Báo Công An Đà Nẵng

Có một mùa xuân để nhớ

Thứ hai, 19/01/2015 09:36

* Bài 1: Số báo đặc biệt xuân 1968

(Cadn.com.vn) - Mới đó mà đã gần 50 năm trôi qua. Xuân này lại nhớ Xuân xưa. Làm sao nhớ hết, kể hết bao nhiêu ký ức xa xăm. Trong chúng tôi kẻ còn, người mất, nhưng nhất định sẽ vĩnh hằng một thời đánh Mỹ bằng cả dòng máu, trái tim, và cây bút đẹp mãi ngọn lửa thanh xuân không nguôi tắt bao giờ...

Cuối mùa đông năm 1967, Ban Tuyên văn giáo Quảng Nam về đóng ở thôn Nhụ Sơn, xã Kỳ Yên, Tam Kỳ. Tiểu ban Tuyên truyền - Văn nghệ - Báo chí (gọi tắt Tiểu ban tuyên truyền) có căn nhà mới đúng nghĩa trong khu vườn hoang bên triền con sông Vàng, cách mỏ vàng Bồng Miêu chừng cây số. Nhà, bàn ghế, giường nằm làm toàn cây cau và lợp tranh săn trắng muốt, khá đẹp và sang trọng. Thế mà chưa đầy hai tuần sau, cơ quan bị tàu gáo Mỹ phát hiện bắn cháy, lại dời lên nóc ông Đề bên kia sông. Cái lạnh, cái đói ở rừng cuối đông, có đêm nằm trong võng nilon mỏng như lụa nên càng buốt, cộng với nỗi nhớ Tết sắp về, rồi bom tọa độ, pháo cầm canh của địch từ Tuần Dưỡng, Chu Lai ình oàng lúc xa lúc gần không sao ngủ được.

Đầu tháng Chạp năm ấy, hình như cơ quan, đơn vị nào trong tỉnh cũng có cái không khí tấp nập, tất bật khác thường. Các ngả đường Trà My xuống Phương Đông, Dương Yên; từ đèo Ba Hương xuống ngã ba Phước Hiệp; rồi ngã ba An Lâu xuống Kỳ Quế; phía dốc Én ngược vô kênh Ba Kỳ; ngã Sơn-Cẩm-Hà xuôi đèo Vòng Xay xuống Cẩm Khê; ở Ngọc Tú xuống Cây Sanh... là những địa danh quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ, kẻ lên người xuống đông hơn, với những gùi hàng nặng trịch quàng kín vải dù hoa, áo đi mưa. Chúng tôi mừng và đoán là Tết năm nay vùng giải phóng sẽ ăn Tết to hơn, vui hơn. Cũng có "điềm lạ", là vào thời điểm này các hoạt động của địch thấy im ắng.

Các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm, dội bom, bắn pháo của chúng cũng ở mức độ ít hơn. Qua các bản tin hằng ngày của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, một số trận đánh lớn của ta ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn vẫn giòn giã; hậu phương lớn miền Bắc dường như cũng khẩn trương hơn mọi ngày. Những ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua, Chiếc gậy Trường Sơn, Xuân chiến khu, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Tây nguyên bất khuất, Tình ca, Vàm Cỏ Đông, Liên Khu Năm yêu dấu, Câu hò bên bờ Hiền Lương của các nhạc sĩ... và những phóng sự, tùy bút như giục giã, thắm thiết, được phát đi phát lại suốt ngày đêm.

Cán bộ, phóng viên Báo "Giải phóng" tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh T.L

Anh Nguyễn Minh Mẫn (Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban) từ bên Thường vụ vừa về, hôm sau là họp. Lần đầu tiên cơ quan Tuyên văn giáo có cuộc gặp mặt đông vui với đầy đủ cánh văn nghệ, báo chí, chiếu phim, văn công,  nhạc sĩ...

Hôm đó đã là 25 tháng Chạp. Nhụ Sơn gần như một thung lũng hoang vắng, ba bên bốn bề núi cao bao bọc, có hôm rét lạnh xuống dưới 150C, mây giăng phủ kín cả ngày lẫn đêm. Vốn được mệnh danh là "một cây lý luận" nói nhiều và nói rất hay trong nhiều vấn đề, nhưng bữa ấy anh Mẫn hết sức kiệm lời, và cũng tỏ ra không có gì là quan trọng: "Hai miền Nam, Bắc trên đà thắng lợi. Tình hình có nhiều chuyển biến tốt. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu ước đã bước sang giai đoạn mới quyết liệt. Chưa bao giờ có thời cơ và thuận lợi như bây giờ. Cả nước phải chuẩn bị, sẵn sàng. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân cũng vậy. Ban đã bàn kỹ, mỗi bộ phận về lo ngay công việc cụ thể của mình. Năm nay chúng ta ăn Tết sớm... Gạo, mắm, muối phải lo ngay từ bây giờ. Thuốc men, đến báo chí, bản tin; ngay cả quần áo cũng phải đầy đủ, đàng hoàng. Văn nghệ phải có tiết mục mới, văn phòng gọn nhẹ...

Tôi xin nhắc lại, chuẩn bị sẵn sàng, trên có lệnh điều ai, bộ phận nào, là đi ngay. Anh em có ý kiến gì không?".

