Có một Bình Dương như thế
Có một Bình Dương là tập trường ca thứ sáu của nhà thơ, nhà báo, Đại tá Lê Anh Dũng, sau các tập trường ca Thưa Mẹ - Phía trăng lên, Giữa xanh thẳm đại ngàn, Dòng sông di sản, Về xứ Đồng Long và Giữa mùa đại dịch.
Bìa tập trường ca Có một Bình Dương. |
Là một người làm công tác nghiên cứu lịch sử lâu năm, tôi biết về mảnh đất xã Bình Dương, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khá nhiều, thấm nhất là sự bám trụ giữ đất của nhân dân ở mảnh đất cát trắng, biển xanh và rừng dương liễu xanh ngút ngàn này. Thời chống Pháp, Bình Dương đã nổi tiếng. Đến thời chống Mỹ, khi Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định mở ra vùng Đông, tạo thế và lực để quyết tâm đánh Mỹ khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào cảng Đà Nẵng và cảng Kỳ Hà thì Bình Dương trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở miền Nam. Bình Dương là một trong những xã có số người chết vì bom đạn, chiến tranh nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam. Sự khốc liệt của chiến tranh ở xã Bình Dương cũng giống như ở vùng Gò Nổi của Quảng Đà. Sau ngày đất nước thống nhất, thống kê lại, Bình Dương có hơn 4.700 người chết trong chiến tranh, có nghĩa là bằng một nửa số dân của xã thời ấy; Bình Dương có 1.367 liệt sĩ, 319 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 300 thương binh, bệnh binh, cùng hàng trăm người tù đày, trẻ em mồ côi… Sức bám trụ của người dân Bình Dương rất đổi kiên cường và sức chịu đựng gian khổ đến mức cao độ, khó hình dung ra, do vậy, ngay trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Bình Dương hai lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và 1972 là điều không lạ, vì Bình Dương xứng đáng với các danh hiệu cao quý ấy. Và từ hy sinh, tổn thất trong chiến tranh, Bình Dương đã được hồi sinh sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, mà biểu tượng của sự hồi sinh ấy, là sự xanh lại, xanh đến ngút mắt những rừng dương mới trên cái vùng cát mênh mông bát ngát của những cánh rừng dương liễu đã bị quân Mỹ cày ủi lập vành đai trắng ngày nào. Bình Dương lại một lần nữa vinh dự đón danh hiệu cao quý mới, lần này là danh hiệu Anh hùng Lao động, vào năm 1985.
Với tố chất của một nhà báo quân đội, Lê Anh Dũng nắm bắt tài liệu rất nhanh, nghiên cứu và xây dựng đề cương phù hợp cho tập trường ca, khác hẳn với bố cục, cách phân chương phân khúc của các tập trường ca trước. Toàn bộ trường ca Có một Bình Dương bao gồm 28 đoản khúc, mỗi đoản khúc là một bài thơ và do vậy, ta có thể hình dung, tập trường ca này giống như một tập thơ viết về đề tài chiến tranh, mà các bài thơ đều tập trung phản ánh một chủ đề là cuộc chiến đấu, sự mất mát hy sinh cao cả của những con người ở một xã duyên hải miền Trung; những con người ấy có cách sống, cách nghĩ chung, gan dạ, dũng cảm, mưu trí trong đánh giặc và sẻ chia, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh chiến tranh mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, khoảnh khắc. Bố cục của trường ca như vậy tôi cho là hợp lý, vì chẽ nhỏ ra như thế, Lê Anh Dũng mới có thể đưa hết được các nguồn tư liệu mà anh tập hợp được, cũng như mới phản ánh được tương đối đầy đủ các sắc thái của cuộc chiến và con người đi qua cuộc chiến đó ở xã vùng cát ven biển này.
