Báo Công An Đà Nẵng

Cơ chế đặc thù - cơ hội và thách thức

Thứ sáu, 18/11/2016 10:57

(Cadn.com.vn) - Trung ương vừa trao cho Đà Nẵng một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý được áp dụng từ ngày 1-1-2017. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho Đà Nẵng trong việc huy động các nguồn lực để phát triển trở thành đô thị lớn, đô thị động lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng được tự chủ hơn trong việc huy động nguồn lực phát triển  thành phố trong thời kỳ mới. 

“Cởi trói” chính sách

Việc Đà Nẵng được phân cấp mạnh hơn để tự chủ giải quyết thủ tục trong quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp đang kỳ vọng tạo “cú hích” lớn để phát triển, trở thành các đầu tàu kinh tế để kéo kinh tế khu vực cùng đi lên. Theo TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-XH Đà Nẵng, rõ ràng với cơ chế đặc thù lần này sẽ giúp Đà Nẵng chủ động phát huy các thế mạnh sẵn có, tăng quyền huy động của chính mình và chủ động khai thác thêm các nguồn lực bên ngoài để “đột phá”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh và bền vững. Ngoài ra, Trung ương ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố; ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cũng theo TS Nguyễn Phú Thái, thực chất cơ chế đặc thù là “cởi trói” cho “chiếc áo đã chật” về chính sách đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý cho Đà Nẵng.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho rằng, việc Đà Nẵng có cơ chế đặc thù là một trong những nỗ lực lớn và bền bỉ của cả hệ thống chính trị theo đuổi trong suốt nhiều năm. Với cơ chế đặc thù này phần nào tạo thuận lợi cho Đà Nẵng chủ động hơn trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Các thể chế về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý phần nào được tự chủ, tự chịu trách nhiệm chứ không như trước đây cái gì cũng phải ra xin phép Trung ương…

Xét đến nhu cầu phát triển cũng như kinh nghiệm và năng lực của thành phố, Chính phủ cho Đà Nẵng tự huy động nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài (ODA) và phân cấp quyền phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA hoặc phi chính phủ nước ngoài. Đây được xem là một thuận lợi khi thẩm định và phê duyệt dự án có nguồn vốn ODA. Là đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Đà Nẵng, ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp, Chủ nhiệm các dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, trong cơ chế mới Chính phủ đã thực hiện phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho Đà Nẵng. Cơ chế mới sẽ tạo điều kiện cho thành phố chủ động và tích cực hơn trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển, nhất là cho các chương trình phát triển chiến lược cần có nhiều nguồn lực.

Đà Nẵng (ảnh) đứng trước cơ hội trở thành đô thị động lực của miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Quang Hải

Thách thức!

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, cơ chế đặc thù xét về góc độ tài chính - ngân sách mới chỉ đem lại nguồn lực rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển, chưa tạo động lực huy động nguồn lực cho phát triển thành phố trong giai đoạn mới. TS Võ Duy Khương phân tích: “Trung ương cho Đà Nẵng hưởng 70% số tăng thu dự toán được giao, cao hơn quy định của Luật ngân sách 40% nhưng năm 2017, Trung ương áp mức dự toán thu cho Đà Nẵng tăng thêm 32,3% so với dự toán năm 2016 và dự toán cả giai đoạn 2017-2020 tăng đến 70% so với giai đoạn 2011- 2016. Bên cạnh đó, nguồn thu của Đà Nẵng hiện đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ khai thác quỹ đất của Đà Nẵng ngày càng thu hẹp và nguồn thu từ doanh nghiệp cũng có nguy cơ sụt giảm do phải đối mặt với việc cắt giảm thuế theo lộ trình gia nhập với kinh tế trong khu vực và thế giới. Như vậy, để hoàn thành dự toán đã khó thì làm sao mà nói đến hưởng vượt thu”!

Cũng theo TS Khương, Đà Nẵng được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương (tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng) nhưng kể từ năm 2017, Đà Nẵng phải lo trả 1.700 tỷ đồng trái phiếu đã đến hạn và năm 2019 trả thêm 1.100 tỷ đồng nên việc huy động là điều không hề dễ chút nào. Ngoài ra, muốn huy động vốn thì phải có nguồn đối ứng thông thường là đất đai để đảm bảo trả nợ nhưng đến nay quỹ đất thành phố đã cạn kiệt thì việc tìm nguồn đối ứng cũng là thách thức lớn đối với thành phố. “Để đạt và vượt nguồn thu một cách bền vững, Đà Nẵng cần phải tập trung tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, tạo điều kiện cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp”, TS Võ Duy Khương gợi ý.

Nói về cơ chế đặc thù về tài chính, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, hiện nay, đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố đã chững lại thì lại “nới quata” cho Đà Nẵng được huy động là một bài toán vô cùng khó trong việc vừa phải đảm bảo hiệu quả trong đầu tư, tránh để nợ công tăng quá cao, duy trì cân đối giữa vay và nguồn tài chính trả nợ vay.

Một thách thức liên quan đến huy động nguồn lực từ bên ngoài, đó là huy động ODA, ông Đặng Đức Cường chia sẻ, cơ chế mới cũng đòi hỏi vai trò chủ động, nâng cao năng lực của thành phố trong việc phối hợp với các cơ quan Trung ương và các đối tác quốc tế, trong việc tìm kiếm các cách làm mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Cũng theo ông Cường, trong bối cảnh chung hiện nay là vốn ODA càng ít đi và ít ưu đãi hơn. Nguồn ngân sách là hạn chế, nguồn lực từ khai thác quỹ đất cũng hạn chế dần, thị trường vốn trong nước còn kém phát triển. Như vậy thành phố cần phát huy nội lực tìm kiếm các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển, chứ không phải cứ có cơ chế mới là nguồn lực tự đến.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng cũng lưu ý Đà Nẵng càng phải tự mình nâng cao năng lực tổ chức thực hiện dự án sao cho kịp thời và hiệu quả khi được phân cấp quyền phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA.

Xuân Đương