Báo Công An Đà Nẵng

Có một bến đò 20 năm nối hai bờ giới tuyến

Thứ tư, 24/10/2018 07:39

Sau Hiệp định Genève , sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước. Mỹ-ngụy đã dùng mọi thủ đoạn để cấm bến ngăn sông. Nhưng có một "nhịp cầu" nối hai bờ Hiền Lương không một ngày ngưng nghỉ, đó là Bến đò Tùng Luật thuộc xã Vĩnh Quang, Cửa Tùng mang mật danh " Bến đò A".

Bia kỷ niệm Bến đò Tùng Luật.

Bến đò A là bến đò huyết mạch nhất của đặc khu Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là cơ sở đảm bảo vật chất trực tiếp cho tỉnh ủy Quảng Trị  và 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Tất cả lương thực, đạn dược được vận chuyển dưới các đường hào, tập kết tại một số điểm ở bờ Bắc sông, đợi tối  mới vượt sông qua bờ Nam, rồi chở cán bộ, thương binh, tử sĩ  từ bờ Nam ra Bắc. Bến đò rộng 200 mét, nối bên này Vĩnh Quang với bên kia Cát Sơn. Suốt 8 năm ròng từ 1965 đến 1972, gần 3.000 ngày đêm đạn bom ác liệt, bến đò A  đã hứng chịu 11.500 quả bom, 36.000 quả đạn pháo, 9 lần máy bay B52 rải thảm và hơn 1.100 lần máy bay địch thả bom, nhưng vẫn không chặn được những con đò chở  đạn dược, lương thực, bộ đội đêm đêm xuất bến vượt tuyến an toàn. Người dân vĩnh Quang, Vĩnh Linh đã  chèo 82.000 lượt đò, tham gia 291.000 ngày công vận tải đạn dược vào Nam, 2.308 chuyến thuyền chở hàng hóa phục vụ đảo Cồn Cỏ... Những con đò từ bến đò A đã đưa qua về Bắc Nam  1,5 triệu lượt bộ đội, 400.000 dân công, 30.000 lượt đồng bào K10, K15 (đồng bào đi sơ tán ra miền Bắc). Trong cuộc chiến đấu sống còn đó, đã có 164 dân quân Vĩnh Quang hy sinh, 11 đồng chí hy sinh ngay tại bến đò, 30 đồng chí dân quân mang thương tật suốt đời...

Bến đò A là nơi diễn ra cuộc đấu tranh nối liền mạch máu hai bờ đất nước. Mỹ-Diệm hô hào tấn công miền Bắc, lấp sông Bến Hải. Trên vị trí bến đò A mọc lên một Đồn kiểm soát liên hợp. Cảnh sát ta và địch làm việc chung một đồn. Chiến sĩ ta hàng ngày cùng đi với kẻ thù trên một con đò. Cuộc đấu trí, đấu lý diễn ra hàng ngày rất căng thẳng để duy trì quan hệ giao tiếp  giữa hai bờ, cho nhân dân qua lại thăm viếng nhau, cho các gia đình được chuyển nhận bưu thiếp. Đó là hoạt động công khai ban ngày, còn khi đêm xuống, bộ đội, dân quân, trinh sát, tình báo ta lấy bến đò A làm điểm xuất phát, vào Nam xây dựng cơ sở cách mạng bí mật. Ban ngày thì tất cả đò đều nhận chìm xuống sông, ban đêm lại vớt lên, nối bến. Hơn một vạn chuyến đò đi về an toàn dưới làn bom đạn giặc! Những giao liên sông nước nổi tiếng, chèo đò ở bến đò A ngày ấy bây giờ bà con vẫn nhắc tên: Nguyễn Kháng, Nguyễn Con, Nguyễn Ngô, Nguyễn Hưởng, Võ Dẫn...Hay đội thuyền với mật danh "B6" của Võ Quyến, Lê Mại xuất phát từ bến đò A đã đưa nhiều cán bộ vào Nam bằng đường biển.

