Báo Công An Đà Nẵng

Cơ chế đặc thù mở ra cho Đà Nẵng một không gian kinh tế sôi động

Thứ sáu, 21/06/2024 23:50
Dự án cảng Liên Chiểu đang được xây dựng khẩn trương.

Sức bật từ nền tảng hạ tầng đồng bộ

Với nhiều khu đô thị, cảng biển Liên Chiểu, Khu Công nghệ cao (CNC), các tuyến giao thông huyết mạch... đang được triển khai xây dựng đã biến khu vực Tây Bắc thành phố Đà Nẵng trở thành “đại công trường” phát triển sôi động nhất Đà Nẵng hiện nay. Ghi nhận tại cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng) đang được các đơn vị thi công triển khai hối hả để hoàn thành trong năm 2025.

Tương tự, dự án đường ven biển chuyên dụng nối cảng Liên Chiểu tới Khu CNC với 6 làn xe hiện đại tổng vốn đầu tư gần hơn 1.200 tỷ đồng hay đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan khớp nối cao tốc qua 5 tỉnh miền Trung tổng vốn hơn 2.112 tỷ đồng cũng đang thi công khẩn trương. Mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại gắn với các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, khu CNTT tập trung, Khu CNC đang tạo nên một vành đai kinh tế phía Tây Bắc Đà Nẵng đầy sôi động.

Ngoài đồng bộ hạ tầng giao thông gắn với cảng thì việc triển khai các dự án hạ tầng công nghiệp, thu hút dự án đầu tư sản xuất, tạo nguồn hàng hóa cho cảng Liên Chiểu cũng đang được Đà Nẵng tập trung triển khai. Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Công ty CP Long Hậu, Chi nhánh Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án logistics tại Khu CNC có tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng chia sẻ, nếu chỉ phát triển cảng, mà lượng hàng hóa chưa có nhiều thì việc đầu tư cảng sẽ không thành công. Khi có hạ tầng cảng, thì phải thu hút được các hãng tàu đến hoạt động. Muốn vậy phải có lượng hàng hóa. Đà Nẵng cần tập trung song song giữa chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và có kế hoạch thu hút đầu tư rõ ràng, tập trung vào những ngành nghề mũi nhọn để tăng lượng hàng hóa.

Thực tế ngoài 6 KCN và 1 khu CNC đã có thì Đà Nẵng đang triển khai thêm 3 KCN mới tổng diện tích 880ha gồm Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm- giai đoạn 2 nhằm tạo nền tảng hạ tầng công nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, sản xuất. Trong đó, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút được 30 dự án đầu tư (tổng vốn gần 1,1 tỷ USD). Riêng năm 2024 thu hút nhiều dự án lớn như Tập đoàn Foxlink sẽ nâng tổng mức đầu tư dự án nhà máy linh kiện điện tử lên tới 400 triệu USD. Ngoài ra, Tập đoàn Foxlink còn giới thiệu một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Đài Loan, Nhật Bản đến đầu tư tại Khu CNC. Các nhà đầu tư này sẽ cần thêm 50 ha diện tích Khu CNC. Khi các dự án sản xuất tăng, hệ thống cao tốc kết nối đồng bộ qua các khu kinh tế lớn trong khu vực sẽ tạo nguồn hàng hóa phục vụ cảng Liên Chiểu.

Khu CNC Đà Nẵng hiện đã thu hút 30 dự án tổng vốn gần 1,1 tỷ USD tạo nguồn hàng hóa, nguyên liệu xuất, nhập qua cảng Liên Chiểu.

Rộng cửa đón nhà đầu tư chiến lược

Khu TMTD gắn với cảng Liên Chiểu và Khu CNC, các tuyến cao tốc phía Tây Bắc thành phố đã mở ra nhiều triển vọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, Đà Nẵng đã xin cơ chế đặc thù với nhiều ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên gồm công nghệ chip bán dẫn, vi mạch; đầu tư xây dựng, kinh doanh Khu TMTD; đầu tư xây dựng, kinh doanh Phân khu sản xuất - logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu. Đặc biệt, Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển Liên Chiểu theo quy hoạch với vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên. Chính sách đặc thù này thực hiện sẽ giúp Đà Nẵng hình thành được các trụ cột kinh tế mới (Cảng biển gắn với logistics, Khu TMTD), hình thành một vùng động lực thu hút đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại.

Như vậy, nhà đầu tư chiến lược sẽ đến với vùng kinh tế sôi động nhất Đà Nẵng thông qua đầu tư trực tiếp vào cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư), vào Khu TMTD, Khu CNC... Theo phương án Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt, tổng vốn kêu gọi đầu tư sơ bộ vào cảng Liên Chiểu khoảng 48.304 tỷ đồng bao gồm đầu tư 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng, tổng diện tích 450ha, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 50 triệu tấn/năm. Hiện nay một số nhà đầu tư lớn đã quan tâm tới dự án cảng Liên Chiểu như liên danh BRG – Sumitomo hoặc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Adani (Ấn Độ) để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu.

Với Khu TMTD Đà Nẵng đặt cạnh cảng Liên Chiểu sẽ gồm các hoạt động thương mại, kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ bổ trợ, các khu logistics, kho ngoại quan, các khu vực sản xuất, chế biến... Khu TMTD có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa Khu TMTD với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Đây sẽ là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thủ tục hải quan, thủ tục hành chính “một cửa, tại chỗ”... như với khu kinh tế.

Từ lợi thế cạnh tranh như vậy, Khu TMTD được kỳ vọng sẽ thu hút được nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực cho Đà Nẵng cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng giá trị, ứng dụng công nghệ cao khi mà dư địa đất đai không còn nhiều. Hiện nay Đà Nẵng vẫn chưa có nhiều dự án mang tính động lực, xứng tầm với vai trò, vị trí đặt ra vì vậy Khu TMTD sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nhằm thiết lập nên một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng Liên Chiểu.

HẢI QUỲNH