Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội nào cho liên minh Nga-Mỹ-Anh?

Thứ bảy, 12/12/2015 08:24

(Cadn.com.vn) - Nga, Mỹ và Anh từng bắt tay nhau để chiến đấu chống chế độ phát xít Hitler trong Thế chiến II và đã thành công. Nhưng liệu họ có tiếp tục tinh thần này trong cuộc chiến chống IS hiện nay?

Một liên minh Nga-Mỹ-Anh chống IS là rất khó nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Ảnh: AP

Đó là năm 1943. Địa điểm là Tehran, thủ đô của Iran. Các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ và Liên Xô (nước Nga ngày nay) nhóm họp để cùng bắt tay chống lại trùm phát xít Hitler. “Roosevelt, Churchill và Stalin đã đá quả bóng cho đêm chung kết quyết định: Anh, Mỹ và Nga ràng buộc nhau trong chiến lược bất khả chiến bại”, một tuyên bố sau cuộc họp nêu rõ.

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ Hội nghị Tehran. Và hiện nay, ý tưởng về “sự đoàn kết bất khả chiến bại” này đang hồi sinh và gói gọn cho một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. “Chúng tôi hiểu rõ, chủ nghĩa khủng bố là hiện tượng quốc tế và để chống lại nó, chúng ta cần một liên minh quốc tế”, một chuyên gia quân sự nhận định.

Sau loạt khủng bố Paris, Tổng thống Pháp có những chuyến đi con thoi đến Mỹ và Nga để kêu gọi hai nước cùng bắt tay chống IS thay vì “hành động đơn phương” tại chiến trường Syria như hiện nay. Và cũng như một hiệu ứng hậu khủng bố kinh hoàng nhất Châu Âu kể từ sau Thế chiến II, trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo lục địa già nỗ lực cùng thúc đẩy thông điệp: Nga và phương Tây nên tiến đến “kiểu Thế chiến II”, tạo liên minh chống IS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có ý tưởng tương tự. Phát biểu tại LHQ hồi tháng 9, ông kêu gọi “liên minh thực sự chống chủ nghĩa khủng bố mà ông so sánh như chủ nghĩa phát xít Hitler”. Giới quan sát cho rằng, ông Putin rất muốn hợp tác với phương Tây, một mặt để tỏ rõ quyết tâm chống khủng bố của Điện Kremlin, mặt khác để phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đang nhằm vào Moscow.

Nhưng vấn đề đặt ra là Nga và phương Tây vẫn đang tranh cãi gay gắt về số phận của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Washington, London và Paris xem nhà lãnh đạo Syria là trở ngại cho tiến trình hòa bình, nhưng Moscow lại cho rằng, chỉ có sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad mới mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Ngay trong nội bộ liên minh do Nhà Trắng đứng đầu cũng vẫn tồn tại bất đồng về danh sách các phần tử khủng bố và phe đối lập ở Syria.

Quan điểm khác nhau đang cản trở cho một liên minh chống khủng bố quy mô lớn hơn. “Chúng tôi không có tầm nhìn chung. Vì vậy, chúng tôi khó có thể có chiến lược chung”, Andrei Kortunov, một chuyên gia thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế của Nga cho biết. Theo ông, vấn đề quan trọng hơn nữa là hầu hết các bên tham gia vào cuộc chiến ở Syria đều không có sự tin tưởng lẫn nhau.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên liên minh quân sự NATO - bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga - tiếp tục giáng đòn mạnh mẽ hơn nữa trong nỗ lực tạo liên minh chống IS như mong đợi bởi phương Tây đang khiến Moscow ngày càng cảnh giác và nghi ngại hơn. “Vấn đề là các nước như Mỹ, Anh... đang nỗ lực sử dụng tình hình không ổn định hiện nay để thúc đẩy lợi ích quốc gia”, Trưởng ban đối ngoại trong thượng viện Nga Konstantin Kosachev nói với BBC.

Rõ ràng, một liên minh Nga-Mỹ-Anh là rất khó. Tuy nhiên, giới chuyên gia lạc quan cho rằng, một khi các ông Roosevelt và Churchill có thể tìm ra cách để bắt tay với ông Stalin, thì các nhà lãnh đạo hiện nay của Anh và Mỹ cũng có thể đạt kết quả như thế với Tổng thống Nga, một khi phương Tây sẵn sàng chứng tỏ thiện chí.

Khả Anh