Có một “bảo tàng” tiền giấy cổ trong lòng Đà Nẵng
Giữa lòng Đà Thành tấp nập, náo nhiệt có một không gian lưu giữ, trưng bày các loại tiền giấy cổ quý hiếm của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đây được xem như một “bảo tàng” thu nhỏ về tiền giấy, nơi anh Trần Văn Nam (29 tuổi, quê tỉnh Hà Nam) dành nhiều tình yêu và tâm sức để tìm kiếm, sưu tầm trong những năm qua.
Anh Nam bên bộ sưu tập tranh tiền thư pháp và bản đồ được ghép lại từ những tờ tiền cũ nát. |
Niềm đam mê tiền cổ
Trong một lần cùng bạn bè ghé thăm quán cà-phê Peso tại địa chỉ 35A đường Duy Tân (Đà Nẵng), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi không gian đầy ắp các loại tiền giấy cổ độc lạ tại đây. Rảo bước quanh ngôi nhà 3 tầng, chiêm ngưỡng những bức tranh tiền cổ treo trên tường, một thanh niên trẻ với giọng nói trầm bổng, hoạt ngôn vui vẻ giới thiệu đến chúng tôi về không gian đặc biệt này. Sự am hiểu về tiền giấy cổ của Việt Nam cũng như không ít các quốc gia trên thế giới khiến chúng tôi tò mò về chàng trai trẻ tuổi. Hỏi ra mới biết, anh tên Trần Văn Nam chính là chủ nhân của không gian trưng bày này. Anh Nam cho biết, không gian trưng bày này có thể xem như một “bảo tàng” thu nhỏ, độc nhất của miền Trung, nơi lưu giữ đầy đủ các loại tiền giấy cổ của Việt Nam có từ thời Đông Dương đến giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ về niềm đam mê của mình, Nam cho biết, ngay từ thời học cấp 2, anh đã có niềm đam mê sưu tầm tiền cổ. Sau này lớn lên, được tiếp xúc với nhiều người, có thêm những mối quan hệ, đặc biệt là được đi đến nhiều nước trên thế giới nên Nam có điều kiện học hỏi và sưu tầm thêm nhiều tiền giấy cổ mới. Xuất phát từ niềm đam mê đó, anh Nam tiếp tục mở ra hướng đi mới thông qua việc kinh doanh, mua bán loại tiền giấy cổ độc đáo này. Năm 2017, Nam vào Huế bắt đầu tập tành buôn bán tiền cổ tại chợ đêm, sau đó dần mở rộng mối quan hệ với anh em, bạn bè có chung niềm đam mê tiền cổ. Từ những tiền lãi đầu tiên có được qua việc kinh doanh, Nam càng có thêm động lực hơn, quyết tâm với con đường mình đã chọn.
Cuối năm 2019, Nam quyết định vào Đà Nẵng sinh sống lập nghiệp và ý định tạo nên một phòng trưng bày tiền giấy cổ để tạo ra sân chơi, giao lưu đối với những người bạn cùng sở thích. Đặc biệt, nhờ sự học hỏi, tìm tòi về những tờ tiền, khi đã có được mảng kiến thức cơ bản, anh Nam quyết định viết cuốn sách “Tiền kỷ niệm của các quốc gia trên thế giới – những điều bạn chưa biết?”. Đây cũng là một tài liệu hữu ích giúp nhiều người am hiểu hơn về lịch sử phát triển của các loại tiền của các quốc gia trên thế giới.
Mô hình vỏ đạn “độc quyền” của anh Nam. |
“Bảo tàng” tiền giấy cổ độc đáo
Bước chậm rãi lên từng bậc thang, chúng tôi cảm nhận được dụng ý của Nam khi sắp xếp các loại tiền giấy cổ hợp lý, logic theo trình tự thời gian, lịch sử hình thành, thay đổi của các tờ tiền giấy. Tầng 1 được anh bố trí trưng bày tiền giấy từ thời Đông Dương (hay còn gọi là các tờ tiền giấy bạc Đông Dương được người Pháp sản xuất và lưu hành tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia). Cầu thang bộ từ tầng 2 đến tầng 3 là không gian trưng bày quốc kỳ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trên từng lá quốc kỳ là những đồng xu riêng của mỗi nước, được Nam tỉ mỉ ghép lại thành hình bản đồ tương ứng. Những đồng tiền cũ, nát không còn giá trị sử dụng được anh sáng tạo biến tấu lại thành hình bản đồ Việt Nam và nhiều nước khác nhau, qua đó mang lại một sản phẩm lạ mắt, trở thành những bức tranh có hồn, nâng tầm giá trị hơn.
Tầng 2 là không gian trưng bày bộ sưu tập đầy đủ các loại tiền giấy của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, bao gồm các loại tiền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng Hòa, loại tiền của Mặt Trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, tiền Việt Nam sau giải phóng. Ngoài ra, Nam còn sáng tạo riêng cho mình một không gian trà đạo, nơi trưng bày các loại tiền giấy của nước Nhật qua các thời kỳ. Đối với không gian tầng 3, Nam trưng bày tiền giấy của các nước trên thế giới qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ngoài ra, từ niềm đam mê của mình anh còn sưu tập thêm những mô hình gỗ, mô hình vỏ đạn để tạo nên sự phong phú cho không gian trưng bày.
Anh Nam chia sẻ: “Bất kỳ ai khi lập nghiệp, theo đuổi ước mơ của mình cũng không tránh khỏi sự khó khăn, vất vả. Với tôi cũng vậy, bởi khi sưu tầm tiền giấy cổ rất tốn kém. Ban đầu, không đủ tiền tôi phải mượn từ gia đình, người thân để theo đuổi. Nhiều tờ tiền rất quý và hiếm, phải cố gắng theo đuổi, tìm kiếm mới có thể tìm mua được để đủ đầy bộ sưu tập. Khó khăn là vậy, nhưng vì đam mê, tôi cũng đã cố gắng từng bước vượt qua rồi dần dần có được cơ ngơi cơ bản hoàn chỉnh các loại tiền giấy cổ như hôm nay”.
Sau khi không gian trưng bày của anh Nam được mở cửa đón khách, nơi đây trở thành địa điểm tập trung những người yêu thích tiền cổ tại thành phố Đà Nẵng cũng như trên cả nước. Đặc biệt, mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, anh em bạn bè trong nhóm “Yêu tiền cổ Đà Nẵng” lại tập trung để họp mặt, trao đổi giao lưu tiền cổ với nhau. Với châm ngôn “Cuộc sống ý nghĩa là cuộc sống của đam mê”, anh Nam luôn phát triển niềm đam mê của mình từng ngày và sẽ cố gắng để bộ sưu tập thêm dày dặn hơn.
Yến Nhi