Có một tình yêu như thế
(Cadn.com.vn) - Có thể tạo hóa đã không công bằng đối với ông Lê Phúc (1957, tổ 12, An Khánh, P.Thủy Lương, Hương Thủy, TT- Huế) khi "ban" cho ông một khuôn mặt biến dạng ngay từ khi lọt lòng. Song, nếu như không thể chọn cho mình được hình dạng như mong muốn, ông lại được cuộc đời mang "tặng" cho một người phụ nữ nhân hậu.
Tính đến nay, bà Trần Thị Bằng (1958) đã có gần 40 năm nên nghĩa vợ chồng với ông Phúc. Ngày bà quyết định đến với ông Phúc cũng là ngày bà bị người thân trong gia đình quay lưng. Tuy nhiên, bằng tình yêu chân thành, bà vẫn quyết định đến với ông: một người đàn ông có khuôn mặt đầy những khối u chảy xệ, người mà xóm làng vẫn gọi "người mang khuôn mặt quỷ".
Quả thật, nếu không chuẩn bị trước về tinh thần, người yếu bóng vía thoắt nhìn ông Phúc chắc chắn sẽ không tránh được sự e ngại. Trên mặt ông, những thớ thịt thừa màu tím bầm phình to úp gần hết khuôn mặt. Mặc cảm về sự "xấu xí" của mình, đến nay ông Phúc vẫn có thói quen không bao giờ ngồi đối diện với người mà mình tiếp chuyện. "Cuộc đời của tôi sẽ không có ý nghĩa nếu không có bà ấy. Bà đã đến bên tôi, một người "ma chê quỷ hờn". Rồi bà yêu tôi, thương tôi bằng một tình thương vô bờ bến. Mặt tôi chẳng ai dám nhìn đâu, chỉ có bà ấy nhìn thôi...", giọng ông Phúc đầy tâm trạng.
Vợ chồng ông Phúc-bà Bằng. |
Vượt qua bao nhiêu ngăn cản, ông Phúc và bà Bằng đến với nhau. Kết quả của mối tình sóng gió đó là 3 đứa con lần lượt ra đời. Tuy nhiên vì cái đói cái nghèo vẫn bám riết lấy vợ chồng ông bà nên các con không được theo con chữ bằng người. "Các con tôi đang làm thuê ở ngoài Bắc, lương ba cọc ba đồng không nuôi nổi bản thân, đến ngày Tết cũng không có tiền để về thăm gia đình. Những ngày Tết đối với vợ chồng tôi phải chăng chỉ là những ngày được ăn no hơn ngày thường thôi", ông Phúc không giấu giếm cái nghèo.
Chồng thường xuyên ốm yếu khi trái gió trở trời, vợ 10 năm bị sỏi mật không thể làm được việc gì, ông Phúc phải rong ruổi khắp nơi với nghề bán vé số. Tuy vậy, ông không từ bỏ khát vọng một lần mang khuôn mặt người. Tình yêu, sự sẻ chia của bà Bằng đối với cuộc đời ông là chỗ dựa của niềm tin ấy. "Tôi và ông ấy đã có duyên phận với nhau thì phải cùng nương tựa nhau mà sống. Trước đây khi còn khỏe mạnh không ốm đau gì thì tôi làm nuôi ông. Bây giờ ông bán vé số nuôi tôi. Vợ chồng tôi cùng tin rằng, một ngày nào đó, đời mình sẽ khác", bà Bằng tâm sự.
Khi được hỏi đến ước mơ của mình, ông Phúc ước cho vợ khỏe mạnh, bà Bằng lại ước cho chồng mình một ngày nào đó được mang khuôn mặt người. Ước mơ đó, theo bà, không phải vì bản thân bà, mà là mong chồng của mình được ngẩng mặt thật cao khi ra đường.
Chia tay vợ chồng ông Phúc khi ánh nắng cuối chiều nhạt nhòa vàng vọt xuyên qua những tán cây, rớt xuống đường làng, những tâm sự của vợ chồng ông Phúc trĩu nặng theo chúng tôi trên suốt chặng đường trở lại Đà Nẵng. Sâu thẳm trong lòng, chúng tôi ngưỡng mộ tình yêu của họ và mong có một phép mầu đến với họ, biến những giấc mơ rất đỗi bình thường ấy thành hiện thực...
Phương Trang