Lê Anh Dũng mở đầu tập trường ca Có một Bình Dương bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị như ca dao: “Nhớ gì như nhớ rừng dương/Lạc Câu quê xứ người thương đi về” (Lạc Câu cổ xứ). Và bắt đầu từ đó anh kể về những địa danh, gồm những tên làng, bãi cát, bàu nước, vũng nước với những cái tên cũng mộc mạc như người dân quê xứ, nơi có những bãi cát rộng dài qua bao mùa mưa nắng, nơi có những cánh cò bay về đậu trắng vũng, trắng bàu, trắng trảng; đó là những Vũng Nẫy, Vũng Xiêm, Vũng Trụ, Bàu Bính, Bàu Dừa, Bàu Cầu, Bàu Hoành, Bàu Dung, những Trảng Trầm, Trảng Đô, Trảng Minh, Trảng Nai. Trảng Mó...; là “Nơi ông bà mình muối mặn gừng cay say mê sông nước/ Ghe chài buông lưới thả câu/ Chuôm, nò, vó, rớ trước sau sông, bàu”, là “Nơi lứa đôi yêu nhau dẫu có nghèo nhưng bình yên/ sắt son chung thủy” (Lạc Câu cổ xứ). Và: “Bình Dương như một cánh buồm/ Bên sông bên biển bạt ngàn lách lau/ Bãi ngang con sóng bạc đầu/ Cơ man nổng, trảng, gò, bàu vây quanh/Dương, xương rồng, sông biển xanh/Mênh mông cát trắng giăng thành bủa vây/ Người Chiêm xưa từng ở đây/ Trà Nhiêu làng cổ sát ngay Trung Phường” (Trường Giang xanh). Để rồi sau khi dựng lên cái phông thiên nhiên và văn hóa ấy, nhà thơ “đột kích” vào những nội dung gai góc, sôi sục, quyết liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, gian nan, vất vả, hứng bom đạn như cơm bữa, và những con người ở đó đã được tôi luyện, điềm tĩnh như là cát: cát Bình Dương.
Một dự án lớn được triển khai trên vùng cát trắng Bình Dương. |
Trong Có một Bình Dương, Lê Anh Dũng khắc họa khá chi tiết về căn cứ lõm Bàu Bính, một lõm căn cứ du kích ở “giữa đồi cát khô rang”, một “căn cứ không rào vi”, đó là căn cứ của lòng dân, được cát và nhân dân che chở. Lê Anh Dũng cũng khắc họa nhiều nét về biển Bình Dương, qua đó nhắc đến bút ký văn học nổi tiếng Mặt biển –Mặt trận nhà văn Chu Cẩm Phong viết về Bình Dương khi nhà văn đi từ căn cứ miền núi Quảng Nam xuống vùng Đông Thăng Bình để xâm nhập thực tế và sáng tác. Đặc biệt, Lê Anh Dũng đã viết rất nhiều về những con người ở đây, những con người rất đổi bình thường, nhưng mỗi người lại là một chiến sĩ, mỗi người đều có những chiến công riêng, rực rỡ có, thầm lặng có, và các chiến công của họ đem gộp lại thì hiện ra rất rõ ràng sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận, để chiến thắng kẻ thù.
Và có lẽ rút kinh nghiệm từ thành công trong trường ca Giữa mùa đại dịch, nghe chừng nhà thơ Thanh Quế khen lắm, trong trường ca Có một Bình Dương, Lê Anh Dũng đã cất công đi tìm những bài hát, bài thơ của các nhạc sĩ, thi sĩ viết về Bình Dương và dành trọn vẹn một đoản khúc - một bài thơ: Thơ ca còn trìu trĩu máu xương để vừa dẫn dắt vừa trích dẫn những đoạn sở đắc nhất trong những tác phẩm của các nhạc sĩ, thi sĩ Chí Cao. Ý Nhi…
Còn rất nhiều điều đáng kể ra trong trường ca này, nhưng trong một bài viết ngắn tôi không thể nào kể ra hết được, vả lại tôi không muốn lấn phần của bạn đọc. Tôi chỉ muốn nói thêm ý này: trường ca Có một Bình Dương của nhà thơ, nhà báo, Đại tá Lê Anh Dũng là một tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh đáng đọc, đáng có mặt trong các kệ sách của thư viện, nhất là trong hệ thống thư viện của Quân đội.
BÙI XUÂN
(Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử)