Báo Công An Đà Nẵng

“Cò đất” khuấy đảo vùng Tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc

Thứ bảy, 03/09/2022 07:42
Dự án đường nối Quốc lộ 14H đến tuyến đường tỉnh 609C được khởi công là thời điểm bắt đầu “cò” chao liệng tại khu Tây Duy Xuyên.

Cùng với việc xây dựng tuyến đường nối QL14H đến tuyến ĐT609C, Nhà nước còn đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Thu Bồn (nối xã Đại Thắng và xã Duy Tân) đã mở ra những cơ hội thuận lợi để người dân vùng Tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc phát triển kinh tế-xã hội. Nhận biết điều đó, các “cò” từ khắp nơi đổ xô về đây, kết hợp với một số người dân địa phương… thổi giá đất lên cao để trục lợi.

Bà Thái Thị T. (trú thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân), cho hay: Sau khi công trình cầu Thu Bồn khởi công, đi đến đâu cũng chỉ nghe những thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng đất đai. Đâu đâu cũng thấy người mua, từ đất đường liên xã đến các kiệt hẻm cũng được rao bán. Ngay cả đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp nhưng bị bỏ hoang do thiếu nước cũng được các “cò” hỏi thăm. Cũng từ đây, đất “lên giá” bất ngờ, bình thường đất ở đây được chuyển nhượng với giá 500-600 triệu đồng/lô 100m2 nay chuyển sang tính mét mặt tiền hoặc mét vuông với giá cao gấp 2-3 lần những tháng đầu năm 2022.

Ông Trần Trường (trú xã Duy Phú, H. Duy Xuyên), cho biết: Từ cuối tháng 7-2022 đến nay, tại địa phương xuất hiện một nhóm người đi ô-tô mang biển số các địa phương, như: Đà Nẵng, Quảng Nam đến đây mua, bán đất. Việc mua bán có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không thì không rõ nhưng đều diễn ra rất chóng vánh. Những lô đất ở vị trí giao thông không thuận lợi được mua với giá 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ/500m2. Còn theo ông Nguyễn Công (trú Phú Đa 1, xã Duy Thu), chẳng biết những người sử dụng đất vừa mua vào mục đích gì nhưng họ đều mua với giá quá cao. Cụ thể, lô đất rộng hơn 500m2, lối đi vào quanh co, nhỏ hẹp của ông C., lâu nay được bỏ hoang nhưng vẫn được trả giá 1,1 tỷ đồng.

Đất kiệt hẻm, không có lối đi vẫn được “cò” thu mua.

Theo tìm hiểu, tương tự như các xã khu Tây Duy Xuyên, đất tại các xã vùng B Đại Lộc, như: Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Tân… cũng được các “cò” đẩy giá lên “tận trời xanh”. Anh Lê Trung C. (trú Phú Đông, xã Đại Thắng”, cho hay: Hiện nay, từ quán cà-phê đến bàn nhậu đâu đâu cũng bàn đến chuyện mua, bán đất. Theo nhiều người dân địa phương, việc mua bán diễn ra khá tấp nập, người này vừa mua xong là có người khác đến hỏi mua lại với giá cao hơn nên nhiều người bỏ nghề đi làm “cò” đất. Và, do vùng Tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc là những địa phương thuần nông, người dân có sở hữu một diện tích đất lớn nên khi thấy đất có giá một số gia đình có ý định chuyển nhượng, lấy tiền trang trải cuộc sống càng làm cho thị trường bất động sản ở đây thêm sôi động.

Trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Duy Thu, việc chuyển nhượng này diễn ra theo quy luật cung cầu và các thủ tục pháp lý được các Văn phòng Công chứng đảm nhận nên chính quyền địa phương không nắm rõ. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình cho thấy việc mua bán này không ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương song để tránh những hệ quả xấu xảy ra, chính quyền địa phương đã có khuyến cáo người dân không nên ồ ạt bán đất hoặc vì thấy giá đất tăng quá nhanh mà thực hiện việc đầu cơ… để tránh việc sập bẫy của những “cò đất” như đã xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua.

Theo chúng tôi, thời gian qua đã có nhiều gia đình lâm vào cảnh “tán gia, bại sản” vì tin lời các “cò”. Hơn nữa, khi Nhà nước tiến hành đầu tư một dự án nào đó đều được những đối tượng môi giới bất động sản lợi dụng để “vẽ” ra một bức tranh siêu thực rồi sử dụng thủ đoạn tự mua, tự bán lòng vòng và mỗi lần đổi chủ, giá lại đội lên vài chục triệu đồng nhằm thu hút nhà đầu tư. Vì thế, mọi người cần cảnh giác với những chiêu trò trên để đừng tự biến mình trở thành “miếng mồi ngon” của những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, chính quyền các địa phương có biện pháp khuyến cáo người dân và ngăn chặn hữu hiệu tình trạng cò “thổi giá” hiện nay.

M.T