. Hiện, các tỉnh đang tiếp tục chi trả bồi thường cho số đối tượng còn lại để hoàn thành việc chi trả trong thời gian sớm nhất.

Tính đến ngày 7-7, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc chi trả cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển với tổng số tiền 1.350 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch.

Theo Hội đồng thẩm định, đánh giá thiệt hại môi trường biển tỉnh Hà Tĩnh, tổng kinh phí Trung ương tạm cấp cho tỉnh là 1.650 tỷ đồng; tổng giá trị thiệt hại được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là 1.598,8 tỷ đồng. Hiện còn 248 tỷ đồng chưa thực hiện chi trả, chủ yếu do mới phê duyệt hồ sơ, đang thực hiện công khai trước khi chi trả và một số đối tượng có đơn thư phản ánh nên đang rà soát lại.

Thời gian qua, Hà Tĩnh có các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Cụ thể: Hỗ trợ hơn 6.240 tấn gạo cho 19.247 hộ thuộc vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ trên 23 tỷ đồng cho hơn 5.000 chủ tàu, thuyền; hỗ trợ miễn phí mua 7.500 thẻ bảo hiểm y tế và tiền cho học sinh vùng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 561 triệu đồng chi phí tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản và hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân.

Hiện nay, các huyện, thị xã trong tỉnh đang khẩn trương tiến hành chi trả số tiền đã được phê duyệt và tiếp tục giải quyết các thủ tục hồ sơ, khiếu nại còn tồn đọng.

Tại Quảng Bình, tổng số tiền đền bù, chi trả cho người dân đã giải ngân được hơn 2.200 tỷ đồng, đạt 98% kinh phí trung ương tạm ứng. Trong đó, thành phố Đồng Hới đã hoàn tất việc chi trả, với tổng số tiền giải ngân là 346 tỷ đồng. Một số địa phương khác đã cơ bản hoàn thành chi trả như thị xã Ba Đồn, H. Bố Trạch, H. Lệ Thủy đạt tỷ lệ 99,5%...

Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ đã kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, bảo đảm đúng theo quy định và yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về tính chính xác, chặt chẽ, hợp lý của toàn bộ hồ sơ.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết: Sau khi có sự chỉ đạo của trung ương, các cơ quan, đơn vị chức năng trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để giải ngân đúng thời hạn. Tuy nhiên, một số địa phương còn vướng mắc (với tỷ lệ 1 - 2% số đối tượng chi trả) vì một số hộ dân có ý kiến, băn khoăn về mức đền bù và yêu cầu đối thoại.

Đặc biệt, H. Bố Trạch đã cơ bản hoàn thành công tác chi trả cho người dân, còn dư 22 tỷ đồng sau khi chi trả bồi thường. Số tiền bồi thường đã được phê duyệt của H. Bố Trạch là hơn 616 tỷ đồng (lớn nhất tỉnh Quảng Bình), sau một thời gian rà soát các đối tượng hỗ trợ, huyện đã chi trả được gần 600 tỷ đồng.

Về số tiền dư sau khi chi trả bồi thường, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu chuyển số tiền trên sang cho Sở Tài chính để phân bổ cho các địa phương khác.

Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết: Khi có ý kiến phản ánh của người dân, lãnh đạo các địa phương đã tiến hành giải quyết theo đúng quy trình khiếu nại nên thời gian chi trả bị kéo dài. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thực hiện chi trả theo Quyết định 309 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm dẫn tới việc chi trả tại một số địa phương có kéo dài hơn so với thời gian chỉ đạo của Chính phủ. Về những vướng mắc còn tồn tại, lãnh đạo các địa phương cho biết sẽ tiến hành giải quyết trong thời gian sớm nhất, kịp thời, đảm bảo đúng quy định, công bằng và đúng đối tượng.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy, hải sản của tỉnh Quảng Trị đạt hơn 12.000 tấn, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui sau hơn một năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển. Năm 2017, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 23.000 - 25.000 tấn thủy, hải sản. Trong ảnh: Hoạt động thu mua hải sản tại cảng cá Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.

Tại Quảng Trị, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bộ Tài chính đã cấp cho tỉnh Quảng Trị 970 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã chi trả đến các hộ ngư dân bị ảnh hưởng ở 16 xã thuộc 4 huyện ven biển Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh với tổng số tiền 904 tỷ đồng; còn lại 66 tỷ đồng để đền bù cho các đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng (các đối tượng này cần được rà soát kỹ lưỡng để hỗ trợ). Do đó, đến ngày 7-7, tỉnh Quảng Trị chưa hoàn thành dứt điểm công tác chi trả bồi thường ô nhiễm môi trường biển theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại Thừa Thiên - Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi trả 923,835/1.010 tỷ đồng (đạt 91,47%) nguồn kinh phí bồi thường tạm cấp cho 41.766 đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 28 xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá. Hiện còn 86,165 tỷ đồng chưa chi trả được do còn một số người thuộc diện được đền bù đang đi làm ăn xa, chưa đến nhận tiền; mặt khác có một số đối tượng sau khi được niêm yết, thẩm tra tại các địa phương, nhưng qua thẩm tra lại xét thấy chưa đủ điều kiện đảm bảo theo quy định. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát để hoàn thành dứt điểm công tác chi trả trước ngày 15-7-2017.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và các địa phương ven biển bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nói riêng ổn định. Người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương đã được nhận tiền đền bù thuận lợi, an toàn và đều phấn khởi, đồng tình cao với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

P.V – T.T