Có một Nick Vujicic khác ở Việt Nam!
(Cadn.com.vn) - Sinh ra bị cụt hai tay hai chân bẩm sinh, nhưng bằng nghị lực và ý chí kiên cường, chàng trai người dân tộc Gia Rai - Nay Djruêng đã vượt qua số phận để vươn lên trong cuộc sống. Nay Djruêng hiện là lớp trưởng lớp 13I3, Trường CĐ Công nghệ thông tin- ĐH Đà Nẵng, thành viên tích cực Đội Công tác xã hội của trường.
Nay Djruêng tham gia hoạt động tình nguyện đền ơn đáp nghĩa. |
Nghị lực phi thường
Khác với hình dung của chúng tôi về một người khuyết tật, Djruêng rất cởi mở và tự tin. Để được như hôm nay, chàng SV 24 tuổi này đã phải vượt qua một chặng đường dài với những năm tháng sống trong mặc cảm, tủi hờn!
* Djruêng còn có năng khiếu về âm nhạc. Năm 2007, anh nhận giải thưởng Tiếng hát quần chúng H. Krông Pa với bài hát "Ước mơ của mẹ". Tháng 4-2014, Djruêng giành được giải nhất cuộc thi "IT got talent" tại trường với ca khúc "Cha tôi". Tháng 9-2015, Djruêng nhận giải phụ cuộc thi "Tuyên truyền ca khúc cách mạng" do ĐH Đà Nẵng tổ chức với bài "Màu hoa đỏ". Với Djruêng, âm nhạc là người bạn tri kỷ. Nhờ có âm nhạc, anh cảm thấy mình như được sẻ chia, tiếp thêm nghị lực sống. |
Là con thứ năm trong một gia đình có 7 anh em ở xã Krông Năng, H. Krông Pa, Gia Lai, vừa mới lọt lòng, Djruêng không được may mắn như những đứa trẻ khác. Djruêng bị dị tật bẩm sinh, cụt 2 tay, 2 chân. Không bút nào tả nổi đớn đau của cha mẹ Djruêng khi nhìn thấy đứa con trai thứ năm chào đời cũng bị tật nguyền giống như người con gái trước đó. Vết thương lòng cố nén chặt chưa kịp nguôi ngoai, nay lại rỉ máu, khiến họ chết lặng đi. Họ lo sợ rồi đây Djruêng cũng sẽ như chị gái của mình, tương lai mịt mờ…
Đến tuổi đi học, nhìn thấy các bạn đồng trang lứa ríu rít rủ nhau đến trường, Djruêng mong ước được như chúng. Đem ước muốn này bày tỏ cùng ba mẹ, Djruêng bị phản đối, bởi họ sợ con trai khó lòng vượt qua những tổn thương tinh thần, khó hòa nhập cùng bạn bè. Nhưng rồi, họ đành chịu thua trước khát khao cháy bỏng được học cái chữ của Djruêng.
Những ngày đầu bước chân vào lớp, Djruêng đối mặt với muôn vàn khó khăn. Djruêng thường bị bạn bè trêu chọc vì cơ thể tật nguyền của mình. Nhưng khó khăn nhất vẫn là học và viết cái chữ. Djruêng đánh vật với từng con chữ lạ lẫm. Viết sao cho thẳng hàng thực sự là một thử thách quá sức lớn đối với Djruêng. Nhưng bằng nghị lực và quyết tâm phi thường, bất kể ngày hay đêm, ngoài giờ học, Djruêng cắm cúi bên chiếc bàn gỗ để học thuộc mặt chữ, rèn cách viết. Djruêng ý thức được rằng, để thay đổi suy nghĩ của người khác về mình chỉ có một con đường duy nhất là phải cố gắng học tập. Có những lúc chân tay tê cứng, đau buốt đến từng thớ thịt nhưng Djruêng không hề nản chí. Những năm học miệt mài cứ thế trôi qua với bao khó khăn, vất vả. Bù lại, Djruêng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bản thân: từ rụt rè, mặc cảm, ngại giao tiếp, trở nên tự nhiên và cởi mở hơn khi nói chuyện với người khác.
Nhưng hình như số phận luôn muốn thử thách Djruêng. Năm cuối THCS, sức khỏe của Djruêng giảm sút, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Điều này khiến cậu học sinh tật nguyền nhụt chí. Đang trong lúc chán nản thì có đoàn khuyết tật thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội TP Hà Nội đến biểu diễn ở trường. Họ mời Djruêng theo Đoàn ra Hà Nội tham gia hoạt động tình nguyện. Đúng lúc nghỉ hè, Djruêng quyết định đi. Ban đầu, ba mẹ Djruêng phản đối vì sợ con không thể thích nghi ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lại còn quá non nớt, tật nguyền. Nhưng vì muốn Djruêng lấy lại tinh thần, cuối cùng họ cũng cho đi. Nói về quyết định bất ngờ này, Djruêng chia sẻ: "Lúc đó mình chỉ muốn đi đâu đó thật xa để tạm nghỉ ngơi trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Đối với mình, khoảng thời gian ngắn ngủi tại Hà Nội là một kỷ niệm khó quên".
