Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội cho cơ khí Đà Nẵng trong cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ sáu, 29/04/2022 18:18
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tham quan sản phẩm do Nhà máy linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine sản xuất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Nhiều hạn chế, khó khăn

Tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến cuối năm 2020, TP có khoảng 710 doanh nghiệp cơ khí, chiếm 36,9% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp TP, giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 14.300 lao động. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp trong ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn với 655/710 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 92,2%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2020, TP Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp cơ khí có quy mô như: Nhà máy Tokyo Keiki sản xuất thiết bị thủy lực (vốn đầu tư 40 triệu USD), Nhà máy Niwwa Foundry sản xuất linh kiện trong các bộ phận thủy lực và cơ khí chính xác cao (vốn đầu tư 30 triệu USD), Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (vốn đầu tư 170 triệu USD), v.v... Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí TP có sự gia tăng dần từ năm 2011 đến năm 2018, nhưng trong 3 ngần đây (2019-2021) lại sụt giảm do ảnh hưởng từ hoạt động không ổn định của 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý, và nhất là do tác động của đại dịch COVD-19.

Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Tranh - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Đà Nẵng, ngành cơ khí TP vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, về tổng thể ngành cơ khí TP vẫn là ngành công nghiệp chế tạo còn lạc hậu, đơn giản, trình độ kỹ thuật và máy móc được đánh giá là tụt hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực. Doanh nghiệp cơ khí TP hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức; sức cạnh tranh yếu cả về thị trường, trình độ khoa học công nghệ, nguyên vật liệu... Thực tế hiện nay là các doanh nghiệp cơ khí TP vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

Các dự án lớn về xây dựng, giao thông, dầu khí, đóng tàu… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí ngoại nhập hoặc do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đảm nhận. "Đa phần các doanh nghiệp cơ khí TP có quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ trung bình, chưa khẳng định được năng lực trên thị trường cạnh tranh, chậm đổi mới kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất cơ khí, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chí phí sản xuất cao…", ông Châu Thanh Nam - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng), đánh giá thêm. Bên cạnh đó, theo ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, số lượng những doanh nghiệp cơ khí còn tồn tại ở Đà Nẵng có thể trụ vững và vươn lên được thì rất ít, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ, thu hẹp dần sản xuất thì rất nhiều.

Sản xuất ống dẫn nước áp lực dùng trong các dự án thủy điện tại Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (TP Đà Nẵng).

Thích ứng và cơ hội

Theo Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Đà Nẵng Nguyễn Thế Tranh, cuộc CMCN 4.0 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành cơ khí nước ta nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng khắc phục được các hạn chế và vượt qua khó khăn. Nó cho phép doanh nghiệp cơ khí tiếp cận nhanh nhạy thông tin, tri thức, các công nghệ tiên tiến, v.v…; giúp doanh nghiệp cơ khí giảm mạnh chi phí sản xuất, chế tạo và tăng khả năng ứng dụng rô-bốt, công nghệ đắp dần (in 3D) thay thế công nghệ cắt gọt truyền thống cũng như nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng suất, sản xuất được những sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường…

Để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Thế Tranh cho rằng, doanh nghiệp cơ khí TP phải rà soát và xây dựng sản phẩm trọng tâm có triển vọng phát triển, xác định các công việc có thể rô-bốt hóa trong tương lai như các công nghiệp đơn giản, có tính lặp đi lặp lại, ít sáng tạo, mất vệ sinh hoặc nguy hiểm, v.v... Bên cạnh đó, dần hiện đại hóa dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa, có lộ trình trang bị các máy móc thiết bị tự động dễ kết nối; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là số hóa hệ thống sản xuất, quản lý sản xuất theo hướng tính gọn. Ngoài ra, cần phát huy tính liên kết, kết nối vệ tinh để tạo sự phát triển bền vững cho ngành cơ khí.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Thị Thúy Mai, cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí TP thích ứng và chủ động trong cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí TP phát triển, Sở Công Thương TP sẽ tham mưu UBND TP quy hoạch bố trí các dự án cơ khí sử dụng công nghệ cao (cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác) đươc tập trung vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, các dự án cơ khí khác được bố trí vào các khu công nghiệp: Hòa Khánh, Hòa Cầm, Liên Chiểu, v.v…; tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ Công Thương sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, Sở Công Thương TP sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp và kết nối công nghiệp hỗ trợ để kết nối các doanh nghiệp cơ khí, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp TP; xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể trong lĩnh vực công nghiệp... Ông Châu Thanh Nam - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng), khuyến nghị thêm: trong bối cảnh CMCN 4.0, doanh nghiệp cơ khí TP cần chủ động, "đi trước đón đầu". Doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội của cuộc CMCN 4.0 thì sẽ phát triển nhanh về phía trước, ngược lại, nếu không thay đổi, nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ thì doanh nghiệp đó sẽ khó tồn tại và phát triển…

PHÚ NAM