Báo Công An Đà Nẵng

Cô gái chải tóc bên sông Trà Nô trong phim "Mẹ Thu Bồn"

Thứ ba, 09/04/2019 10:00

Đầu năm nay, tại buổi gặp mặt các nhà báo, nhà văn chuẩn bị viết bài cho Đặc san An toàn khu (ATK) Hiệp Đức nhân Lễ công bố Quyết định của Nhà nước về việc công nhận ATK Hiệp Đức gồm 2 xã Phước Trà và Sông Trà (H.Hiệp Đức, Quảng Nam) do Ban Biên tập Đặc san tổ chức, nhà văn Hồ Duy Lệ bồi hồi kể lại câu chuyện về người đồng đội, liệt sĩ-họa sĩ Hà Xuân Phong. Trong những năm chiến tranh ác liệt, anh luôn đáu đáu ước mơ một ngày im tiếng súng sẽ xách cọ, màu đi dọc bờ sông Trà Nô vẽ phong cảnh, làng mạc quê hương. Có lần anh gặp một cô gái đang gội đầu chải tóc bên gành đá trên  sông Trà Nô. Trong giây phút thăng hoa trước vẻ đẹp của tạo hóa, cô gái ấy đã hóa thân vào tác phẩm của anh Hà Xuân Phong. Nhưng thật đau lòng, trước khi bức phác thảo ấy chuyển thành tác phẩm mỹ thuật thì Hà Xuân Phong bất ngờ hy sinh trong dòng nước xanh mát của đại ngàn giữa ATK...

Cảnh họa sĩ Hà Xuân Phong ký họa cô gái chải tóc bên sông Trà Nô trong phim "Mẹ Thu Bồn".  

Chiến tranh đi qua đã lâu, không ai biết cô gái gội đầu chải tóc bên bờ sông Trà Nô là ai. Nhưng trong ký ức của đồng đội vẫn còn đó hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của tình yêu người họa sĩ với cô gái trẻ. Trong nỗi nhớ bạn bè khôn nguôi, nhà văn Hồ Duy Lệ, nhà văn Nguyễn Bá Thâm giúp cho đoàn làm phim "Mẹ Thu Bồn" khắc họa lại hình ảnh ấy qua những thước phim tài liệu vô giá, do Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) khởi quay năm 2012. Kịch bản phim của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, vừa từ biệt chúng ta cách đây vài năm, ngay sau khi "Mẹ Thu Bồn" hoàn tất thước phim cuối cùng. Trong phim "Mẹ Thu Bồn", hai diễn viên quần chúng tái hiện hình ảnh họa sĩ Hà Xuân Phong và cô gái gội đầu chải tóc bên bờ sông Trà Nô chính là họa sĩ Phan Chín, Phó Phòng Chương trình Đài PT-TH Quảng Nam và cô bé Lương Thị Thu Hương, quê xã Quế Thọ, học sinh lớp 10 Trường THPT Hiệp Đức. Tuy nhiên, từ ngày phim tài liệu "Mẹ Thu Bồn" quay xong đến nay, ngoài Phan Chín, không ai còn nhớ nữ diễn viên giữ vai cô gái trong tranh Hà Xuân Phong. Đến khi nhà văn Hồ Duy Lệ nhắc lại trong buổi gặp mặt, tôi thấy hơi tò mò và quyết định đi tìm cô gái ấy. Thật duyên khi anh Nguyễn Phước Niên, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT và Truyền thanh-Truyền hình H.Hiệp Đức cho biết Lương Thị Thu Hương là con gái anh Lương Công Thái, Bí thư Đảng ủy xã Quế Thọ.

Từ Trà Nô tôi về lại Quế Thọ gặp Thu Hương tại nhà riêng sau khi anh Lương Công Thái nhận cuộc điện thoại xin phép của tôi. Thu Hương kể: "Lúc bấy giờ em đang học lớp 10. Tình cờ một ngày, em được các chú mời làm diễn viên quần chúng phim "Mẹ Thu Bồn". Em rất vui và nhận lời. Được nhà trường đồng ý, em theo đoàn làm phim lên sông Trà Nô, thuộc xã Sông Trà, diễn lại cảnh cô gái gội đầu chải tóc bên bờ sông Trà Nô cho họa sĩ vẽ. Cảnh ấy quay đi quay lại vài lần mới được. Hôm ấy người đóng vai họa sĩ là ai em không biết nhưng em rất tự hào vì đó là phim nói về lịch sử H.Hiệp Đức quê em. Em rất tự hào khi được tham gia vai diễn này. Em mong muốn được xem bộ phim".

Thu Hương kể chuyện với tác giả về những ngày đóng phim "Mẹ Thu Bồn".   

Họa sĩ Phan Chín càng bất ngờ khi tôi kể về bạn diễn của anh. Thật tình sau khi "Mẹ Thu Bồn" hoàn tất, phát sóng thì mọi việc đâu vào đấy, anh cũng không đoái hoài chi chuyện làm diễn viên bất đắc dĩ. Điều anh quý nhất vì đó là một kỷ niệm khó quên nếu có ai đó gợi nhớ. Sau cuộc trò chuyện với tôi, về phòng làm việc Phan Chín lục lại mớ tài liệu thì bất ngờ tìm thấy những tấm ảnh do nhà văn Nguyễn Bá Thâm chụp lại cảnh phim trường trên sông Trà Nô. 

Thời gian rồi sẽ trôi đi. Câu chuyện này rồi sẽ đi vào lịch sử. Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại. Vẫn một nét thanh xuân, trong trẻo như giọt nước ngọn nguồn trôi chảy trên sông Trà Nô!

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT