Có gì trong "Kế hoạch Chiến thắng" của Tổng thống Ukraine?
Bản kế hoạch bao gồm 5 điểm chính thức và 3 điểm "bí mật" chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định. Đây sẽ là cầu nối hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga - ông Zelensky nói với các nhà lập pháp tại Kiev, khi ông đặt mục tiêu củng cố vị thế của Ukraine đủ để chấm dứt chiến tranh.
5 trọng điểm trong "Kế hoạch Chiến thắng"
Cốt lõi trong kế hoạch của Tổng thống Zelensky là mong muốn của Ukraine về việc có được lời mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vô điều kiện và ngay lập tức, và đây sẽ là tiền đề cho tư cách thành viên đầy đủ của NATO. "Chúng tôi hiểu rằng tư cách thành viên NATO là vấn đề của tương lai, không phải hiện tại. Nhưng với lời mời này, Nga có thể thấy rằng các tính toán địa - chính trị của họ đang thất bại", ông Zelensky nói.
Tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine là điểm chính thứ hai mà ông Zelensky đề xuất. Theo ông Zelensky, khả năng tự vệ của Ukraine phải được "tăng cường theo cách không thể đảo ngược". Ông gợi ý một số cách để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường năng lực phòng không, xóa bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga và tiếp tục các hoạt động quân sự của Ukraine trên lãnh thổ Nga.
Ông Zelensky cũng kêu gọi "các hoạt động phòng thủ chung với các nước láng giềng ở châu Âu để bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong phạm vi lá chắn không quân của các đối tác của chúng ta". Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tổng thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg đã từng dội gáo nước lạnh vào ý tưởng đó, nói rằng khối này sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Ông Zelensky nhắc lại trong bài phát biểu công bố kế hoạch rằng Ukraine sẽ không chấp nhận "đóng băng" hoặc nhượng bộ "trao đổi lãnh thổ hoặc chủ quyền của Ukraine".
Tổng thống Ukraine cho rằng, các đồng minh phương Tây của Ukraine nên răn đe Nga, nhằm ngăn chặn Nga khỏi bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai, bằng cách cho Moscow thấy rằng điều này sẽ gây ra hậu quả. Đây là điểm chính thứ ba trong "Kế hoạch Chiến thắng" của ông. "Ukraine đề xuất đặt trên lãnh thổ của mình một hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện, đủ sức bảo vệ Ukraine mọi mối đe dọa quân sự từ Nga", ông Zelensky nói. Ông lập luận rằng một biện pháp răn đe mạnh mẽ sẽ buộc Nga phải "tham gia một tiến trình ngoại giao trung thực để đưa chiến tranh đến hồi kết công bằng", nếu không sẽ chắc chắn thua trong cuộc chiến.
Trong điểm chính thứ tư, ông Zelensky đề xuất Ukraine ký kết một thỏa thuận với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác, cho phép đầu tư chung và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, mà ông Zelensky cho biết có giá trị hàng nghìn tỷ USD. Điều này giúp tăng cường tiềm lực kinh tế chiến lược. "Những nguồn tài nguyên này bao gồm uranium, titan, lithium, than chì và các tài nguyên có giá trị chiến lược khác", ông nói.
Trong điểm cuối của kế hoạch chiến thắng, ông Zelensky đề xuất rằng sau xung đột, lực lượng vũ trang của Ukraine có thể được sử dụng để tăng cường an ninh cho NATO và thay thế một số lực lượng Mỹ hiện đang đồn trú tại châu Âu. "Cùng với các đối tác, chúng ta phải thay đổi hoàn cảnh để xung đột chấm dứt. Bất kể Nga muốn gì. Tất cả chúng ta cần thay đổi hoàn cảnh để Nga buộc phải chấp nhận hòa bình", ông Zelensky nhấn mạnh.
Sự hoài nghi ở Ukraine
Theo tờ Kyiv Post, phản ứng của dư luận Ukraine và các nghị sĩ Quốc hội là bất ngờ xen lẫn hoài nghi. Lý do là vì "Kế hoạch chiến thắng" mà ông Zelensky trình bày chỉ toàn là những yêu cầu, đòi hỏi với các đồng minh phương Tây mà không nêu rõ các bước đi Kiev cần thực hiện. Một sĩ quan quân đội Ukraine giấu tên đặt câu hỏi: "Chuyện gì xảy ra nếu các đồng minh nói không với kế hoạch này? Dĩ nhiên nếu được hỗ trợ mạnh mẽ hơn thì là điều tốt nhưng còn phải xem quan điểm của phương Tây".
