Cô của tôi!
(Cadn.com.vn) - Bà nội tôi có hai người con, cô và ba tôi. Ông nội mất khi ba tôi còn trong bụng mẹ và cô lúc ấy mới 3 tuổi. Mẹ con côi cút bên nhau kiếm ăn qua ngày bên cái chợ nhỏ ven sông.
Ngày ấy bà còn trẻ, nhiều người theo đuổi lắm nhưng bà không chịu, chỉ ở vậy nuôi con. Hằng ngày, bà sang sông với gánh trầu cau, cô ở nhà trông ba. Lớn lên một chút, ba đi học, cô theo bà chạy chợ. Bà nhiều lần bảo đi học kiếm lấy cái chữ, cô không chịu, chỉ muốn theo bà chạy chợ nuôi em ăn học thành người. Thấy cô quyết tâm như vậy, bà rất thương và không nỡ ép. Và cứ thế, cho đến một ngày khi cô chớm trở thành cô gái thì bà nội qua đời trong một cơn bạo bệnh, để lại chị em cô trên đời. Chôn cất bà xong, bà con trong họ khuyên cô cho ba nghỉ học làm nghề kiếm sống, để cô còn tính chuyện chồng con. Cô nhất quyết không chịu. Với gánh hàng trầu cau của bà để lại, cô tiếp tục sang chợ mưu sinh và nuôi ba ăn học. Ngày ba lấy vợ, một bàn tay cô chạy vạy, lo toan để ba có được một đám cưới trọn vẹn.
Sau một thời gian, thương cô về sau cô quạnh không ai chăm sóc, ba nhiều lần khuyên lấy chồng. Cô lắc đầu nguây nguẩy. Cô trách ba có vợ rồi muốn đuổi cô đi chứ gì! Cô khóc mấy ngày không chịu ăn cơm, không nói, không cười, lủi thủi gánh hàng trầu cau sang chợ. Mẹ phải dỗ dành đến mấy ngày cô mới chịu ăn và ba thì không dám nói gì về việc chồng con của cô nữa. Lũ cháu chúng tôi được cô quý hơn vàng. Ngày nào đi chợ về, khi cô vừa đặt gánh xuống là lũ chúng tôi ùa đến vây quanh và đứa nào cũng có quà. Nhìn chúng tôi hớn hở, sung sướng khi được chia quà, khuôn mật cô lấp lánh nụ cười.
Theo thời gian, chúng tôi lớn lên, bao nhiêu tình thương mà cô có được, cô dành hết cho những đứa cháu. Tôi tuy đã lớn, được ba mẹ cho lên thành phố ăn học, mỗi khi về nhà vẫn được cô chăm sóc như hồi còn bé. Khi lên lại thành phố thì trong xách lúc nào cũng đầy thức ăn. Thương cô chỉ biết để ở trong lòng và mong muốn cô mãi mạnh khỏe.
Và rồi, một chiều khi đi học về, được điện thoại nhà báo lên "cô đau nặng". Hấp tấp ra bến đón xe về nhà. Đến nhà, thấy mọi người đông đặc cả sân, tôi chạy ùa vào thì ba đang vật vã bên giường cô. Ba nói trong tiếng nấc: "Cô con đi rồi!". Tôi đứng lặng người, lòng quặn thắt. Cô - người đã hy sinh một đời cho hạnh phúc của cả gia đình tôi đã không còn nữa.
Ngày chuẩn bị lên thành phố, ba tôi đưa cho tôi một túi nhỏ khâu bằng vải trong đó có đôi hoa tai bằng vàng và nói: "Đôi hoa tai cô dành cho con cưới vợ đó, ráng giữ cẩn thận!". Cầm chiếc túi trong tay, tôi rưng rưng nước mắt.
Giờ đây, mỗi lần về thăm quê, đi ngang qua chợ bên sông, tôi lại thấy cay mắt, nhớ đến gánh hàng trầu cau của cô, cái gánh ân tình cô dành cho gia đình tôi cả một đời mà không hề đòi hỏi sự đền đáp.
Nguyễn Văn Học