Có một Bảo Ninh tạp bút...
Có lẽ nhà văn Bảo Ninh quá nổi tiếng với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” nên nhiều người coi ông là “nhà văn của nỗi buồn chiến tranh”. Gọi thế cũng chẳng sai, nhưng ít ai biết Bảo Ninh còn là nhà văn của thể loại tạp bút. Với người viết bài này cũng vậy, thật bất ngờ khi NXB Trẻ ấn hành “Tạp bút Bảo Ninh” với độ dày 440 trang. Và tôi đã đọc tạp bút Bảo Ninh với tâm thái như những gì tôi đã biết về ông qua “Nỗi buồn chiến tranh”.
Nhà văn Bảo Ninh và bìa tập sách “Tạp bút Bảo Ninh”.
Điều bất ngờ, với “Nỗi buồn chiến tranh” ông sâu sắc, tỉ mẩn, tài năng bao nhiêu ở thể tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, thì tạp bút ông lại đậm chất thời sự qua cái nhìn đầy minh triết của một nhà báo tầm cỡ, sắc sảo trong phát hiện, nhìn nhận đời sống xã hội quanh mình. “Đánh giặc và Làm lụng, Gìn giữ và đổi mới, tôi tự hỏi liệu có thể coi đây như một trong những công thức thâu tóm thời đại vinh quang hơn nửa thế kỷ qua của Tổ quốc mà cuộc đời tôi đã may mắn được từng trải? (Trích Thế kỷ của sự đồng lòng.
Hơn 400 trang tạp bút của nhà văn Bảo Ninh trong tập sách, đa phần là những bài viết khi ông được mời về làm ở tờ Văn Nghệ Trẻ, có những bài viết cách đây cả mười mấy năm nhưng cũng có những bài viết mới mẻ hơn, được chia làm hai phần gồm, dành một giờ để nói thật về độc giả và nhà văn. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong lời giới thiệu tập sách đã nhắc câu nói của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn “Bảo Ninh viết cái gì cũng hay”. Điều gì làm cho Bảo Ninh “viết cái gì cũng hay”, đương nhiên là tài nhưng nó chỉ là một phần như một triết gia đã nói, phần quan trọng còn lại vẫn là lao động. Mà yếu tố quan trọng nhất trong lao động của ông là sự nghiêm khắc, nhất là nghiêm khắc với từng con chữ.
Tuy không phải tất cả, nhưng phải công nhận có những tạp bút nhà văn Bảo Ninh viết quá xuất sắc, không chê vào đâu được, đặc biệt những nhìn nhận đầy tính nhân văn và những phán xét của riêng nhà văn về một vấn đề nào đấy. “Có một điều rất lạ là hồi đó và cả ngay bây giờ, có những người luôn nghi ngờ lòng yêu nước của ông. Nhưng ông là một người mang tâm trạng giày vò sâu nặng nhất về đất nước mình. Ông đã lên án một cách không khoan nhượng những hành xử phi văn hóa, những đố kỵ tàn khốc, những lối sống vô cảm, những nhân đạo hão huyền...”. (Lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều). Điều này thể hiện rất rõ trong sự nổi giận nhưng rất bình tĩnh của ông đối với một tiến sỹ người Việt sống ở nước ngoài thóa mạ lịch sử dân tộc khi chính trong bài viết của mình vị tiến sỹ này để lộ rõ sự dốt nát về lịch sử dân tộc...
Cách đây khá nhiều năm, nhà văn Bảo Ninh từng lớn tiếng “không có liệt sỹ nào là vô danh”. Sao có thể là vô danh được. Tên tuổi các anh sống mãi cùng gia đình, họ mạc, trong lòng bà con xóm làng, phường phố. Tại nơi bàn giấy chính quyền thì danh tính các anh chí ít cũng còn trong danh sách tuyển quân thời đó. Dù sẽ có người cho là từ này từ nọ thì có gì quan trọng, chúng tôi vẫn đề nghị không dùng cụm từ “Liệt sỹ vô danh” ở bất kỳ đâu. Liệt sỹ khuyết danh, hàm một nghĩa sâu nặng với hương hồn anh em đồng đội. Còn một nấm mộ liệt sỹ chưa định danh là còn một trách nhiệm cho người còn sống.
