Báo Công An Đà Nẵng

“Cò đất” sà về Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân

Thứ sáu, 29/10/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Lợi dụng người dân vùng giải tỏa ở P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đa phần thuần nông, kiến thức pháp luật hạn chế, thời gian gần đây, một số kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư (TĐC) của thành phố về dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (KĐTSTHX) để trục lợi. Nhiều hộ gia đình vì hám lời, nhẹ dạ cả tin đã bị các “cò đất” lừa phỉnh, chuyển nhượng đất vùng dự án với giá rẻ hoặc giao hàng chục triệu đồng để chuyển đất TĐC sang vị trí đắc địa. Dưới đây là ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng về thực trạng này với mong muốn mọi người nắm bắt được sự thật để tránh trở thành nạn nhân của bọn “cò đất”.

Cảnh giác với tin đồn nhảm

Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân cho biết, khi DA KĐTSTHX bước sang giai đoạn bố trí đất TĐC cho người dân vùng giải tỏa, P. Hòa Xuân xuất hiện khá nhiều dịch vụ môi giới, giao dịch nhà đất. Kèm theo đó, một lượng lớn “cò đất’’ đến từng tổ dân phố, KDC để nắm bắt thông tin, tung tin thất thiệt liên quan đến việc bố trí TĐC nhằm trục lợi.

Cụ thể, tại khu vực Cẩm Chánh, biết người dân đa phần sinh sống bằng nghề sông nước, diện tích đất sử dụng ít, kẻ xấu loan tin: UBND TP Đà Nẵng sẽ không bố trí đất TĐC cho các hộ dân có diện tích đất ở dưới 80m2, mà chỉ giải quyết nhà chung cư. Với những hộ thuộc diện được bố trí đất TĐC (hơn 80m2), nhiều khả năng không được nhận đất ở khu E gần sông Cẩm Lệ để thuận tiện trong việc hành nghề sông nước như dự kiến mà chuyển sang khu F. Từ thông tin này, nhiều người dân hoang mang, vội bán đất với giá rẻ. Với những hộ dân đã có phiếu nhận đất TĐC, các “cò đất” đến gạ gẫm gia chủ chi tiền để chuyển từ đường nhỏ sang đường lớn và nằm ở những vị trí đắc địa như ngã ba, ngã tư…

Lực lượng chức năng Q. Cẩm Lệ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại tổ 9, P. Hòa Xuân.  

Trước thực trạng này, UBND P. Hòa Xuân nhiều lần tổ chức họp dân, giải thích rõ chủ trương của thành phố và khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, cảnh báo mọi người không bị mắc lừa. Theo ông Toàn, không có chuyện UBND TP Đà Nẵng không bố trí đất TĐC cho những hộ có diện tích đất ở dưới 80m2.

Trong quá trình xét duyệt, Hội đồng Thẩm định sẽ xem xét từng trường hợp để giải quyết đất TĐC, ưu tiên cho những hộ có hộ khẩu tại địa phương, đất gắn liền nhà ở lâu năm, có nhu cầu sử dụng nhà ở… Việc bố trí đất TĐC ở khu F chỉ dành cho những trường hợp chậm chấp hành chủ trương giải tỏa, các hộ từ nơi khác đến mua đất ở khu vực Hòa Xuân nhưng không có nhà ở gắn liền với đất… Về chuyện “cò đất” tung tin bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng để chuyển đất TĐC từ đường nhỏ sang đường lớn và vị trí đắc địa, ông Toàn khẳng định sẽ khó xảy ra.

Bởi lẽ, việc xét duyệt bố trí đất TĐC cho từng hộ dân căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, phải được sự đồng nhất của Hội đồng xét duyệt, trước khi trình UBND TP Đà Nẵng ký quyết định. Cụ thể, các hộ dân nhận đất TĐC ở vị trí ngã ba, ngã tư phải có đủ ít nhất 1 trong 2 điều kiện như: Có số tiền đền bù tài sản thiệt hại lớn và hiện trạng nhà ở vị trí giải tỏa nằm ở ngã ba, ngã tư… Nếu nhiều hộ có cùng tiêu chí này thì Hội đồng xét duyệt sẽ tổ chức bốc thăm để phân định…

Xây nhà trái phép: “Coi chừng tiền mất nợ mang”

Những ngày đầu tháng 9-2010, trên địa bàn khu vực Tùng Lâm, Lỗ Giáng 1, Cổ Mân  (P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) rộ lên tình trạng xây dựng trái phép để chờ giải tỏa. Hàng chục hộ gia đình đua nhau mua vật liệu xây dựng (VLXD) về xây tường rào, cổng ngõ, cơi nới nhà cửa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Trước thực trạng này, UBND Q. Cẩm Lệ kịp thời chỉ đạo thành lập Tổ kiểm tra liên ngành gồm CAP Hòa Xuân, Đội Quy tắc Đô thị và UBND P. Hòa Xuân khẩn trương rà soát, đình chỉ và cưỡng chế 31 trường hợp xây dựng trái phép.

Tìm hiểu vấn đề này được biết, trong những năm qua, UBND TP Đà Nẵng triển khai nhiều DA xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn P. Hòa Xuân. Toàn phường hiện có 989ha đất đã công bố quy hoạch, còn 150ha thuộc 2 DA Khu liên hợp TDTT và Khu xử lý nước thải nằm trong địa phận các tổ 8, 9, 10, 14, 15 và 16 đã có chủ trương quy hoạch, cắm mốc, giao cho địa phương quản lý, song chính quyền chưa họp dân công bố quy hoạch và tiến hành kiểm định, đền bù nhà và đất ở.

Tháng 6-2010, một số hộ dân bức xúc về nhà ở bị xuống cấp, nếu không kịp thời sửa chữa sẽ gặp khó khăn trong mùa mưa bão năm 2010 sắp tới. Vì vậy, sau khi tiếp nhận đơn xin sửa chữa nhà, trình lãnh đạo UBND Q. Cẩm Lệ và TP Đà Nẵng xem xét, kết hợp kiểm tra thực tế, UBND P. Hòa Xuân chấp nhận cho 9 trường hợp có nhu cầu thực sự sửa chữa nhà.

Khi các hộ này triển khai thi công, cũng có nhiều hộ gia đình gửi đơn đến chính quyền xin được xây dựng, mặc dù thực chất không bức thiết về chỗ ở. Dù chưa được chính quyền cho phép, nhiều hộ vẫn lén lút tiến hành cơi nới tường rào cổng ngõ, công trình phụ… để đón đầu quy hoạch. Có gia đình vay mượn tiền mua VLXD, thậm chí hợp đồng ăn chia với các đại lý bán VLXD để tiến hành xây dựng trái phép bất kể ngày đêm. Tất cả các trường hợp này đều bị cưỡng chế, buộc tháo dỡ, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 

Trên đây là một vài cảnh báo đối với người dân vùng giải tỏa trong giai đoạn TP Đà Nẵng triển khai DA KĐTSTHX. Trước những thông tin liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC, mọi người nên cẩn trọng, trực tiếp trao đổi với những người có trách nhiệm. Về phía chính quyền và BQL DA cũng nên thường xuyên tiếp xúc, giải thích các chủ trương có liên quan trực tiếp quyền lợi của người dân để mọi người không mắc mưu những kẻ trục lợi.

Bài, ảnh: Đăng Vinh