Báo Công An Đà Nẵng

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài

Thứ bảy, 09/09/2017 13:07

Ngày 8-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”. Ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp với giá trị thực tế phần vốn nhà nước hơn 189 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2016, có 58 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty Nhà nước. Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, từ gần 1.500 doanh nghiệp nhà nước năm 2010 xuống còn khoảng 600 doanh nghiệp năm 2016, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế.

Trao đổi ý kiến về những bất cập của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong bài tham luận gửi đến Hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là mặc dù 96,5% doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng chỉ 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, đó là do tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế. “Vì thế, các doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài “ít mặn mà” với việc mua doanh nghiệp nhà nước”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ trong bài tham luận  của mình.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh, để tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư thì quá trình cổ phần hóa và thoái vốn phải minh bạch và nhà đầu tư phải được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, ông Tony Foster, Công ty Luật Freshfields (Anh) cho rằng, muốn thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn thì cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước. Điều này sẽ mang đến những chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho Chính phủ.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng khẳng định, để khắc phục những bất cập trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì cần áp dụng phương pháp định giá tài sản phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Đồng thời, lựa chọn được các tổ chức tư vấn định giá độc lập có năng lực chuyên môn, uy tín; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

PHAN PHƯƠNG