Nghĩ đến anh em thương binh và gia đình các liệt sỹ, làm tất cả những gì có thể được để đỡ phần khó khăn... là nghĩa vụ làm người của bạn. Chứ bạn đừng tưởng sao, bạn tưởng mình không can dự gì tới những đau thương và mất mát trong chiến tranh ư? Dù bạn là ai, thuộc tầng lớp nào, xét cho đến cùng, tất cả những gì bạn có hiện nay, kể cả cuộc đời của bạn cũng đều mọc lên từ đất đai thấm máu những anh hùng. (Không có liệt sỹ nào vô danh)
Trong tạp bút “Thế kỷ của sự đồng lòng”, ông kể một câu chuyện sau chiến tranh, mỗi năm lớp ông đều tổ chức hội lớp 10. Có người gọi đùa là họp phụ nữ, bởi chỉ thấy toàn phụ nữ. Trò nam còn một nhúm người. Vậy những người kia đi đâu cả rồi. Họ đã đi tòng quân, đi cùng một ngày, khi ấy đa phần mới 17 tuổi... Chẳng ai bắt buộc, vậy sao những thanh niên mới lớn dấn thân sống mái chống Mỹ. Bấy giờ là năm 1969, thời sau Mậu Thân, nghĩa là đã qua đi từ lâu giai đoạn đầu chiến tranh còn đầy bồng bột phấn khích, đầy lãng mạn, và thậm chí cả những ảo tưởng. Đối với hiện tượng ấy thì mọi sự cắt nghĩa của người thời nay đều là không đầy đủ và không thể nào trọn vẹn.
Chuyện có vẻ tếu táo, thường ngày nhưng không kém phần sâu sắc, khi nghe “đài phát thanh phường” loa tên chủ hộ những gia đình đạt gia đình văn hóa mới, thiên hạ mới hay có những hai anh Hoàng Hoa Thám, hai anh Trần Quốc Tuấn sinh sống ở phố mình (một trong hai anh Trần Quốc Tuấn này có cậu con trai tên là Trần Quốc Toản); rồi một chị Lê Ngọc Hân, một ông Nguyễn Công Trứ, một ông Ngô Sỹ Liên, thậm chí cả một vị vua là anh Nguyễn Gia Long... một phố mà có những từng ấy cử tri được đặt tên ngông đến như vậy thì có vẻ tức cười, song tức cười gì đâu, phố nào mà chả có một công dân trùng tên với anh hùng dân tộc... rồi Hà Nội thành lập một quận mới ý định lấy tên là Vạn Xuân. Thiết nghĩa không nên đặt thế. Vạn Xuân là tên của nước Việt thời đại anh hùng Tiền Lý. Là tên của quốc gia, sao một quận nhỏ mới mở lại tên thế được... Đó còn là rất nhiều tạp bút sâu sắc khác như “Đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì đứng”, “Đừng dạy như thế”, “Vô cảm”, “Đọc ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập”...
Như nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người đã mời nhà văn Bảo Ninh về phụ trách tờ Văn Nghệ Trẻ, sau khi ông viết “Nỗi buồn chiến tranh” với lời khuyên: Bảo Ninh viết những gì liên quan đến văn học thì ký tên thật, còn những gì thuộc về các lĩnh vực khác thì ký bút danh? Lý do đơn giản, khi viết về văn chương, Bảo Ninh là một cái tên đảm bảo cho bài viết. Còn viết về các lĩnh vực khác dễ đụng chạm thì dùng bút danh để “an toàn” phần nào đó cho ông... Và ông đã tuân lệnh như một người lính. Xin cảm ơn ông về sự tuân lệnh này để hôm nay chúng ta còn có một “Bảo Ninh tạp bút” rất đáng để đọc...
Võ Văn Trường