Báo Công An Đà Nẵng

Có một nhà báo Phan Khôi!

Thứ ba, 07/10/2014 08:46

(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Phan Khôi-người khai mở cho dòng Thơ mới, ngày 6-10, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”. Hội thảo thu hút hơn 40 đại biểu là các nhà văn, nhà khoa học đến từ các trường Đại học Khoa học Huế, ĐH Khoa học xã hội nhân văn TPHCM... Hội thảo đã cung cấp những tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi đồng thời đưa ra những cái nhìn khái quát nhất về những đóng góp của ông trên phương diện một nhà văn, nhà báo...

Chân dung  Phan Khôi
(1887-1959)

Là người con của tộc Phan làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, H. Điện Bàn (Quảng Nam), quê hương Gò Nổi của Phan Khôi nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt và nghề ươm tơ dệt lụa. Ông sinh ra trong thời buổi mà chính trị và văn hóa như là hai chiều kích đối lập nhau trong một khung lịch sử. Phan Khôi tham gia nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào ông cũng đều đạt những kết quả xuất sắc. Ông là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX.

Nhưng có lẽ, cuộc đời ông gắn với nghiệp làm báo lâu nhất, cũng là con đường mà ông đã đấu tranh nhiều nhất. Ông tham gia viết và làm chủ bút cho hàng chục tờ báo đồng thời cũng tự ra mắt tờ Sông Hương. Với Phan Khôi, làm báo trước hết là để tiếp tục theo đuổi một cách công khai chủ trương khai dân trí thuở Duy Tân. Dân ở đây là người có học như tiêu ngữ trên tờ báo của ông “Ai có học phải đọc Sông Hương”.

Trong thế kỷ trước, ta thường thấy nổi lên một hiện tượng nhân vật mải mê hoạt động chính trị bỗng chuyển sang hoạt động về văn hóa. Phan Khôi là một trường hợp đầu tiên và tiêu biểu như thế. Bước ngoặt này đã cho thấy một Phan Khôi đầy bản lĩnh, tự tin, đấu tranh cho tự do bình đẳng. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Phan Khôi đã đấu tranh bền bỉ cho các quyền con người, nhất là quyền tự do dân chủ. Quan trọng là các quyền này với Phan Khôi phải minh bạch, chính đáng. Phan Khôi là một nhà báo, hơn thế nữa còn là một nhà báo mang hơi hướng của một nhà khảo cứu.

Với góc nhìn của một nhà Nho học, ông khảo cứu đời sống qua những tác phẩm của mình. Trong những bài viết của ông, luôn thấy sự tỉ mẩn, cẩn trọng rất riêng. Để tạo dấu ấn riêng và xây dựng một thế giới quan sinh động, khách quan, ông đọc và viết rất nhiều về lịch sử, văn học. Ở lĩnh vực nào hầu như ông cũng là người đi tiên phong, như mở đầu thơ mới bằng bài “Tình già” đã đặt viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu Việt Ngữ, đi trước Tự lực văn đoàn về giải phóng phụ nữ.

Với tư cách là một nhà báo, Phan Khôi đã khơi mào, lẫy lên nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm. Trong những tác phẩm của ông luôn thấy một Phan Khôi bản lĩnh không chỉ bằng nội dung mà còn trong cách viết. Đỉnh cao trong những tác phẩm ấy là sự tư duy, cách đặt vấn đề, suy luận logic, đi liền thực tế. Trong thời buổi giao hòa giữa Tây và Ta, ông đã tìm cho mình tiếng nói riêng, không hùa theo số đông.

Đó là điều mà những người làm báo đương thời ít ai đạt được. Bước vào thời hiện đại, cái tôi của người trí thức Tây học nghiêng về chủ nghĩa lãng mạn còn cái tôi của nhà nho Phan Khôi lại nghiêng về chủ nghĩa duy lý. Tuy chưa trở thành một cá nhân hiện đại nhưng ý thức cá nhân rất cao ở nhà Tây học gặp gỡ nhân cách cũng rất cao của một nhà nho đã làm cho Phan Khôi trở thành một con người mạnh mẽ, xuất chúng, điển hình của một thời.

Trong những năm kháng chiến, dù đã tuổi cao nhưng Phan Khôi vẫn nhiệt tình tham gia chiến dịch bằng vốn hiểu biết của mình, bằng những trang viết sống động. Với ông, cống hiến, đấu tranh bằng ngòi bút, viết báo là sứ mệnh cả đời. Con người đầy trách nhiệm ấy được bộc lộ rất rõ trong bài thơ Nắng chiều: “Nắng chiều đẹp có đẹp/Tiếc tài gần chạng vạng/Mặc dù gần chạng vạng/Nắng được thì cứ nắng”. Làm báo, viết văn, lao động học thuật là mục đích chính của Phan Khôi nếu so với những hoạt động chính trị của ông. Ông tự nguyện dấn thân vào tri thức để tìm tiếng nói chân thực nhất cho chính ông và xã hội.

Phan Khôi là một hiện tượng văn học độc đáo, là dấu gạch nối của một giai đoạn văn chương và xã hội. Bản lĩnh, cốt cách độc lập, ông cũng đại diện cho cả cái hay cái dở của người Quảng Nam, bộc trực và thẳng thắn. Để rồi mãi cho đến những thế hệ sau cái tên Phan Khôi vẫn được nhắc đến như một nhà báo, người đã không ngừng đấu tranh cho quyền con người, luôn gắn bó với cuộc đời.

Hà Dung