Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cơ bản tán thành thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ hai, 13/01/2014 23:29

(Cadn.com.vn) - Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu sáng 13-1 với hàng loạt ý kiến đóng góp thẳng thắn và sôi nổi của các thành viên Ủy ban xung quanh một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Báo cáo UBTVQH tại Phiên họp, Bộ Y tế và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, cần quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với tất cả các đối tượng với sự hỗ trợ ngân sách trực tiếp của Nhà nước cho một bộ phận người dân.

Bởi, nếu không quy định như vậy thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT.

Quy định bắt buộc tham gia BHYT, cũng như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đã được thực hiện thành công trước đây; quy định như vậy mới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Đề xuất này của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các thành viên UBTVQH.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Cần quy định rõ trong luật là thực hiện BHYT bắt buộc để tiến tới toàn dân tham gia BHYT. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, dự thảo Luật cần tạo bước đột phá trong công tác BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ, tạo điều kiện cho ngành Y tế giải quyết khó khăn, góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách. Ông Hiển đề nghị, nên mạnh dạn thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân; có sự hỗ trợ đối với người có công, quân nhân, hộ nghèo, cận nghèo.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tán thành quan điểm thực hiện BHYT toàn dân. Ai cũng có trách nhiệm phải đóng BHYT, Nhà nước sẽ hỗ trợ miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Luật cũng cần được chi tiết hóa hơn nữa, không để quá nhiều điều khoản cần được hướng dẫn thi hành bằng các văn bản dưới luật, Chủ tịch QH nói.

Tiếp tục nghiên cứu về kết hôn đồng giới

Cũng trong ngày 13-1, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) (sửa đổi). Đây cũng là dự án luật được QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Thảo luận tại phiên làm việc, các thành viên UBTVQH bác quan điểm đề xuất, bổ sung chế định ly thân, thỏa thuận ly thân được công chứng như trong dự thảo Luật với lý do nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là trẻ em. Các ý kiến cho rằng, đây là một vấn đề riêng tư, nhiều gia đình không muốn công khai tình trạng ly thân, theo yêu cầu của vợ chồng. Ly thân cũng là vấn đề thực tiễn xã hội. Nhiều trường hợp, ly thân được sử dụng như một biện pháp giải quyết bế tắc trong cuộc sống chung giữa vợ chồng.

Về kết hôn đồng giới, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục tổng kết, phân tích để có quy định phù hợp với xu thế phát triển chung, tuy nhiên trong dự thảo luật lần này, cần bỏ quy định “cấm” như trong Luật HN&GĐ hiện hành.

Về độ tuổi kết hôn, một số ý kiến đề nghị trên cơ sở thực tế, độ tuổi kết hôn ngày càng cao nên dự thảo luật cần tuân thủ xu hướng này, không nên quy định giảm độ tuổi kết hôn. Đối với một số dân tộc thiểu số thì dự thảo cần quy định cụ thể để đảm bảo luật có tính khả thi.

Đề cập đến những tồn tại, bất cập hiện nay trong chính sách đối với BHYT, Chủ tịch QH yêu cầu ngành Y tế sớm thay đổi quy định hạn chế, ngăn cấm người dân qua việc chỉ định cơ sở thanh toán BHYT. Chủ tịch QH viện dẫn ví dụ, một người bị đau ốm thì có quyền đến bất cứ bệnh viện nào tốt, không thể yêu cầu, chỉ định người bệnh đến bệnh viện mà người đó không mong muốn. “Đây là cách quản lý cát cứ rất yếu kém, tự mình đặt ra câu chuyện làm khó cho dân và cũng là vi phạm quyền tự do khám chữa bệnh của con người theo quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp mới” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy định trái tuyến trong khám chữa bệnh là bất hợp lý, cần sớm được xóa bỏ. Vấn đề khám chữa bệnh phải tuân thủ quy tắc kinh tế thị trường, theo đó nơi nào tốt thì nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư. Phải để cho bệnh viện tư thanh toán đầy đủ cho người có thẻ BHYT, Chủ tịch QH đề nghị.

Các ý kiến tại buổi làm việc sáng 13-1 cũng tán thành cao với quan điểm kiên quyết không để lại kết dư BHYT cho các địa phương với lý do, cần tập trung nguồn BHYT ở T.Ư để chủ động phân phối, hỗ trợ cho các địa phương có khó khăn.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về 2 dự án Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

T.Thủy – TTXVN