Có hay không việc "tận thu" trái phép hàng triệu mét khối đất cao lanh?
(Cadn.com.vn) - Được một đơn vị nhà nước hợp đồng san ủi mặt bằng để trồng cây xanh, thế nhưng Cty TNHH Phan Ngọc Anh (xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đã đào múc "tận thu" hàng triệu mét khối đất để sản xuất gạch bán ra bên ngoài. Việc làm trên của Cty này có đúng quy định pháp luật hay không, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu.
Theo phản ánh của người dân, từ năm 2015 đến nay, sau khi được một đơn vị nhà nước hợp đồng san ủi mặt bằng khu vực sân bay cũ giáp ranh giữa hai xã Duy Thu và Duy Phú (H. Duy Xuyên), Cty Phan Ngọc Anh ngày đêm cho xe múc đào bới hàng chục héc-ta đất cao lanh với khối lượng hàng triệu khối đưa về tập kết ngay trong Xí nghiệp sản xuất gạch của Cty tại xã Duy Thu. Việc làm trên không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Để hiểu rõ hơn thực trạng trên, P.V đã liên hệ làm việc với ông Phan Ngọc Anh - Giám đốc Cty, tuy nhiên ông Anh nói bận việc. Trả lời qua điện thoại, ông Anh cho rằng việc san ủi mặt bằng trên được phép tận thu đất sét và đã thông qua đơn vị quản lý về tài nguyên khoáng sản của tỉnh là Sở TN&MT. Tuy nhiên, trao đổi với P.V, đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng Sở không thụ lý hồ sơ liên quan giữa hợp đồng mà Cty Phan Ngọc Anh ký kết, do vậy không nắm rõ được thông tin vụ việc trên. Đồng thời, trả lời thêm câu hỏi của P.V về những quy định khai thác khoáng sản tận thu để làm vật liệu xây dựng, đại diện Sở TN&MT Quảng Nam cho rằng tại khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản quy định rõ: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khi khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó...
Hàng chục héc-ta đất bị múc để lấy đất nguyên liệu làm gạch tạo nên những hố sâu. |
Như vậy có thể thấy, sản phẩm khai thác ở đây được Cty Phan Ngọc Anh làm nguyên liệu sản xuất cho Cty mình chứ không phải phục vụ cho dự án đó. Cũng theo quy định này, trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản thì những tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo tìm hiểu của P.V được biết, ngoài Cty Phan Ngọc Anh, tại khu vực trên còn có nhiều đơn vị khai thác cũng tận thu đất sét với khối lượng lớn như Cty TNHH Bàn Sơn... Thiết nghĩ, để rộng đường dư luận, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và đơn vị liên quan cần sớm kiểm tra có hay không việc vi phạm luật Khoáng sản ở đây. Qua đó có biện pháp xử lý, tránh gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia.
Đất được chở đổ về nơi tập kết với số lượng hàng trăm khối/ngày. |
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Sở TN&MT tỉnh về siết chặt hoạt động khoáng sản diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang lưu ý phải sớm khắc phục các kẽ hở để không cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái quy định dưới các hình thức cải tạo đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại kết hợp tận thu đất sét, đất san lấp làm nguyên liệu; chỉnh trị dòng chảy, lấy nước chống hạn... "Đối với các nhà máy sản xuất gạch, ngói đã xây dựng phải xác định có nguồn nguyên liệu hợp pháp chậm nhất đến hết năm 2016, bắt đầu tháng 1-2017 nhà máy nào không có nguồn nguyên liệu hợp pháp sẽ chấm dứt hoạt động. Đối với các nhà máy xin xây dựng mới phải xác định nguồn nguyên liệu mới cho phép xây dựng. Nghiên cứu, đề xuất thiết lập đường dây nóng cung cấp thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, có cơ chế thưởng cho người cung cấp thông tin chính xác" - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.
Cũng liên quan đến Cty Phan Ngọc Anh, tháng 5-2015 Báo Công an TP Đà Nẵng cũng đã phản ánh khu "trang trại" của ông Phan Ngọc Anh đóng tại xã Duy Thu ngang nhiên khai thác đá trái phép với khối lượng lớn đưa đi tiêu thụ. Mặc dù tình trạng này diễn ra công khai nhưng chính quyền và cơ quan chức năng sở tại "không hề hay biết".
Bão Bình