Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội hòa giải cho Mỹ - Triều

Thứ năm, 17/08/2017 14:15

Trung Quốc ngày 16-8 thúc giục Mỹ và Triều Tiên “hãm phanh” những lời đe dọa nhằm vào nhau và tiến đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Việc Mỹ- Hàn tập trận vào tuần tới có thể khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang trở lại. Trong ảnh: Mỹ-Hàn trong một cuộc tập trận hồi tháng 4.

Tuyên bố mang tính chất hòa giải lần này của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang hạ nhiệt dần dần. Ngày 16-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un vì hoãn quyết định tấn công vùng lãnh thổ Guam và ngừng leo thang căng thẳng giữa 2 nước. Theo Reuters, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định: “Ông Kim Jong-Un đưa ra quyết định rất khôn ngoan và hợp lý. Lựa chọn khác sẽ là thảm họa và không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố này cũng được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford khẳng định, việc Trung Quốc tăng áp lực lên Triều Tiên là yêu cầu ngày càng cấp bách và Mỹ có quyết tâm sử dụng toàn bộ khả năng quân sự để bảo vệ mình và các đồng minh. Ngoài ra, ông Dunford nói với một sĩ quan quân đội cấp cao của Trung Quốc rằng, các chương trình vũ khí của Triều Tiên đe dọa toàn bộ cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Dù cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều đang có dấu hiệu hạ nhiệt, căng thẳng vẫn hiện hữu ở Hàn Quốc, nơi mà một đảng chính trị bảo thủ kêu gọi Washington đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật lên bán đảo Triều Tiên. Theo Yonhap, đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính ngày 16-8 đã thông qua việc lấy yêu cầu về tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ làm chủ trương chính thức của đảng này.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của các nghị sĩ thuộc chính đảng theo đường lối bảo thủ này, chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo của nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ cầm quyền Woo Won-shik công bố lập trường phản đối việc tái triển khai nói trên, cho rằng, hành động này sẽ như là ngầm thừa nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh CBS, ông Woo cũng cảnh báo, việc tái triển khai như vậy có thể chọc giận Trung Quốc và Nga, châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á và như vậy sẽ gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên.

Tiếp sau loạt hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đảng Hàn Quốc Tự do gia tăng sức ép lên chính phủ theo đường lối tự do nhằm khởi động các cuộc thảo luận với Washington về việc tái triển khai nói trên để thiết lập “thế cân bằng về sức mạnh hạt nhân” với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Woo cho rằng, đòi hỏi trên chỉ có lợi cho Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các đảng đối lập ngừng các động thái chính trị có thể làm giảm khả năng thương lượng của Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán tương lai với Triều Tiên.

Căng thẳng Mỹ-Triều gia tăng sau nghị quyết gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng của LHQ. Triều Tiên sau đó dọa phóng tên lửa đến khu vực gần đảo Guam của Mỹ. Căng thẳng có phần hạ nhiệt sau khi Triều Tiên tạm ngưng kế hoạch này. Tuy nhiên, cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tuần tới có thể khiến căng thẳng leo thang trở lại.

Và theo giới phân tích, ngoài Trung Quốc, Nga hiện là quốc gia có thể đóng vai trò mang tính xây dựng giúp giảm căng thẳng Mỹ-Triều do có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.Với việc bỏ phiếu ủng hộ các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ chống Triều Tiên, Nga có thể giành được một số ảnh hưởng nhất định với Mỹ trong khu vực. Nhưng giới phân tích cũng cảnh báo, Mỹ cần tập trung thúc đẩy giảm căng thẳng, chứ không thể trông đợi Nga hay Trung Quốc.

KHẢ ANH