Báo Công An Đà Nẵng

Cổ vật triều Nguyễn có về lại quê nhà?

Thứ sáu, 20/06/2014 09:48

(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, chiều 13-6, tại lâu đài Cheverny (Pháp) đã diễn ra việc đấu giá hai hiện vật quý của triều Nguyễn: chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh. Sau những diễn biến về sự việc nói trên, ngày 16-6, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã gửi văn bản khẩn đến UBND tỉnh TT-Huế và Bộ VH-TT&DL đề nghị sớm có ý kiến với Chính phủ và Bộ Ngoại giao tìm giải pháp đưa hiện vật của vua Thành Thái vừa mua được về nước. Bởi mặc dù chiếc xe kéo tay đã được người đại diện của tỉnh TT-Huế mua thành công, nhưng phía Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (Paris) đã đề xuất được mua theo giá của tỉnh TT-Huế theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Điều đó dẫn đến việc hồi hương của Cổ vật triều Nguyễn tại Pháp vẫn có thể gặp khó khăn.

Ngay từ đầu cuộc đấu giá, nhà sưu tập Gérard Chapuis (người Pháp gốc Việt, thường được báo chí biết qua tên gọi “Người giữ đền Bùi Xuân Phái” ở Marseille) đã theo dõi thông tin này sát sao, bởi chính ông cũng là người quyết tâm tham gia vụ đấu giá mua bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi (vào ngày 24-11-2010), nhưng bất thành. Tại phiên đấu giá, chiếc giường đã bị đẩy lên mức giá khá cao, nên người đại diện của Huế không thể theo được. Cuối cùng, chiếc giường được ông Tạ Văn Quang-cháu họ của vua Thành Thái đang sống tại Pháp mua với giá 124.000 EUR. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã liên lạc ngay với ông Tạ Văn Quang nhưng hiện chưa được sự trả lời chính thức. Tuy nhiên với thiện chí từ người mua, cổ vật này nhiều khả năng sẽ trở về  cố đô Huế.

Ông Philippe Rouillac, người sáng lập công ty đấu giá, ông Aymeric Rouillac,
Ủy viên đấu giá thế hệ thứ hai và bé Gabriel Rouillac.

Riêng với chiếc xe kéo, người đại diện của Huế đã mua được với  giá  45.000 EUR/  55.800 EUR (đã đóng thuế). Tuy nhiên, điều bất ngờ ở phút cuối hiệp đấu, đại diện Bảo tàng Guimet, bà Katia Mollet, phụ trách trưng bày, tuyên bố Nhà nước Pháp sẽ đề nghị mua lại chiếc xe theo nguyên tắc quyền ưu tiên mua/Droit de préemption để giữ lại bảo vật cho Quốc gia Pháp. Vậy Việt Nam sẽ còn cửa để thắng và đem xe kéo về Bảo tàng cung đình Huế trong phạm vi 15 ngày theo quy định hay không?

Ông Gérard Chapuis cho biết: “Hiện Bảo tàng Guimet đang chuẩn bị cuộc triển lãm “L'envol du Dragon-Art royal du Vietnam” (tạm dịch: Lưỡng long-Nghệ thuật Hoàng gia Việt Nam) từ ngày 9-7 đến 15-9-2014, vì vậy Bảo tàng trưng dụng xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh cho cuộc triển lãm và sau đó xe sẽ được vào kho lưu giữ. Tuy nhiên, ông Aymeric Rouillac, Ủy viên đấu giá, tiết lộ: “Khi biết gia đình Prosper Jourdan đã có ý định một vài năm trước hiến tặng phi lợi nhuận 2 món đồ ngự dụng, thì Bảo tàng Guimet đã không màng trả lời mà bây giờ lại dùng quyền ưu tiên mua chỉ để phục vụ cho một cuộc triển lãm duy nhất. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đề nghị được mua chiếc xe kéo, chấp nhận cho Bảo tàng Guimet mượn đến hết triển lãm có hạn kỳ, nhưng đã nhận lại sự từ chối!”. Theo ông, hai hy vọng cuối cùng để xe kéo về Huế sẽ qua "chiến tranh ngoại giao" hoặc chiếc xe sẽ trở thành món "quà ngoại giao" cho Việt Nam sau khi Bảo tàng Guimet đóng cửa cuộc triển lãm này. 

Trần Trung Sáng

Văn phòng Rouillac là nhà đấu giá cha truyền con nối. Người sáng lập là ông Philippe Rouillac từ năm 1983 tại Vendôme, thành viên của hội khảo cổ học Vendôme và là chuyên gia cho tòa án cấp phúc thẩm. Năm 1989, ông thành lập những buổi buôn ngoài trời theo kiểu Pháp tại lâu đài Cheverny với sự giúp đỡ của ông bà Hầu tước De Vibraye, ông bà Tử tước Sigalas, Nữ công tước De Caraman, Nữ Hầu tước De Brantes. Đến hẹn lại lên, hàng năm, những cuộc buôn ngoài trời trở thành điểm đến cao cấp nhất cho làng chơi các tỉnh của nước Pháp. Với sự trợ giúp đắc lực của phu nhân là bà Christine, con gái của một Ủy viên đấu giá khác, ông Philippe Rouillac đặt kỷ lục quốc tế này đến kỷ lục quốc tế khác hàng năm. Đỉnh cao gần nhất là chiếc rương MAZARIN* bán với giá 7.311.00 EUR cho bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam/Hà Lan hồi tháng 6-2013.

Còn Aymeric Rouillac, vào cuối những năm 2000, Aymeric theo dấu chân cha, trở thành Ủy viên đấu giá và mở chi nhánh đấu giá ở Tours. Trong ký ức của các thầy xưa thì Ủy viên đấu giá điển trai này có cách xử sự thuở ấy "đáng ghét". Aymeric tâm sự từ những năm trước rằng: "Đến giờ phút này kỷ lục của bản thân tôi và cũng là kỷ lục của nước Pháp ở bất cứ chuyên ngành đấu giá nào là Chân dung George Washington vẽ bởi Charles Willson Peale mà gia đình Rochambeau là chủ sở hữu, bán tại Cheverny cho một người Mỹ có mặt tại cuộc đấu giá với giá 5,2 triệu eur năm 2002”.