Báo Công An Đà Nẵng

Cô giáo tận tâm với học sinh khuyết tật

Thứ hai, 11/02/2019 09:51

Ở trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) ai cũng thán phục lòng kiên nhẫn, sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh khuyết tật của cô giáo Mai Thị Diệu Hiền.

Cô giáo Diệu Hiền bên các trẻ khuyết tật ở lớp Sao Mai. 

Trái tim nhà giáo

Sinh ra trong một gia đình nho giáo ở P. Kim Long (TT Huế) từ nhỏ Hiền đã bộc lộ bản tính nết na, hiền dịu, có lòng yêu thương con người, biết quan tâm đến người khác, biết chia sẻ nỗi đau, sự bất hạnh của những trẻ em không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể ở trong xóm, thôn. Thế rồi, tình thương yêu con trẻ đã thôi thúc Hiền quyết tâm ôn thi vào ngành sư phạm. Năm 1992 Hiền tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Mầm non và tham gia dạy lớp Mầm non do chùa Đức Sơn mở  ở xã Hương Thọ (TX Hương Trà). Năm 2005 cô chuyển về trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn ở thôn Cư Chánh và phụ trách lớp trẻ khuyết tật ở đây cho đến hôm nay.

Hằng ngày, bất kể thời tiết nắng mưa hay giông tố, bão bùng, đúng 6 giờ 30, cô có mặt ở trung tâm để chăm sóc, nuôi dạy các em khuyết tật cho đến 5 giờ chiều. Công việc nuôi dạy trẻ đã là khó, huống hồ nuôi dạy trẻ khuyết tật lại càng khó khăn gấp nhiều lần, đầy cam go, phức tạp, đòi hỏi cô giáo phải thật sự như mẹ hiền, hết lòng thương yêu, quan tâm, chăm sóc các cháu như con đẻ của mình từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, học hành cho đến việc rèn luyện, uốn nắn những hành vi lệch lạc của các em diễn ra trong đời sống thường nhật. Trẻ khuyết tật là những trẻ không bình thường, hay biểu lộ những hành vi khác thường, vượt ngoài khả năng dự đoán của các nhà sư phạm như: hay la hét, khóc rên, cào cấu, đập phá, quấy rầy… Do đó, cô giáo phải có đầy đủ các kỹ năng nuôi dạy trẻ cần thiết, kỹ năng thích nghi, chung sống với người tâm thần, kỹ năng chịu đựng tiếng ồn. Bên cạnh đó là lòng kiên trì, nhẫn nại, tình thương yêu các em như con cháu ruột thịt trong nhà, mà người dân địa phương thường quen gọi là "tấm lòng Bồ tát" thì mới làm được. Cô giáo Mai Thị Diệu Hiền là một con người như thế. Suốt 14 năm qua, với cương vị là người thầy, người mẹ, người chị, người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi với các em, luôn dõi theo từng bước đi, sự trưởng thành, tiến bộ cho dù là nhỏ nhất của các em khuyết tật.

Em Cù Thiện Hoàng (22 tuổi) bị đa khuyết tật, bại não, mọi sinh hoạt của em đều diễn ra trên chiếc xe lăn.

Duyên nợ với trẻ mồ côi

Lớp Sao Mai hiện có 15 em khuyết tật từ 9-27 tuổi, có em đến với trung tâm từ khi mới lọt lòng mẹ. Điển hình, em Lê Đăng Kiệt (11 tuổi) bị mù vĩnh viễn. Kiệt bị bỏ rơi ở một ngôi nhà hoang ở tỉnh Quảng Bình lúc mới vài ngày tuổi. Em Cù Thiện Hoàng (22 tuổi) bị đa khuyết tật, bại não, mọi sinh hoạt của em đều diễn ra trên chiếc xe lăn suốt 22 năm nay; em Kiều Thiện Nhung (27 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ, Nhung đi lang thang xin ăn trong khuôn viên bệnh viện Trung ương Huế và được một sư thầy đem về trung tâm cách đây 15 năm trước. Các em Bùi Quốc Bình, Võ Đức Hòa bị bệnh thần kinh nên tính khí thất thường, khó bảo, khó dạy, suốt ngày chỉ ngồi trên chiếc xích đu, ít nói ít cười, mỗi khi thời tiết thay đổi thì các em có những hành vi đập phá, la hét, khóc than sầu thảm làm náo loạn cả trung tâm.

Cô giáo Hiền tâm sự: "Công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật không bao giờ có "mẫu số chung", bởi các cháu luôn có những hành vi bất thường, tính khí đổi thay khó đoán. Bằng lương tâm, trách nhiệm, sự kiên trì nhẫn nại, tình thương và cả tấm lòng bao dung, độ lượng mới gắn bó được lâu dài với các em".

Hỏi về ấn tượng đáng nhớ nhất trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật ở đây, cô Diệu Hiền chia sẻ: "Cách đây mấy hôm khi thời tiết lên tới 35-36 độ, em Bùi Quốc Bình bị động kinh, lên cơn rượt đuổi, đánh các bạn trong lớp, khi tôi chạy vào can ngăn thì bị Bình đuổi đánh luôn cả cô giáo, những ngày sau đó khi tôi vừa đến lớp, em Bình vội vã chạy đến ôm tôi rồi vuốt ve, gục đầu vào tay tôi như đang tìm kiếm tình thương, hơi ấm của người mẹ vậy. Những lúc ấy tôi cảm động vô cùng và càng thấy yêu thương các cháu nhiều hơn".

Cũng theo cô Hiền, trong số 15 em khuyết tật ở đây, có em Phan Cù Thiện Nhơn (22 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ, qua sự rèn luyện, uốn nắn, chỉ bảo của cô hàng ngày, hiện Nhơn đã tiến bộ nhất trong lớp Sao Mai, em đã biết phụ giúp việc chùa như làm hương, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là em đã biết đọc, biết viết thành thạo, biết làm toán như học sinh lớp 4 ở ngoài đời.

Được biết, chồng cô Hiền là thợ mộc, cô có 3 người con, đứa con út đang học mẫu giáo, thu nhập từ công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật của cô tuy còn khiêm tốn ( khoảng 3 triệu đồng/ tháng) nhưng cô chưa một lần đắn đo, suy nghĩ, toan tính thiệt hơn. Bởi, cô đã gắn bó với các em khuyết tật như là duyên nợ. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, non nớt và cả sự thiệt thòi về tình thương của các em là động lực thôi thúc cô vượt qua bao nhọc nhằn, lam lũ của công việc và cuộc sống thường nhật để tiếp tục gắn bó dài lâu với các em. Trong giọng nói, phát âm không chuẩn, cháu Cù Thiện Hồng Sơn (15 tuổi) bị bại não,  thỏ thẻ với cô Hiền: "Con iêu cô nhìu…ắm", cô Hiền đã rơi lệ vì câu nói của Sơn đã làm cô cảm thấy hạnh phúc vô ngần!

Ni sư Thích Nữ Minh Tú - trụ trì chùa Đức Sơn, nhận xét: "Cô giáo Mai Thị Diệu Hiền thực sự xứng đáng là người mẹ hiền của 15 cháu khuyết tật ở cô nhi viện chúng tôi. Chỉ có tình thương và tình thương mẫu tử đã giúp cô trở thành người gắn bó lâu năm nhất với các cháu khuyết tật ở trung tâm. Chúng tôi tán thưởng công đức vô lượng và hạnh nguyện xả thân cứu người hoạn nạn, tật nguyền của cô Hiền".

VÕ VĂN DẦN