Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội cho hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Thứ bảy, 21/04/2018 12:31

Hàn Quốc và Triều Tiên, vốn đang chuẩn bị cho các bước đi đến hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tuần tới, đang thảo luận về một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, để chính thức chấm dứt trạng thái chiến tranh đã kéo dài về mặt kỹ thuật giữa hai nước kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên.   Ảnh: AP

Trên thực tế, Hàn Quốc và lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên vì cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên vốn kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp định hòa bình. Hai bên có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến. Mỹ vẫn duy trì số lượng lớn quân đội tại Hàn Quốc để ngăn chặn việc Triều Tiên tấn công quốc gia láng giềng một lần nữa. Đây là điều khiến Bình Nhưỡng “không thể chấp nhận”.

Khó khăn chồng chất

Vào năm 1953, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã từ chối ký hiệp định đình chiến vì cho rằng, điều này sẽ chia rẽ bán đảo Triều Tiên. Chỉ có Triều Tiên, Bộ Tư lệnh LHQ do Mỹ đứng đầu và chỉ huy các tình nguyện viên của Trung Quốc tham gia ký kết. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm. Vì vậy, Triều Tiên từ trước đến nay đã khẳng định rằng nó sẽ chỉ đàm phán về một hiệp định hòa bình với Mỹ.

Thật ra, ý tưởng về hiệp định hòa bình chính thức như thế này không phải là điều mới mẻ. Nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên và là người sáng lập nước này, ông Kim Nhật Thành cũng đã đưa ra ý tưởng về một hiệp định hòa bình với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong những năm 1970. Hàn - Triều cũng nhiều lần thảo luận nghiêm túc về ý tưởng này. Năm 1992, hai bên nhất trí “cùng nhau nỗ lực để chuyển đổi trạng thái chiến sự thành trạng thái hòa bình”. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối cùng vào tháng 10-2007 đã kết thúc với tuyên bố của hai miền Triều Tiên về việc “công nhận sự cần thiết phải chấm dứt chế độ đình chiến hiện nay và xây dựng một chế độ hòa bình vĩnh viễn”.

Hôm 19-4, một phát ngôn viên của Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này đang tìm cách xây dựng hiệp định hòa bình trên nền tảng của năm 2007. Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nói rằng, Seoul cần chấm dứt hệ thống đình chiến vốn đã kéo dài suốt 65 năm qua, để ký một hiệp định hòa bình sau khi tuyên bố chấm dứt chiến tranh.           

Có hay không có “thỏa thuận mới”?

Nhưng tất nhiên, vấn đề này cũng khó có thể được giải quyết chỉ trong một hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hơn nữa, cho đến nay, cả giới chức Hàn Quốc lẫn Mỹ đều không xác nhận sẽ có một thỏa thuận mới nào.

 “Phi hạt nhân hóa và hiệp định hòa bình là hai mặt của một đồng tiền, vì vậy Hàn Quốc sẽ nêu cả hai vấn đề trong tuần tới”, ông Shin Beom-chul, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Châu Á ở Seoul nói. Theo ông này, vấn đề đặt ra là bảo đảm an ninh - vốn là chìa khóa của một hiệp định hòa bình - những gì mà Triều Tiên cần là phụ thuộc vào Mỹ, chứ không phải Hàn Quốc. “Chúng ta có thể nghĩ về một kịch bản mà theo đó hai miền Triều Tiên đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng rằng, cuộc chiến của họ đã kết thúc, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy cũng sẽ không chính thức cho đến khi Mỹ nhất trí”, chuyên gia này nói thêm.

Tại Seoul, các tuyên bố gần đây của chính phủ thường nhảy múa xung quanh thuật ngữ “hiệp định hòa bình”. Trong khi Triều Tiên lâu nay vẫn đưa ra điều kiện tiên quyết là yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc, có dấu hiệu cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể linh hoạt về điều đó, mặc dù Trung Quốc cũng lo ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Trong động thái gây bất ngờ từ Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Bình Nhưỡng bày tỏ mong muốn “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên mà không đi kèm các điều kiện tiên quyết như việc Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. Phát biểu với báo giới, ông Moon cho biết Triều Tiên “không đính kèm bất kỳ điều kiện nào mà Mỹ không thể chấp nhận, chẳng hạn như việc Washington phải rút quân khỏi Hàn Quốc. “Tất cả những gì họ đang thể hiện là yêu cầu chấm dứt các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, tiếp sau đó là sự đảm bảo an ninh”, ông nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng gây bất ngờ vì không phản đối các cuộc diễn tập quân sự gần đây giữa Mỹ - Hàn. Cựu Chủ tịch Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã từng nói với người đồng cấp Hàn Quốc rằng, Bình Nhưỡng có thể chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ nếu vai trò của họ thay đổi hoàn toàn là gìn giữ hòa bình.

Những động thái này làm dấy lên những hy vọng về một hiệp định hòa bình như mong đợi bấy lâu nay trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cảnh báo, Triều Tiên có thể sử dụng hiệp định hòa bình như một cách để chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn. “Đó là một cái bẫy”, Michael Rubin thuộc Viện tư duy bảo thủ của Mỹ nhận định. “Hãy hy vọng ông Trump không rơi vào cái bẫy đó”, chuyên gia này nhấn mạnh. Viện Hòa bình của chính phủ Mỹ đã kết luận trong một báo cáo năm 2003 rằng, một thỏa thuận hiệu quả sẽ cần phải có chữ ký giữa Mỹ, Trung Quốc và cả hai miền Triều Tiên. Một thỏa thuận sẽ bao gồm các điều kiện chấm dứt các hành động thù địch và bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều, công nhận chủ quyền của cả hai miền Triều Tiên, cắt giảm vũ khí và thanh tra vũ khí hạt nhân và bảo đảm an ninh của Mỹ và Trung Quốc cho cả hai miền Triều Tiên.

KHẢ ANH

Hàn - Triều lập đường dây nóng

Hàn - Triều ngày 20-4 thiết lập đường dây điện thoại giữa các nhà lãnh đạo hai nước, giúp họ có thể đối thoại trực tiếp và giảm căng thẳng.

Theo Yonhap, đường dây nóng này nối Phủ tổng thống Hàn Quốc và văn phòng của Ủy ban Quốc vụ của Triều Tiên. Nhiều quan chức của Phủ tổng thống Hàn Quốc khẳng định liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo này có thể góp phần giảm hơn nữa tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ghi nhận rằng nhiều vụ xung đột liên Triều trước đây có thể một phần là do hiểu lầm hoặc thiếu liên lạc giữa hai bên.