Theo sĩ quan giấu tên, "Kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky cho thấy Kiev phụ thuộc vào đồng minh và không có phương án mang tính chủ động. Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko, cũng đặt câu hỏi: "Chúng ta đang đổ trách nhiệm lên các đồng minh. Nhưng trách nhiệm của chính chúng ta là gì? Vai trò của chúng ta là gì khi đòi hỏi như vậy. Chúng ta đã giải quyết các vấn đề tồn đọng trong nội bộ hay chưa?". Nghị sĩ Viktoria Syumar bình luận: "Chúng ta nên củng cố sức mạnh nội tại, hướng tới một bộ máy chính phủ vận hành hiệu quả hơn trước khi mong đợi những bước đi mới từ đồng minh".
Một quan chức Ukraine thường có các chuyến công tác tới Mỹ và am hiểu tình hình chính trị trong nước, nói kế hoạch của ông Zelensky về cơ bản không được ủng hộ ở Mỹ. "Phe ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump và phe ủng hộ Tổng thống Joe Biden cơ bản đều chỉ trích kế hoạch vì nó không hướng tới việc chấm dứt xung đột, cũng không rõ hiệu quả cụ thể nếu thực hiện theo kế hoạch", quan chức Ukraine giấu tên nói. Các đồng minh phương Tây đặt câu hỏi vì sao Ukraine chỉ đòi hỏi điều này, điều kia nhưng không giải quyết các vướng mắc trong việc huy động binh sĩ, gia tăng ý chí chiến đấu hay mâu thuẫn trong quân đội, nhà bình luận chính trị Ukraine Yulia Zabelina viết trên Telegram.
Tổng thư ký NATO lên tiếng
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 16-10, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết NATO ghi nhận và sẽ thảo luận về "Kế hoạch Chiến thắng" của Ukraine. Ông Rutte cho rằng rõ ràng, đây là một tín hiệu mạnh mẽ từ Tổng thống Zelensky và đội ngũ của mình. Theo ông Rutte, có rất nhiều điểm NATO sẽ phải nghiên cứu sâu hơn, hiểu rõ những gì đằng sau nó, nhưng việc này sẽ diễn ra sau cánh cửa đóng kín và với các đồng minh. Ông Rutte cũng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là NATO không hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong việc đảm bảo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đạt được mục đích của mình và rằng Kiev sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này với Moscow. NATO đã và đang thảo luận với các đồng minh, đồng thời sẽ đưa "Kế hoạch Chiến thắng" của Ukraine lên bàn cuộc họp giữa Ukraine và NATO vào tối 17-10 với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng.
Phản ứng của Nga
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ "Kế hoạch Chiến thắng" do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất. Bà Zakharova tuyên bố rằng 5 điểm trong "Kế hoạch Chiến thắng" của ông Zelensky không gì khác hơn là "một loạt các khẩu hiệu không mạch lạc". Bà Zakharova cũng đặt câu hỏi về ý định tăng cường phòng thủ của Ukraine bằng "các hoạt động có mục tiêu tại những địa điểm cụ thể". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hoài nghi tại sao nhà lãnh đạo Ukraine lại tránh nêu tên các địa điểm. Bà cho hay Kiev đã "đẩy các thành viên NATO vào cuộc xung đột trực tiếp" với Nga bằng cách khăng khăng xin phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. "Xét về tổng thể, tất cả những điểm trên và những điểm phụ bí mật đó không phải là kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky. Đây là kế hoạch gây bất hạnh cho Ukraine và người dân nước này", bà Zarakhova nói.
Trước đó, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố kế hoạch của ông Zelensky không gì khác hơn là một lộ trình cho việc tiếp tục cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông nhấn mạnh cách duy nhất để đạt được hòa bình là nhà lãnh đạo Ukraine phải tỉnh táo và suy ngẫm về những nguyên nhân dẫn đến xung đột Ukraine.
AN BÌNH