Rất nhiều câu hỏi, trao đổi sôi nổi. Nhưng có một câu hỏi mà thủ trưởng Mẫn không trả lời, không hé lộ: "Có phải đánh lớn không anh?". Anh cười: "Đánh lớn, đánh nhỏ cũng đánh. Biết đâu không đánh cũng có". Quen với việc đi, ở và những đợt chuẩn bị phục vụ các chiến dịch lớn, tuy lần này có khang khác, ngờ ngợ, nhưng chúng tôi vẫn ra về với sự hồ hởi, tin tưởng và xáp vô đống công việc cuối năm đã phân công cho nhau từ mấy tháng trước...

Tờ Giải Phóng Xuân 1968, thật sự là số đặc biệt tốn nhiều công sức của cả Ban, Nhà in. Yêu cầu phải đạt cả nội dung lẫn hình thức, số lượng gấp nhiều lần mọi năm. Đã 40 năm trôi qua, mà tôi vẫn nhớ từng trang viết, từng co chữ tít, đến cả mùi mực dầu rái, khói đèn, nước chua lá bứa hăng hắc mùi thơm trên tờ Giải Phóng. Với 8 trang khổ lớn 30 x 40cm, bằng giấy manh trắng, in xong dán hai tờ lại thành một trang. Bài xã luận "đinh", lời chắc nịch, thúc giục, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ đồng bào Quảng Nam là của Trưởng ban Nguyễn Minh Mẫn viết, mở đầu bằng những dòng đầy khí thế: "Mùa Xuân đã về. Tết Mậu Thân đã đến. Chúng ta đón Xuân này như trong hào khí Quang Trung tiến quân xông trận năm nào...".

Anh Phan Hiền, Phó trưởng ban, vừa là Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Nam, có Bức thư  lời lẽ mềm mại gửi các tầng lớp đồng bào, thân hào, nhân sĩ, công thương gia, các tôn giáo, học sinh sinh viên yêu nước trong tỉnh... "Hãy hướng về Mặt trận. Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy bày tỏ lòng yêu nước thiết tha của mình dưới mọi hình thức...". Nguyễn Việt Tiến, có bài tổng hợp về thành tích và những tấm gương đấu tranh chính trị, binh vận kiên cường, sáng tạo của đồng bào vùng ven, đô thị. Khôi Nguyên viết về phong trào học sinh, sinh viên yêu nước thị xã. Hoàng Hương Việt có tùy bút "Trần mảnh đất này" ngợi ca vùng đất địa linh nhân liệt, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, và nay chiến công nối tiếp chiến công, làm nên một "Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ"...

Nhà thơ Chí Cao (Trưởng ban Tuyên huấn thị xã Tam Kỳ) với bài thơ dài: "Chào Xuân 68", dào dạt, thiết tha. Ca dao của Duy Nguyễn (Ban kinh tế), Vũ Dương (Chánh Văn phòng Tỉnh ủy) nói lên tinh thần lạc quan, lãng mạn cách mạng, dù trong tình huống khó khăn ác liệt nào cũng thanh thản, yêu đời. Báo còn đăng ca khúc mới "Nhớ về quê em anh nhé" của Hồng Lợi (Trưởng đoàn Văn công Giải phóng) với những lời ca cháy bỏng... Trang nhất là bức tranh cổ động ba màu, do họa sĩ Trần Việt Sơn (Hội Văn nghệ Giải phóng khu V xuống tỉnh công tác) thể hiện: Bà mẹ, anh Giải phóng quân, cô du kích người dân tộc cầm hoa, em học sinh cầm cờ Mặt trận, anh trí thức thành thị cầm cành mai nở, anh công nhân, chị nông dân vẫy tay, phía sau là những tầng nhà phố thị ngập cờ hoa, lưng trời chim én liệng. Riêng cành mai, anh em bên nhà in phải tô màu vàng bằng thuốc kí ninh pha loãng từng bông một, vì không có mực vàng in litô. Chỉ 5 ngày sau là tờ báo hoàn thành. Tuy thức "vàng mắt", bụng đói cồn cào, đêm nào cũng bồi dưỡng sắn củ là chính, anh em "tòa soạn" nhà in, nhìn sản phẩm tinh tươm, được lãnh đạo Ban khen, ai cũng hởi lòng hởi dạ.

Cùng với tờ báo Xuân, còn có tập "Tiếng thơ Đất Quảng" tuyển chọn của 11 tác giả tiêu biểu. Tôi vẫn còn lưu giữ tập thơ như một kỷ vật thiêng, luôn làm tôi xót xa, thương nhớ đến các anh mỗi khi lấy tập thơ ra đọc: Triều Phương, Xuân Giao, Nhị Văn, Nguyễn Anh Dũng, Huỳnh Phan Lê. Phạm Minh Sơn đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 68, Chí Cao, Duy Nguyễn qua đời sau này. Mỗi dòng thơ là tinh huyết, tình cảm là ước mơ, khát vọng về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, về ngày hòa bình độc lập, sum họp một nhà. Thơ còn lại mà các anh thì mãi mãi không về.

Hoàng Hương Việt
(còn nữa)