Bến đò A đã trở thành nơi xuất kích của bộ đội, dân quân đi đánh giặc ở Gio Linh, Cửa Việt. Từ bến đò A,  trung đội DKZ do Hoàng Phú làm khẩu đội trưởng đã 2 lần xuất kích vượt sông Bến Hải  vào Cửa Việt đánh giặc. Trung đội đã diệt 4 tàu thủy, 3 xe tăng, 3 lô cốt, 54 tên địch, được thưởng 2 Huân chương chiến công cho tập thể và 11 huân chương chiến công cho các chiến sĩ. Giữa năm 1967, phát hiện bộ đội ta thường qua lại bến đò A, máy bay, pháo hạm Mỹ tăng cường đánh phá dữ dội. May nhờ quân dân  Vĩnh Quang đã  đào địa đạo dài 2.500 mét, sâu 15- 20 mét ở ngay bến đò nên có chỗ để bộ đội trú ẩn. Suốt 5 ngày từ tối 19-6 đến 24-6 năm 1967, máy bay Mỹ liên tục đã trút xuống bến đò A và xã Vĩnh Quang 3.700 quả bom, hàng ngàn quả đạn đại bác, làm sập hai cửa hầm địa đạo "Đồi 61" ở xóm Cửa, làm cho 61 đồng bào chiến sĩ ta chết ngạt trong hầm! Địch còn thả bom từ trường xuống sông Hiền Lương để ngăn chặn quân ta vượt sông. Nhưng các chiến sĩ Bến đò A đã có sáng kiến buộc hai ba vỏ phi xăng thả xuống sông rồi kéo, hoặc dùng thuốc nổ  đánh xuống lòng sông kích nổ bom từ trường. Có lúc bí quá, phải dùng xuồng cao su để đưa bộ đội sang sông..."Vĩnh Quang còn là bến đò A còn thông suốt". Bây giờ đọc lại những lời quyết tử đó mà bồi hồi xúc động!

Cuối năm 1968, Đảng ủy xã Vĩnh Quang đã phải huy động thêm 10 thuyền của xã Vĩnh Thái cộng với số thuyền hiện có, chuyên chở suốt đêm mới đưa hết Trung đoàn Sông Dinh vào chiến đấu ở thị xã Quảng Trị và đưa 220 tử sĩ từ Nam ra Bắc. Năm 1972, bến đò A đã làm một việc chưa từng có: Tổ chức đưa 50 chiếc xe tăng, xe lội nước của bộ đội sang sông vào chiến trường Quảng Trị. Các chiến sĩ dân quân Vĩnh Quang đã ngâm mình  trong nước làm cọc tiêu dẫn đường. Cũng tại bến đò A, năm 1967 và 1972, các con đò đã đưa hàng ngàn đồng bào các huyện phía Nam sang Vĩnh Linh an toàn. Bến đò A năm 1967- 1972  cũng chính là nơi xuất kích của đơn vị 1A Hải Quân vào đánh tàu chiến địch trên sông Cửa Việt, lập nên những chiến công vang dội. Cũng tại đây, tiểu đội thủy lôi đánh tàu Vơ-đéc do đồng chí Nguyễn Mễ chỉ huy, ngày 13-5-1968 lần đầu ra quân đã diệt 2 tàu Vơ đéc. Đây là lần đầu tiên dân quân miền Bắc đã tiêu diệt tàu địch bằng thủy lôi!

Bến đò A cũng là nơi xuất kích của những con thuyền tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Bến đò cách đảo 15 hải lý. Những năm 1965- 1972, đường ra đảo thực sự là con đường máu. 10 người ra đảo thì 5-6 người hy sinh. Đảng ủy Vĩnh quang ra nghị quyết: "Vĩnh Quang còn là đảo còn!". Tại bến đò A đã nhiều lần tổ chức những buổi lễ truy điệu sống những người xung phong ra đảo. 7 năm ra đảo 52 thuyền thì có 21 thuyền bị địch phá hủy ngay tại bến đò, 9 thuyền bị tàu chiến địch bắt và đánh chìm, 24 đồng chí, đồng bào hy sinh, 11 người bị địch bắt... Nhưng đảo Cồn Cỏ vẫn được tiếp sức hàng ngày, vẫn sống, chiến đấu và chiến thắng! Chỉ vùng sông nhỏ xung quanh Bến đò A ấy mà nhà văn Xuân Đức đã viết đến hai cuốn tiểu thuyết dày cộp  "Cửa gió" và "Bến đò xưa lặng lẽ", đều được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam... Bến đò A đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử chiến tranh cách mạng...Bến đò A sáng ngời chất thép Vĩnh Linh!

Ngô Minh