Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Có thể dùng băng ghi âm để đòi nợ?

Thứ hai, 03/08/2015 08:33

(Cadn.com.vn) - Ông Bùi Lư (trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) hỏi: Tôi có cho một người quen mượn 2 cây vàng, hai bên không viết giấy tờ gì. Tôi biết như vậy là không có cơ sở để đòi nợ nếu người này không chịu trả. Do đó, vừa rồi tôi có ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại, trong đó có đề cập đến nội dung mượn 2 cây vàng. Như vậy, tôi có thể dùng bản ghi âm để đi kiện đòi nợ được không?

Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời:

Về chứng cứ, Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự". Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự thì bản ghi âm có thể được xem là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, về việc xác định chứng cứ, Khoản 2 Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó". Trong trường hợp này, nếu ông xuất trình được các tài liệu liên quan kèm theo như văn bản thừa nhận giọng nói của người mượn vàng hoặc kết quả giám định giọng nói chỉ rõ giọng nói của người mượn vàng thì ông mới có thể dùng bản ghi âm để kiện đòi lại 2 cây vàng đã cho mượn.

Chương trình này có sự hợp tác về chuyên môn 
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật.