Báo Công An Đà Nẵng

Cơ chế nào tạo đột phá phát triển kinh tế miền Trung?

Thứ năm, 29/08/2019 20:30

Với tiềm năng, dư địa phát triển, miền Trung có khả năng tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới. Tuy nhiên, miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ".

 

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung cho biết, với tiềm năng, dư địa phát triển, miền Trung có khả năng tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới. Tuy nhiên, miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ"; đặc biệt, trong việc cải cách thể chế, xây dựng môi trường đầu tư. Ông Trần Du Lịch cho rằng, cần có thể chế, cơ chế vượt trội cho vùng. "Phải tính xem có bao nhiêu dự án của vùng cần mang ra Trung ương, mất bao nhiêu ngày để làm thủ tục. Giải quyết nhanh 1 ngày thì miền Trung sẽ thoát nghèo nhanh hơn 1 năm. Theo đó, cần gỡ vướng thể chế để vùng đi nhanh hơn mà không sợ ngã", ông Lịch nhấn mạnh.

"Hiện, chính sách ưu đãi cho các địa bàn khó khăn như miền Trung thường được tập trung về giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ dựa vào 2 ưu đãi này, không thể tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội mà cần cải thiện tích cực 3 nhân tố: chính sách, thể chế; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.", ông Lịch cho hay. Theo ông Trần Du Lịch, các địa phương cần phải có một quyết tâm chính trị cao, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá đối với 5 trụ cột kinh tế.

Đó là dịch vụ du lịch và các hoạt động gắn với du lịch; cảng biển gắn với logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác các khu kinh tế và khu công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; phát triển đô thị ven biển gắn với quá trình đô thị hóa. Để khai thác 5 trụ cột kinh tế nêu trên, cần cụ thể hóa việc thực thi chiến lược kinh tế biển trên địa bàn vùng bằng việc ưu tiên xây dựng 4 chương trình mục tiêu trên quy mô vùng, gồm: phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp; phát triển cảng biển gắn với logistics; phát triển du lịch vùng; phát triển nguồn nhân lực của vùng và xây dựng thị trường lao động chung.

Ông Trần Du Lịch chỉ rõ, công nghiệp chế biến là lĩnh vực miền Trung đang còn yếu, vì vậy phải thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp; đồng thời, cần xây dựng các cứ điểm sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, lấy doanh nghiệp công nghiệp chế biến làm nền tảng để quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp. Để thu hút doanh nghiệp nhằm tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội, tạo sự chuyển biến tích cực của các nhân tố như kinh tế vĩ mô ổn định, không tạo ra rủi ro chính sách đối với thị trường; môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, tính hiệu lực cao và nền hành chính mang tính phục vụ; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

Đồng tình với những đề xuất trên, PGS. TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia không giới hạn về tỷ lệ vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng du lịch trọng yếu ở miền Trung và liên kết với vùng Tây Nguyên; đồng thời, xem xét việc áp dụng cơ chế cho phép tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông (tương tự như chính sách xây dựng sân bay Vân Đồn và cảng hành khách quốc tế Hạ Long).

Ông Phạm Trung Lương cũng đề xuất, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút các nguồn lực xã hội trong nước và đầu tư quốc tế, bảo đảm đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn chỉnh ít nhất 2 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế tại Cù Lao Chàm (gắn với Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt).

Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thành lập "Quỹ xúc tiến du lịch duyên hải miền Trung" với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội (doanh nghiệp du lịch) và thí điểm thu 1USD/đêm/khách du lịch quốc tế lưu trú tại một số địa phương trọng điểm du lịch miền Trung. Mục đích duy nhất của quỹ là sử dụng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng. Để thực hiện được chính sách này, cần có sự công khai, minh bạch và cam kết đối với việc sử dụng quỹ này...

T.H

Cù Lao Chàm (Quảng Nam): Diện tích rừng bị cháy tăng đột biến

Hiện trường vụ cháy rừng ở Phú Yên.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính chung 8 tháng (đến ngày 21-8-2019), cả nước có 1.784 ha rừng các loại bị thiệt hại do cháy, tăng 1.465 ha so với cùng kỳ năm 2018.

Mới đây nhất, vụ cháy rừng kéo dài tới 2 ngày tại khu vực rừng trồng trên núi Kỳ Lễ, xã Hòa Định Tây (Phú Yên) đã làm thiệt hại gần 50 ha rừng trồng từ 3 - 5 năm tuổi. Vụ cháy rừng tại Phú Yên hiện đã được lực lượng Kiểm lâm vùng 4, cùng các lực lượng chữa cháy tại chỗ khống chế, dập tắt hoàn toàn. Đám cháy tại khu vực trên bùng phát từ lúc 10 giờ 30 phút ngày 25-8. Do trời nắng gió mạnh, ngọn lửa bùng phát dữ dội, lan rộng ra nhiều diện tích rừng, uy hiếp nhiều nhà dân lân cận. Chính quyền tỉnh Phú Yên đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ quân đội và người dân băng rừng, vượt độ cao hơn 400 m (so với mặt nước biển) để tiếp cận khoanh vùng dập lửa; đồng thời, Công an tỉnh Phú Yên đã điều động 5 xe chữa cháy đến hiện trường tác nghiệp, bảo vệ khu vực dân cư.

Tính chung trong tháng 8, cả nước đã xảy ra 48 vụ cháy rừng, giảm 25% số vụ và 62,7% diện tích thiệt hại so với tháng 7 (tháng cao điểm cháy rừng). Cháy rừng chủ  yếu diễn ra tại các tỉnh miền Trung như: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định. Nguyên nhân được xác định là do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn gay gắt tại các tỉnh Nam Trung bộ. Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong tháng 8, cả nước đã phát hiện 880 vụ vi phạm quy định của Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng là 37 ha, giảm 24 ha so với tháng 8-2018.

L.S