Báo Công An Đà Nẵng

Cơ hội tiếp cận kỹ thuật mới trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu - chống độc

Thứ sáu, 17/04/2015 09:43

(Cadn.com.vn) - Sáng 16-4, tại TP Đà Nẵng, Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc (HSCC-CĐ) Việt Nam phối hợp với Hội Hồi sức Hoa Kỳ, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về hồi sức tích cực. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long; GS Vũ Văn Đính - Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch Hội HSCC-CĐ Việt Nam; GS Josep Christopher Famer - Chủ tịch Hội Hồi sức Hoa Kỳ; GS Carl Bartecchi - BV St Anthony (Hoa Kỳ); PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội HSCC-CĐ Việt Nam và gần 1.000 đại biểu, chuyên gia, giáo sư, bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực trong nước và thế giới. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-4.

Bác sỹ và điều dưỡng Khoa HSTC-CĐ BV Đà Nẵng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

So với bề dày truyền thống và lịch sử của ngành y học, HSCC-CĐ là một chuyên ngành còn non trẻ. Mặc dù mới được ra đời từ năm 1952, sau khi dịch bại liệt diễn ra tràn lan tại Châu Âu, nhưng chuyên ngành HSCC-CĐ đã khẳng định được vai trò quan trọng trong hồi phục và hỗ trợ các chức năng sống cho các bệnh nhân nặng.

Nhiều bệnh nhân trước kia có tỷ lệ tử vong gần như 100% nhưng đến nay đã có cơ hội được cứu sống như: liệt hô hấp do bại liệt, do hội chứng Guillain, uốn ván thể nặng, sốc nhiễm khuẩn, phù phổi cấp tổn thương, hội chứng suy đa phủ tạng... Từ nền tảng đó, chuyên ngành HSCC-CĐ ngày càng phát triển với hàng loạt chuyên khoa sâu ra đời như đơn vị chăm sóc tích cực mạch vành, đơn vị chăm sóc tích cực chấn thương, đơn vị chăm sóc tích cực bỏng, đơn vị chăm sóc tích cực trẻ em, trẻ sơ sinh...

Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội HSCC-CĐ Việt Nam, HSCC-CĐ Việt Nam chỉ mới hơn 30 năm xây dựng và phát triển nhưng đã nhanh chóng hội nhập, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền y học Việt Nam. 

PGS.TS Nguyễn Gia Bình khẳng định: Trên con đường hội nhập và phát triển, Hội HSCC-CĐ Việt Nam luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của GS Carl Bartecchi và các bạn đồng nghiệp đến từ bang Colorado, Trung tâm Mayoclinic và nhiều bệnh viện khác trên toàn nước Mỹ. Sự giúp đỡ thể hiện qua các khóa đào tạo tại Mỹ cho các bác sỹ và điều dưỡng Việt Nam, cung cấp trang thiết bị y khoa hiện đại, tài liệu chuyên ngành, đồng tổ chức nhiều hội thảo khoa học tại Việt Nam... Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và phát triển chuyên ngành. Đây là lần đầu tiên hội thảo quốc tế do GS Carl Bartecchi và GS Josep Christopher Famer đề xuất và cùng xây dựng nội dung chương trình phong phú gồm các khóa học từ cơ bản đến nâng cao tại bệnh viện và cộng đồng.

Hội thảo lần này có gần 20 báo cáo chuyên môn của các chuyên gia HSCC-CĐ hàng đầu trong nước và thế giới với nhiều cập nhật và nghiên cứu mới nhất, như: ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán và điều trị từ xa; một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt; cập nhật điều trị nhiễm khuẩn huyết nặng và sốc nhiễm khuẩn; chẩn đoán và điều trị rối loạn động mạch máu trong ICU (viết tắt của Intensive care unit - các đơn vị Hồi sức cấp cứu, Điều trị tích cực, Chăm sóc đặc biệt...); cách thức thu thập các thông tin y tế; chiến lược mới sử dụng kháng sinh tại ICU; nghiên cứu so sánh trên thực nghiệm tác dụng của carbapenems đối với phần lớn tác nhân gây bệnh Gram (-); dược lâm sàng trong hồi sức cấp cứu; cập nhật về điều trị suy gan cấp tính; tổng quan về kỹ thuật tim - phổi tại giường; cập nhật về điều trị tăng áp lực nội sọ, đột qụy cấp tính, xuất huyết não; đột phá về hệ thống hồi sức - đội phản ứng nhanh của ICU và hội chẩn trực tuyến; những vấn đề mới trong dược lâm sàng; nhiễm trùng tại ICU, nhiễm nấm xâm lấn; cập nhật về quản lý thuốc kháng sinh, điều trị các nhiễm khuẩn nặng; những vấn đề mới trong hồi sức nhi khoa; tình hình về hồi sức trên thế giới; mở rộng vai trò của các điều dưỡng khoa hồi sức tích cực; một số kỹ thuật thông khí đặc biệt...

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, hàng trăm bác sỹ và điều dưỡng của những bệnh viện trong nước được các giáo sư, bác sỹ đầu ngành, các giảng viên nổi tiếng chuyên ngành hồi sức tích cực đến từ các trung tâm y khoa nổi tiếng của Hoa Kỳ, Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam truyền đạt các chuyên đề: Siêu âm trong hồi sức tích cực, hồi sức nhi khoa, hướng dẫn thở máy, cấp cứu thảm họa, điều dưỡng nâng cao trong hồi sức...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long nhấn mạnh: Trong 3 ngày qua, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên đến từ Trung tâm Y khoa hàng đầu của Hoa Kỳ cả về lý thuyết và thực hành đã mang đến cho các học viên những kinh nghiệm quý báu trong các lĩnh vực như: hồi sức cơ bản, hồi sức nhi, thở máy, siêu âm trong cấp cứu hồi sức, cấp cứu thảm họa và công tác điều dưỡng nâng cao. Phiên hội nghị chính thức diễn ra trong 2 ngày (16 và 17-4), với các chủ đề thiết thực và cập nhật, trong đó có những vấn đề Việt Nam đang mong muốn phát triển, như: ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán và điều trị từ xa; một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt; dược lâm sàng trong hồi sức cấp cứu...

Hội thảo khoa học quốc tế lần này là dịp để các chuyên gia y tế trong nước tiếp cận với những báo cáo, đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật hiện đại có liên quan đến chuyên ngành HSCC-CĐ. Để hội thảo đạt kết quả cao, tôi đề nghị các cán bộ, đặc biệt là các bác sỹ trẻ hãy tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ và học tập các kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, giúp người bệnh có cơ hội được tiếp cận các thành tựu y học tiên tiến của thế giới, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lê Hùng