Cổ tích giếng làng
(Cadn.com.vn) - Dì bảo, dì không biết mấy cái giếng của làng mình được xây dựng từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi dì lớn lên ở nhà ông bà ngoại thì đã thấy có giếng Sống tại xóm Tây, gần ngôi đình làng có bóng cây đa quanh năm râm mát. Rồi dì lấy chồng, làm dâu về ở xóm Sa Khê, thì cũng đã thấy có cái giếng Bộng. Hai cái giếng cổ xưa này đều nằm ở làng Hà My (xã Điện Dương, H.Điện Bàn, Quảng Nam) yêu dấu của tôi.
Nghe dì kể, ngày xưa, hồi còn chiến tranh, cả làng mới có một cái giếng uống chung, phục vụ sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng cư dân trong làng, trong xóm. Hồi đó, khi ngành tiểu thủ công nghiệp cơ khí chưa phát triển, ông bà ta hay sử dụng gàu gánh nước bằng nan tre già đan được bện chặt lại với nhau rồi trét phân trâu, hoặc là dầu hắc bôi trắc kỹ ở bên ngoài để gàu nước không chảy. Hồi nhỏ, tôi hay tung tăng đi gánh nước bằng đôi gàu nhôm nhỏ ở cái ao đào giữa nổng cát trước nhà vừa dùng tưới khoai lang, rau màu, vừa để gánh về uống, sinh hoạt. Một thời gian sau, bà con trong xóm mới phát hoang, dọn cỏ, nạo vét cái giếng Bộng để lấy nước uống cho cả xóm. Chiến tranh bom đạn trút xuống làng quê tôi ngổn ngang nhưng cái giếng Bộng ở Sa Khê, hay giếng Sống ở xóm Trung chỉ bị mảnh đạn bom làm sứt mẻ chung quanh thành miệng giếng được xây bằng gạch thẻ vữa vôi đã lâu năm nhưng còn chắc nịch, chứ không bị tàn phá, hay bị vùi lấp hẳn.
Nước giếng Bộng trong veo, nhất là vào mùa hè, bởi nhiều nhà sử dụng, các mạch nước ngầm, mạch lồi từ đất cát dưới lòng giếng chảy ra thường xuyên nên nước rất trong. Vào mùa hè, hoặc là sáng sớm, không thì phải chiều tối mới có nước đầy giếng để cho cả xóm mỗi nhà múc đủ hai gàu nước gánh về. Ngày ấy, mỗi chiều khi mặt trời đã đi ngủ, bọn con nít xóm tôi hay gọi nhau í ới đi ra giếng Bộng gánh nước, đi tắm. Nhất là những đêm trăng sáng rọi, lũ chúng tôi giành nhau từng gàu nước, đùa nghịch, nói cười ríu rít quanh giếng. Nhiều bữa, vào những đêm trăng sáng, đến tận khuya vẫn có người trong xóm còn lọ mọ ra giếng gánh nước, hay tắm giặt. Suốt quãng đời tuổi thơ tôi lớn lên bên lời ru của mẹ, của ngoại. Cũng có nghĩa là cả ngần ấy thời gian trôi qua, nguồn nước tôi uống, tôi tắm rửa hằng ngày từ những cái giếng làng thân quen ấy. Mạch nguồn của dòng nước trong lành, ngọt ngào ấy đã tắm mát cả tuổi thơ tôi. Tôi lớn lên bên lời ru của mẹ, của ngoại trong rì rào sóng biển Hà My. Tôi lớn lên bằng củ khoai, củ sắn, hạt gạo tháng 3, tháng 8 đồng chua nước mặn nơi quê nghèo trong hun hút gió bấc cuối mùa và có cả dòng nước mát ngọt ngào của những cái giếng làng thân quen ấy.
![]() |
Giếng làng-một mảnh hồn quê. |
Thời gian như thoi đưa. Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Bao mùa màng lúa khoai, cây trái quê nhà trong nắng gió bời bời đã đi qua. Bao đứa trẻ nhà quê như tôi cũng đã yên bề gia thất, công thành danh toại. Cuộc sống vùng cát quê tôi đang đổi thay từng ngày. Cũng như nhiều làng quê khác, quê tôi bây giờ hầu như nhà nào cũng đã có máy bơm nước phục vụ sinh hoạt và tưới tắm cây cối, rau quả trong vườn. Cái giếng Bộng, giếng Sống của làng tôi như huyền thoại cổ tích đã hoang phế trong nắng gió, cỏ dại mọc um tùm, xa vắng những bàn chân trần li ti dẫm lên nhau trên cát để giành từng gàu nước, từng gánh nước mỗi khi đi qua những mùa hạ bịt bùng nắng gió khô hạn.
Cái giếng Bộng, giếng Sống của làng Hà My quê tôi vẫn còn đó như chứng nhân hùng hồn một thời chưa xa, khi mà cuộc sống ngày ấy còn bao khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cái giếng làng tôi đã trở thành ký ức khó mờ phai cho những đứa con xa xứ như tôi quay về, mỗi khi lòng bỗng chùng xuống bởi thời gian và nuối tiếc, hay mỗi khi quay quắt nỗi nhớ quê cha đất tổ với nỗi khắc khoải, hoài niệm về một thời chưa xa nơi vùng quê nghèo nằm ở hạ lưu con sông Cổ Cò.
Tạp bút: Đinh Văn Dũng