Báo Công An Đà Nẵng

Cô Bảy Phùng Há – từ cuộc đời đến sân khấu

Thứ năm, 03/07/2014 09:50

(Cadn.com.vn) - 5 năm sau ngày NSND Phùng Há ra đi (7-2009-7-2014), tại TPHCM nhiều nghệ sĩ đã có những sinh hoạt tưởng niệm, ghi nhớ công lao to lớn của một trong những nghệ sĩ đã dành tròn cả đời mình để góp phần xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam, đồng thời đào tạo được hàng trăm nghệ sĩ tài danh trong ba thế hệ nghệ sĩ. Soạn giả Kiên Giang nhắc lại ký ức: "Khi còn là đào chánh cho đến lúc về chiều nương thân cửa chùa, NSND Phùng Há đã luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu trong bất cứ những công việc liên quan đến nghề hát và những hoạt động xã hội do bà khởi xướng".

Cô Bảy Phùng Há thời tuổi trẻ trên sân khấu.

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, thường được giới yêu chuộng nghệ thuật sân khấu gọi là Cô Bảy Phùng Há, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Bà có một tuổi thơ khá cơ cực, nhưng nhờ có giọng ca thiên phú, thu hút lòng người nên được ông bầu của gánh Tái Đồng Ban phát hiện mời bà tham gia với vai trò đào để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Vai diễn đầu tiên nghệ sĩ Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi là vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Năm 14 tuổi, bà bắt đầu hát vai chính, từ bi, hài đến cả những vai kép võ. Vai đào chính đầu tiên Phùng Há thể hiện là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản.

Không lâu sau đó, Phùng Há lần lượt đóng vai chính qua nhiều vở tuồng để đời như: Tái Sanh Duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân,... Đặc biệt, trong tuồng Phụng Nghi Đình, khi Phùng Há hát vai Lữ Bố, cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga hát vai Điêu Thuyền, một nhà thơ đã tặng cho nghệ sĩ Phùng Há mấy câu thơ: Ấy mới tài! Ấy mới duyên!/ Lẳng lơ Lã Bố Hí Điêu Thuyền/ Ai hay Lã Bố là cô ả/ Đã quyết tao... Phùng... Há dám quên!..

Bà từng chia sẻ: "Vai diễn nào tôi cũng thích dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả". Năm 18 tuổi, NS Phùng Há lập gánh Huỳnh Kỳ, nhưng không bao lâu rã gánh, bà tiếp tục đầu quân cho các gánh hát: Năm Tú, Trần Đắc, Phước Cương, Phi Phụng. Sau đó, NS Phùng Há tự lập các gánh hát: Phụng Hảo, Tam Phụng Hảo, Việt kịch - Năm Châu, Phụng Hảo 5 lưu diễn khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, sang cả Hồng Kông, Pháp biểu diễn.

Năm 1948-1949, NS Phùng Há cùng soạn giả Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu lập Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế (nay là Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TPHCM). Năm 1963, sau lần đi Pháp về, NS Phùng Há tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ tài danh: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Thanh Hoa, NSƯT Nam Hùng...

Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, trong kịch bản Đời cô Lựu, Phùng Há lại cùng góp mặt với các nghệ sĩ: Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Nam Hùng, Hoàng Ấn, Văn Lâu, Tư Hề, Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Tố Nữ... Đoàn cải lương Sài Gòn 1 sau đó cũng được thành lập, gồm các nghệ sĩ tài danh với những kịch bản nổi tiếng một thời. Khi tuổi cao sức yếu, bà giã từ sân khấu cho lớp trẻ, dành hết tình yêu nghề truyền dạy bộ môn cải lương ở Trường Nghệ thuật sân khấu II, bây giờ là Trường Sân khấu - điện ảnh thành phố và đã có nhiều nghệ sĩ thành danh. Về sau bà chỉ chuyên tâm vào công tác cứu trợ và đeo đuổi ước mơ xây "ký nhi viện" cho con em nghệ sĩ,  sau khi đã gầy dựng được Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM và đóng góp, sáng lập nên Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TPHCM...

Về đời sống tình cảm, Cô Bảy Phùng Há không phải là một phụ nữ may mắn, thậm chí phải trải qua nhiều bi kịch gian truân, thăng trầm trên con đường tình ái. Tuy nhiên, trong những mối tình này, Phùng Há thường tự hào và sâu nặng với Bạch Công Tử, người chồng thứ hai, vốn cùng với Hắc công tử (tức Ba Huy, còn gọi là công tử Bạc Liêu) để lại nhiều giai thoại độc đáo nay đã đi vào đời sống văn hóa dân gian miền Nam... Trên sân khấu, Phùng Há và Năm Châu là một cặp đôi tài sắc ăn ý, được khán giả yêu mến nhưng suốt đời, đối với họ, vẫn là một mối tình dở dang.

Sau ngày NS Năm Châu qua đời (1977), cô Bảy Phùng Há  kể lại: "Ngày đó khi tôi lấy chồng (1929), ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi, không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần đã vậy rồi".

Trần Trung Sáng