Báo Công An Đà Nẵng

Cô giáo gần 20 năm “cắm đỉnh” Hà Peo

Thứ ba, 03/03/2015 10:56

(Cadn.com.vn) - Hơn 19 năm trước, khi huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) vừa mới tách lập, cô giáo trẻ Đoàn Thị Bích Nguyệt (Trường Tiểu học Sơn Liên, xã Sơn Liên, H. Sơn Tây) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ tình nguyện lên đỉnh núi Hà Peo dạy học. Sau bao năm, giữa tột cùng khó khăn, cô giáo trẻ vẫn miệt mài dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Cô Nguyệt nắn nót từng nét bút, con chữ cho học sinh. 

Quyết tâm theo nghề

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến điểm trường đứng chân trên đỉnh Hà Peo, tiếng cô giáo trầm ấm giảng bài, nhẹ nhàng đến từng bàn giảng giải cho học sinh. Đợi lớp học kết thúc, cô mới tranh thủ thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Theo lời giới thiệu của thầy giáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên, 20 năm giảng dạy ở miền núi H. Sơn Tây, cô giáo Đoàn Thị Bích Nguyệt không chỉ là giáo viên đầy nhiệt huyết với nghề mà còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là một đảng viên điển hình trong ngành giáo dục Sơn Tây.

Ngồi bên mái hiên trường, dưới những cơn mưa, giá lạnh giăng buốt, cô xúc động kể về những kỷ niệm khi vừa mới lên vùng núi H. Sơn Tây nhận công tác. Năm 1994, khi H. Sơn Tây được thành lập, ngành giáo dục huyện tổ chức tuyển giáo viên cắm bản, cô là một trong số 60 giáo viên đầu tiên nhận được vinh dự này. Ngày cô xếp hành lý lên đường vào đỉnh Hà Peo dạy học, bố mẹ ra sức ngăn cản nhưng cô vẫn quyết thực hiện ước mơ trở thành một người giáo viên đã ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhớ lại điều này, cô tâm sự: “Ngày còn nhỏ mình mơ ước được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng nên những năm học từ tiểu học đến trung học cơ sở mình luôn cố gắng học thật tốt. Nhưng rồi vào học lớp 10 được 3 tháng, gia đình khó khăn nên phải nghỉ học. Một hôm ba đi công tác ở H. Sơn Hà về bảo ngành giáo dục Sơn Tây tuyển giáo viên cắm bản. Lúc đó, mình hăng hái làm hồ sơ gửi ba mang đi nộp. Vài tuần sau, mình có thư mời tham gia lớp học nghiệp vụ sư phạm cấp tốc tại Chi cục Thuế H. Sơn Hà. Học xong, mình về chào ba mẹ đi để lên đường. Nghe vậy, mẹ ôm mình khóc. Mẹ bảo phận con gái lên non vất vả, nguy hiểm. Nhưng ước mơ làm cô giáo đã thúc giục mình đến với con em đồng bào dân tộc đang khao khát học chữ”.

Ngày cô lên trường, hành lý mang theo chỉ vài bộ quần áo, đôi dép cùng một bao khoai lang khô, vài cân gạo và ít sách vở chuẩn bị cho những tháng ngày “ăn rừng ngủ núi”. Cô chia sẻ: Những ngày đầu lên non dạy học là những chuỗi ngày muôn vàn gian khổ nhưng được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng nghiệp, của bà con dân bản đã níu kéo bước chân mình ở lại dạy học gần 20 năm qua”.

Ngôi làng Tập đoàn 13 xóm ông Lợi nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi cao nơi cô giáo Đoàn Thị Bích Nguyệt công tác từ nhiều năm qua.

Một giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”

Không chỉ biết dấn thân đến với vùng đất nghèo khó, trong gần 20 năm công tác ở vùng cao huyện miền núi Sơn Tây, cô Nguyệt luôn thể hiện vai trò của một giáo viên dạy giỏi, tận tụy với công việc, hết lòng thương yêu học sinh. Chính điều đó đã giúp cô vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tuổi đời còn rất trẻ, thành quả phấn đấu lao động trong ngành giáo dục không phải giáo viên nào cũng có thể làm được.

Tự hào kể về cô Đoàn Thị Bích Nguyệt, thầy Nguyễn Ngọc Huề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên cho biết, cô Nguyệt là giáo viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác, sống rất hòa đồng, điềm đạm, hòa nhã với đồng nghiệp, người dân địa phương. Trong suốt thời gian công tác, cô luôn thể hiện là một giáo viên có trách nhiệm với nghề, biết điểm yếu của mình để vươn lên và trở thành giáo viên dạy giỏi. Về kinh nghiệm, chuyên môn dạy học thì cô là một trong những giáo viên vững vàng nhất trường.

Còn ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng GD&ĐT H. Sơn Tây nhận xét: “Cô Nguyệt là người đầu tiên ở Sơn Tây khi nhận công tác là lao ngay vào học tiếng Ca Dong và thích nghi nhanh chóng với người địa phương cũng như học trò. Nhờ đó, nhiều phụ huynh sau khi được cô Nguyệt giải thích cặn kẽ bằng tiếng Ca Dong đã động viên và đưa con ra lớp. Những nơi khó khăn như Sơn Liên có được một giáo viên như cô Nguyệt là rất đáng mừng và quý giá. Cô Nguyệt là điển hình tiên tiến trong việc cải cách phương pháp dạy và học”.

Sau gần 20 năm “cắm đỉnh” Hà Peo, cô giáo Đoàn Thị Bích Nguyệt vẫn còn đau đáu ý nguyện cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, ngày đêm kiên trì “bám làng, bám lớp” dạy học, quyết mang con chữ về với con em bản làng dân tộc Ca Dong còn lắm nghèo khó này.

Đại Khải