Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội cuối cùng cho Hy Lạp

Thứ tư, 08/07/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Khi trò chơi gay cấn cho số phận của Hy Lạp đang đi đến hồi kết, nếu không có “một phép mầu”, Athens dường như chắc chắn sẽ phải rời Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone).

Sau khi cử tri Hy Lạp “gây tiếng vang” lớn bằng việc nói “không” với các điều khoản thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế, Athens đang đứng trước cơ hội cuối cùng để ở lại Eurozone khi Thủ tướng Alexis Tsipras dự kiến sẽ đưa ra những đề xuất mới tại một Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp khu vực, diễn ra vào tối 7-7 (ngày 8-7, giờ Việt Nam), tại Brussels, Bỉ.

Thủ tướng Alexis Tsipras đang đứng trước cơ hội “làm lành” với Eurozone. Ảnh: AP

Ngân hàng thiếu tiền nghiêm trọng

Khi các ngân hàng Hy Lạp đang thiếu tiền nghiêm trọng và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) từ từ thắt chặt thòng lọng vào nguồn vốn của nước này, Thủ tướng Tsipras phải thuyết phục 18 nhà lãnh đạo khác của khối mở các cuộc đàm phán khẩn cấp về một gói cứu trợ mới để cứu “xứ sở thần tiên”. Ông Tsipras liên tục điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo các nước cũng như giới lãnh đạo ECB, IMF, EU… Nhưng điều người ta lo ngại là ông vẫn chưa cho thấy bất kỳ nhượng bộ nào.

Tình hình càng thật sự rối ren khi ECB quyết định không mở rộng chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp, theo đó giữ nguyên ở mức khoảng 89 tỷ EUR. ECB muốn các ngân hàng nước này phải thế chấp nhiều tài sản hơn để có những khoản vay khẩn cấp. Theo kế hoạch, các ngân hàng lớn tại Hy Lạp sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay khẩn này nhưng thời điểm sớm nhất mà các ngân hàng có thể mở cửa trở lại là vào ngày mai (9-7). Vấn đề đặt ra là các ngân hàng sắp cạn tiền mặt và nếu không được ECB bơm tiền, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp sẽ đổ sụp.

Chờ kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Eurozone

Dù tình hình Hy Lạp rất phức tạp, dù tỏ rõ thái độ khá cứng rắn và quyết tâm không nhượng bộ, nhưng Reuters dẫn lời giới phân tích cho rằng, các nước Eurozone chắc chắn vẫn dành cho Hy Lạp cơ hội cuối cùng trình bày kế hoạch cải cách mới vào tối 7-7, trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh Eurozone.

Ngày 7-7, trong tuyên bố sau cuộc gặp song phương kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, cánh cửa vẫn còn mở cho một thỏa thuận để cứu Hy Lạp chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và phải từ bỏ đồng EUR. Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của giới lãnh đạo hai quốc gia được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ Châu Âu trên con đường tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng “hậu trưng cầu dân ý”.

Tuyên bố này rõ ràng mở rộng cơ hội cho một thỏa thuận được ký kết giữa Hy Lạp và Eurozone nhằm giữ chân Athens ở lại liên minh tiền tệ này. Tuy nhiên, “bà đầm thép” Merkel đang đối mặt với áp lực ngày càng  tăng ở trong nước về việc buộc “phải cắt rời khối u Hy Lạp”. Thực tế, nhiều quan chức tham gia bàn đàm phán cho biết, Eurozone không sẵn sàng nhượng bộ.

Trong khoảng 2 tuần nữa, Hy Lạp sẽ phải thanh toán khoản tiền nợ trái phiếu trị giá 3,5 tỷ EUR cho ECB trong bối cảnh vẫn chưa thể trả 1,6 tỷ EUR cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu Ngân hàng Hy Lạp hết tiền và nước này phải in đồng tiền riêng, điều này có thể dẫn đến tình trạng đồng EUR bị bỏ rơi, lần đầu tiên kể từ khi nó được tung ra vào năm 1999. Động thái này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm gia tăng những nghi ngại về khả năng tồn tại lâu dài của một liên minh tiền tệ Châu Âu không đầy đủ.

“Thậm chí nếu nó không gây ra hiệu ứng domino ngắn hạn, sự toàn vẹn của Eurozone sẽ bị đe dọa với mỗi tập phim của sự bất ổn chính trị trong các nước thành viên”, Thibault Mercier, một nhà phân tích tại BNP Paribas cho biết.

Khả Anh