Những ngày tham gia công tác xã hội tại Hà Nội, Djruêng quay quắt nhớ trường, nhớ lớp. Ước mong tiếp tục được học bùng cháy trở lại và Djruêng quyết định trở về Gia Lai để theo đuổi việc học. Cuối cùng, chàng trai người Gia Rai cũng đã hoàn thành xong chương trình phổ thông. Djruêng đăng ký thi vào trường CĐ Công nghệ thông tin - ĐH Đà Nẵng, đỗ với kết quả 16 điểm.
Mới vào trường, Djruêng đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn, đội với những chuyến đi dân vận đến các xã miền núi trong địa bàn TP Đà Nẵng. Đội trưởng Đội Công tác xã hội trường CĐ Công nghệ thông tin, Nguyễn Văn Quân nhận xét: "Djruêng rất tích cực với các hoạt động của nhóm, mặc dù bất tiện trong đi lại nhưng hoạt động nào cậu ấy cũng cố gắng tham gia".
Chàng trai Gia Rai đầy nghị lực. |
Tiếp sức những mảnh đời bất hạnh
Xuất phát từ sự không may mắn của bản thân, thấu hiểu và mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, Djruêng ấp ủ ước mơ xây dựng Quỹ hỗ trợ dành cho các em nhỏ bất hạnh ở quê nhà. Djruêng đã tìm đến các nhà hảo tâm vận động, quyên góp thực hiện "Quỹ hỗ trợ tiếp sức đến trường" của mình. Mỗi năm, Djruêng trao từ 8-10 suất học bổng, mỗi suất 200.000- 500.000 đồng cho các em HS khó khăn trường TH Krông Năng và trường THPT Đinh Tiên Hoàng tại Gia Lai. Đây là cách mà chàng sinh viên Gia Rai bày tỏ lòng tri ân với quê hương, thầy cô, bạn bè - những người đã tiếp thêm sức mạnh giúp cậu vượt qua chặng đường đầy gian nan thuở ấu thơ.
Giáo viên dạy Văn tại trường Đinh Tiên Hoàng, Đỗ Văn Hiếu chia sẻ: "Tôi rất hoan nghênh tinh thần của Djruêng! Không những vượt khó trong cuộc sống, em còn biết quan tâm, sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn khác. Tôi mong em ấy có thể tiếp tục duy trì quỹ đầy ý nghĩa này".
Djruêng mong ước có thể duy trì và làm lớn mạnh "Quỹ hỗ trợ" của mình, để có thể trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường. Điều Djruêng lo sợ nhất là không theo đến cùng ước mơ vì lý do sức khỏe (thị lực ngày một kém, cộng thêm bệnh trĩ).
Với nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hướng đến cộng đồng, tháng 5-2014, Djruêng là một trong 21 tấm gương tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Hoa Sen, Báo Thanh niên và kênh TH VTV6 - Đài THVN tổ chức với sự góp mặt của Nick Vujicic. Cũng trong chuyến đi này, anh gặp được cô Tôn Thị Như Nguyệt, hiện công tác tại trường ĐH ngoại ngữ Hà Nội. Khâm phục trước nghị lực phi thường của chàng sinh viên dân tộc Gia Rai, cô đã giúp đỡ để Djruêng nhận trợ cấp mỗi tháng là 800.000 đồng, trang trải thêm chi phí sinh hoạt khi học tập. Đáng tuyên dương hơn khi Djruêng còn cố gắng xin được trợ cấp cho 2 bạn sinh viên có hoàn cảnh giống mình. Nhìn thấy con trai được tuyên dương trên truyền hình, ba mẹ Djruêng vô cùng tự hào, sung sướng. Họ tin rằng cuộc đời này vẫn còn tồn tại những điều kỳ diệu nếu biết cố gắng vượt qua nghịch cảnh.
Cầu chúc cho Djruêng thật nhiều sức khỏe để tiếp tục con đường mà anh đang đi. Bởi đối với chàng trai này chỉ cần có sức khỏe thì "không gì là không thể". Cuộc đời này không phải lúc nào cũng mang sắc hồng tuyệt đẹp nhưng nó vẫn luôn đáng sống nếu bạn có niềm tin và nghị lực đủ mạnh để vượt lên trên tất cả nỗi đau mất mát, bất hạnh để tìm kiếm và đạt mục tiêu thật sự của cuộc đời mình. Djruêng đã minh chứng cho điều đó! Djruêng là một người "tàn nhưng không phế"!
Ai Nhi - Tường Vy