Cơ hội nào cho du lịch cộng đồng tại đà Nẵng?
Theo lãnh đạo H. Hòa Vang, nhiều địa phương trong huyện đang tập trung phát triển mô hình phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp. Thế nhưng, kết quả ban đầu vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Ông Bùi Dũng- Giám đốc HTX rau sạch Túy Loan, trao đổi: khoảng 2 năm trở lại đây đơn vị đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan, trải nghiệm. Việc phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm là hướng đi mới mẻ cho du lịch địa phương nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, độc lạ, để thu hút du khách tham quan. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch còn hạn chế, việc làm du lịch vẫn còn mang tính tự phát, chưa đủ sức cạnh tranh với các mô hình du lịch lân cận. Hiện tại địa phương đang cần có lộ trình quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các điểm du lịch khác của thành phố để đưa khách đến trải nghiệm.
Các doanh nghiệp cho rằng, các địa phương tại huyện Hòa Vang, đặc biệt là 2 xã Hòa Bắc, Hòa Ninh đang có rất nhiều dư địa phát triển du lịch. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có sự đầu tư xứng tầm, chưa tạo được điểm nhấn để thu hút du khách. Cụ thể, xã Hòa Ninh có vị trí nằm dưới chân núi Bà Nà, với đặc điểm là khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai trù phú kết hợp với địa hình rừng, sông suối đan xen nên có rất nhiều lợi thế để tập trung làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Vì thế, cần có sự đầu tư đúng mức về hạ tầng để hình thành cung đường du lịch cho khách tham quan thoải mái lựa chọn các sản phẩm như du lịch lưu trú, du lịch trải nghiệm,… mang đậm bản sắc văn hóa địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế phục vụ cộng đồng dân cư, cộng đồng sắc tộc địa phương. Đồng thời, đây là loại hình du lịch phát huy lợi thế về tài nguyên tự nhiên, sinh thái dựa trên sự phát triển kinh tế xã hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Để tạo điều kiện cho loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển, tháng 3-2022, UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án 487 về việc phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại H. Hòa Vang. Theo đó, mỗi địa phương sẽ thí điểm tối đa không quá 15 mô hình, mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình. Ông Lê Đức Thương- Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: thời quan qua địa phương đã tích cực thông tin đến các hộ dân trên địa bàn để thực hiện Đề án.
Hiện tại, Hòa Ninh đã phát triển thương hiệu bưởi da xanh (tiêu chuẩn OCOP 3 sao) cùng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình rau thủy canh, cây dược liệu, trồng hoa… kết hợp với mô hình du lịch nhà vườn để thu hút du khách. Với đề án 487 được thực hiện, Hòa Ninh sẽ có nhiều mô hình mới, hấp dẫn để phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch cộng đồng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu, ngoài việc phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, Hòa Vang còn chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng tại địa phương, như: du lịch sinh thái tại Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), sản phẩm rượu cần của đồng bào Cơ Tu (xã Hòa Phú)… Hy vọng, với chủ trương đúng đắn, kịp thời từ đề án 487 sẽ mang lại luồng gió mới, giúp nông dân Hòa Vang mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, chuyển đổi hình thức canh tác trong mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng. Cũng từ đó, đời sống người dân dần được cải thiện và nâng cao.
M.T